Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Hàng loạt vụ nổ tại 13 điểm ở Trung Quốc, ít nhất 3 người chết

Cập nhật lúc 20:22

Ít nhất 3 người chết sau hàng loạt vụ nổ tại 13 địa điểm khác nhau ở thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào chiều 30/9.
Phóng viên VOV thường trú tại Trung Quốc cho biết, vào khoảng 16h ngày 30/9 ( theo giờ địa phương), một loạt các vụ nổ xảy ra tại 13 địa điểm khác nhau tại huyện Liễu Thành thuộc khu tự trị Choang, Quảng Tây, Trung Quốc khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương.

 hang loat vu no tai 13 diem o trung quoc, it nhat 3 nguoi chet hinh 0
Hiện trường 2 vụ nổ bom ở thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc chiều ngày 30/9
Các vụ nổ xảy gần như đồng loạt tại những nơi công cộng tập trung đông người như bến xe, siêu thị, chợ, bệnh viện ...
Hiện cảnh sát đã phong toả hiện trường - nơi xảy ra các vụ nổ để điều tra và truy tìm thủ phạm.
Việc xảy ra các vụ nổ tại Quảng Tây sẽ gây tâm lý bất an cho người dân Trung Quốc khi nước này chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ "tuần lễ vàng", bắt đầu từ ngày 1/10 đến hết ngày 7/10 nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh./.
VOV-Bắc Kinh

Vén màn bí ẩn cái chết nữ đại gia chè ở Trung Quốc

Cập nhật lúc 15:22

Trong những ngày qua, thông tin về việc bà Hà Thúy Linh (SN 1972, trú tại 31A Hùng Vương, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đột tử trong chuyến đi làm ăn với đối tác tại Trung Quốc đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Tuy nhiên cho đến nay, nguyên nhân cái chết bất thường của bà Linh đã dần được sáng tỏ.
Bản hợp đồng bất thường
Ngày 19/09/2015, bà Hà Thúy Linh, Giám đốc Cty TNHH Trà Oolong Hà Linh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Lâm Đồng bắt đầu dời Việt Nam để sang Trung Quốc làm ăn với đối tác. Trong chuyến đi này, bà Linh chỉ đi một mình theo yêu cầu từ phía đối tác, nếu có người thứ hai họ sẽ không ký hợp đồng.
Trước khi bà Linh sang Trung Quốc, Luật sư Trương Quang Quý – người tư vấn pháp lý cho Cty TNHH Hà Linh đã được giao cho việc soạn thảo một bản hợp đồng bằng tiếng Việt. Lạ một điều, hợp đồng này chỉ có tên bên bán là Cty TNHH Hà Linh chứ không có tên của bên mua. Khi ông Quý hỏi thì được bà Linh cho biết sẽ điền tên đối tác sau khi sang Trung Quốc vì đây là yêu cầu của họ. Theo đó, chuyến đi này của bà Linh được tiến hành sau khi bà và đối tác đã có nhiều lần làm việc với nhau tại Sài Gòn và đã đạt được thỏa thuận làm ăn. 
Mặc dù chỉ sang Trung Quốc một mình nhưng theo Luật sư Quý, trước khi đi bà Linh có nói với ông về việc bà có đi cùng một người quen. Tuy nhiên, bà Linh cũng không tiết lộ danh tính người này cho vị luật sư của mình. Từ đó dẫn đến việc cần thiết phải đặt ra vấn đề rằng người quen đi cùng bà Linh sang Trung Quốc là ai? Tại sao cho đến giờ, khi mà bà Linh đã tử vong thì người này vẫn chưa được nhắc đến?... Và rất nhiều câu hỏi khác xung quanh nhân vật bí ẩn này.
Kế hoạch giết người được lập sẵn?
Sau khi sang Trung Quốc vào ngày 19/09/2015, bà Hà Thúy Linh đã không liên lạc gì về Việt Nam cho đến khi chị ruột của bà nhận được thông báo rằng bà đã qua đời. Trong công điện khẩn ngày 23/09/2015 của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc báo về vụ việc bà Linh bị sát hại có nêu rõ: “Bà Hà Thúy Linh được bạn hàng mời uống nước, sau đó bị hôn mê, cướp toàn bộ tài sản, hộ chiếu tại thôn Cửu Giang Thùy, thị trấn Thường Bình, TP.Đông Quản, tỉnh Quảng Đông. Bà được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong vào sáng sớm ngày 22/09. Theo chẩn đoán y tế, bà Linh bị tổn thương tuyến tụy và vỡ trực tràng 12 do ngoại lực tác động...”.
Từ những thông tin trên, có thể thấy rằng việc ra tay sát hại bà Linh đã được tính toán rất kỹ từ trước. Bắt đầu từ việc bản hợp đồng bất thường được đưa ra theo yêu cầu từ phía đối tác cho đến việc bà Linh được phía đối tác cho biết chỉ ký bản hợp đồng này nếu bà đi một mình. Xâu chuỗi lại các sự kiện, việc bà Linh sang Trung Quốc lần này, trên danh nghĩa là đi ký kết hợp đồng làm ăn nhưng thực chất là bà đã vô tình bước vào cái bẫy chết người do phía đối tác giăng ra. Ngay cả nhân vật bí ẩn đi cùng bà Linh sang Trung Quốc cũng khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi nghi vấn như: Nhân vật này đã ở đâu khi bà Linh bị cho uống thuốc độc và đánh đập dã man? Nhân vật này có quen biết như thế nào với nạn nhân và làm việc trong lĩnh vực nào?...
 nữ đại gia, doanh nhân, trà ô long, Lâm Đồng, Hà Linh, Trung Quốc, nữ-đại-gia, doanh-nhân, trà-ô-long, Lâm-Đồng, Hà-Linh, Trung-Quốc,
Nữ doanh nhân Hà Thúy Linh.

Thêm một chi tiết khiến dư luận cho rằng đây là cái bẫy mà phía đối tác đã sắp đặt sẵn chờ bà Linh rơi vào, đó là việc trước khi trút hơi thở cuối cùng, nữ doanh nhân trẻ đã có ít phút tỉnh táo và kịp nói với các y, bác sĩ rằng bà đã cùng đối tác vào quán nước để uống, sau đó đã bị mê man và đánh đập. Vậy phía đối tác này đang ở đâu khi bà Linh bị hôn mê và bị đánh? Không những thế, nếu đây chỉ là một vụ cướp của thông thường thì sau khi bà Linh bị mê man, những kẻ gây án này hoàn toàn có thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản chứ không cần phải hành hung nạn nhân đến chết nhằm mục đích “diệt khẩu”. Vậy lý do gì chúng lại phải đánh đập bà đến chết? Liệu có hay không việc cướp của chỉ là màn kịch được chúng dựng lên nhằm che giấu mục đích giết người thực sự bên trong?
Tham gia công tác chống chuyển giá và thông tin chè nhiễm dioxin
Bà Hà Thúy Linh là một doanh nhân trẻ nổi tiếng không chỉ ở địa bàn tỉnh Lâm Đồng và trong ngành chè mà còn bởi bà là một người có nhiều đóng góp cho việc chống chuyển giá chè cũng như chống lại tin đồn “chè Lâm Đồng nhiễm dioxin”.
Theo đó, thời điểm còn làm Phó Giám đốc Cty HaiYih (Đài Loan, Trung Quốc), bà Linh đã cung cấp nhiều thông tin giá trị xung quanh việc chuyển giá của các doanh nghiệp xuất khẩu trà Oolong qua Đài Loan. Nhằm mục đích giảm thuế nhập khẩu vào Đài Loan, các doanh nghiệp này đều khai xuất trà Oolong qua Đài Loan chỉ có giá 2,5 USD/1kg (khoảng 70.000 đồng) trong khi giá thành sản xuất lên tới khoảng 300.000 đồng. Nhờ đó, các công ty này liên tục khai báo lỗ ở Việt Nam hòng trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Rất may nhờ có những thông tin mà bà Linh cung cấp nên sau đó sự việc này đã được giải quyết, năm 2010 Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng lần đầu tiên thu được gần 4 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, và sau đó 2 năm, con số này đã lên đến hơn 7 tỉ đồng.
Cuối năm 2014, một số phương tiện thông tin đại chúng của Đài Loan phát đi thông tin chè Việt Nam trồng trên vùng đất nhiễm dioxin nên đã khiến việc xuất khẩu trà Oolong qua Đài Loan gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp xuất khẩu trà Oolong qua Đài Loan đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bị kẹt tại cảng hàng chục tấn trà có trị giá hàng tỉ đồng. Nhận thấy tình trạng này nếu để lâu sẽ có ảnh hưởng xấu đến ngành chè Việt Nam, bà Linh đã đốc thúc các cơ quan chức năng có liên quan cùng nhau phản đối, đề nghị phía Đài Loan gỡ bỏ thông tin thất thiệt trên, nhờ đó việc xuất khẩu trà Oolong sang đất nước này được trở lại như trước.
Vậy liệu có hay không chuyện bà Linh bị sát hại tại Trung Quốc do bà đã từng mạnh tay trong việc chống chuyển giá và chống tin đồn về việc chè Lâm Đồng nhiễm dioxin? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra nhằm giúp làm sáng tỏ vụ việc, để từ đó sớm tìm ra hung thủ thật sự đứng đằng sau vụ án, làm sáng tỏ cái chết đầy uẩn khuất của nữ doanh nhân trẻ này.
Về phía Cty TNHH Hà Linh, mọi hoạt động của công ty vẫn được duy trì một cách bình thường. Theo thông tin có được, sau khi tang lễ của doanh nhân Hà Thúy Linh được hoàn tất, các bên liên quan sẽ cùng họp bàn thống nhất phương án hoạt động cho công ty trong thời gian sắp tới.
Chiều 29/9, trao đổi xung quanh việc bàn giao thi thể bà Hà Thúy Linh về Việt Nam cho gia đình, Luật sư Trương Quang Quý cho biết, do Trung Quốc chuẩn bị nghỉ quốc khánh (1/10) dài 7 ngày nên mọi hoạt động thủ tục, hồ sơ liên quan đến vụ án của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh phải tạm dừng. Phải qua ngày lễ họ mới bắt đầu lại, nên có thể 20 ngày nữa mới có thể đưa thi thể bà Hà Thúy Linh về Việt Nam", luật sư Quý thông tin.
(Theo PLVN)

Truy tìm bí kíp ‘ngẫu nhiên cả họ làm quan’

Cập nhật lúc 08:27                 

Phải chăng đây là một hiện tượng đặc sắc mà các nhà nghiên cứu cần dày công tìm tòi để rút ra bí kíp phổ biến rộng rãi cho người dân học hỏi?
Theo thông tin của lãnh đạo thành phố Hà Nội, vụ việc liên quan đến “cả họ làm quan” tại huyện Mỹ Đức mới đây chỉ là ngẫu nhiên và đúng quy trình. Câu “ngẫu nhiên” này sao mà thân thuộc, từa tựa như câu "đúng quy trình" đã nghe… mòn tai.
Bí kíp nào để ngẫu nhiên cả họ làm quan?
Nhìn vào lịch sử dân tộc, không phải không có những dòng họ làm quan. Ví như  họ Nguyễn Tiên Điền ở Hà Tĩnh, dòng họ đã cống hiến cho dân tộc Việt đại thi hào Nguyễn Du, nổi tiếng với câu ca dao: “Bao giờ ngàn Hống hết cây, Sông Rum hết nước, họ này hết quan”.
Chỉ có điều dòng họ Nguyễn Tiên Điền được dân tin phục, bởi làm quan nhưng đa phần người của dòng họ này đều dòng dõi khoa bảng. Họ làm quan do tài năng, khả năng học vấn cao, làm nhiều việc ích nước lợi dân.
Hơn nữa, để có một dòng họ làm quan ghi dấu ấn như họ Nguyễn Tiên Điền, không đơn giản chỉ trong một đời mà cả quá trình rất lâu dài.  Xét từ thời Nguyễn Nhiệm đến đời Nguyễn Thế, 4 đời đầu, cứ tuần tự nhi tiến, chưa có gì hưng phát, nổi bật. Từ đời thứ 6 thì dòng họ Nguyễn Tiên Điền bước vào thời kỳ cực thịnh, phát danh về con đường khoa bảng. Thời Lê – Nguyễn, Tiên Điền có 6 người đỗ đại khoa thì 4 người trong số đó đều là người họ Nguyễn. Dưới thời Lê – Trịnh, họ Nguyễn có khoảng 40 người làm quan, nổi tiếng nhất vẫn là hai cha con Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản, đều đỗ đại khoa, từng đảm đương những chức vụ cao nhất nhì trong triều Lê – Trịnh.
Những cái tên “vang bóng một thời” là minh chứng rõ nét nhất cho dòng họ khoa bảng này như: Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Huệ (tiến sĩ), Nguyễn Nghiễm (hoàng giáp), Nguyễn Khản (tiến sĩ), Nguyễn Điều (phó bảng), Nguyễn Tán (tiến sĩ), Nguyễn Mai (tiến sĩ)…
Tính ra thì mất cả trăm năm rèn giũa, nuôi dạy con cháu đèn sách, nhắc nhở giữ nếp nhà khoa bảng, dòng họ Nguyễn Tiên Điền mới có thể có chừng đó vị quan. Rõ ràng, tài đến như họ Nguyễn Tiên Điền mà cũng chưa thấy “ngẫu nhiên” làm quan được.
Nay “ngẫu nhiên cả họ làm quan” trong ngay một, hai thế hệ của dòng họ Lê tại huyện Mỹ Đức Hà Nội và chắc còn ở một số nơi khác trên cả nước, phải chăng là một hiện tượng đặc sắc mà các nhà nghiên cứu cần dày công tìm tòi để rút ra bí kíp phổ biến rộng rãi cho người dân học hỏi? Bởi có ai lại không thích cả họ nhà mình cũng được vinh hiển, được thăng quan tiến chức. Nếu có bí kíp rút ngắn thời gian khiến nhà nhà làm quan, họ họ làm quan, chắc bỏ vàng mười cũng vô số người muốn mua.  
 cả họ làm quan, Mỹ Đức, Quảng Nam, Hà Nội, Singapore, nhân tài
Có bí kíp nào để "ngẫu nhiên cả họ làm quan"?
Đương nhiên cả làng làm dân?
Trở lại câu chuyện “ngẫu nhiên cả họ làm quan” thì có thể hiểu rằng nếu không có bí kíp nào, hay không có tiền mua bí kíp thì đa phần các gia đình sẽ tiếp tục sống cuộc sống “đương nhiên làm dân”. Chỉ có điều đáng tiếc là trong số những dòng họ “đương nhiên làm dân” này chắc chắn không thiếu nhân tài. Nếu những nhân tài đó được phát huy tài năng, trau dồi năng lực, kinh qua các vị trí quan trọng thì có rất nhiều cơ hội giúp dân giàu nước mạnh.
Bàn về người tài, chúng ta dễ liên tưởng đến Singapore, một đất nước mà trong thành công có được ngày nay không thể không kể đến chính sách trọng dụng nhân tài nổi tiếng. Lãnh đạo quốc đảo sư tử dùng người tài để phục vụ mục tiêu chung của dân tộc với tiêu chí đánh giá năng lực rõ ràng, có cơ chế tốt để hấp dẫn và khuyến khích người tài.
Tiêu chí đánh giá năng lực của Singapore bao gồm: những thành tựu đã được công nhận, khát vọng cống hiến và thư giới thiệu, đánh giá của những người có uy tín trong xã hội. Một người muốn được thăng chức, ngoài những kết quả đã đạt được, phải có thư đánh giá của 6 người có uy tín ở bên ngoài cơ quan, không có họ hàng hay quyền lợi gì liên quan. Ngoài ra, cơ quan cũng tự tìm những người khác đánh giá về cá nhân này để đảm bảo tính khách quan và đúng đắn trong việc nhìn nhận một con người.  
Lại trộm nghĩ, nếu một người tài ở VN mà không có quan hệ quen biết, không có “ngẫu nhiên” cả họ làm quan… mà đi xin thư đánh giá khách quan của 6 người như trên để thăng tiến, thì liệu có xin được không nhỉ?
Và vì thế nên ta vẫn có những chuyện “ngẫu nhiên cả họ làm quan” và “đương nhiên cả làng làm dân” mà thôi.
(Theo TuanVietNam) Nguyễn Anh Thi

Gia Lai: Không khảo sát địa tầng, đường ngàn tỉ sụt lún

Cập nhật lúc 08:03          
        
 
Tại huyện Kông Chro, tuyến đường Trường Sơn Đông hư hỏng rất nặng. Ảnh: Đ.V

Đường Trường Sơn Đông được Chính phủ phê duyệt xây dựng dài 671km, đi qua 7 tỉnh, bắt đầu từ Quảng Nam và Lâm Đồng là điểm kết thúc. Do thiết kế không phù hợp, không khảo sát địa tầng, thủy văn đất, đoạn qua tỉnh Gia Lai đã bong tróc, sụt lún và rách nát. Trước tình thế nguy cấp, UBND tỉnh Gia Lai phải có công văn gửi Bộ Quốc phòng sớm chỉ đạo nhà thầu khắc phục.

Vừa bàn giao... là hỏng
Đầu tư bằng nguồn vốn Chính phủ, tuyến Trường Sơn Đông (TSĐ) xây dựng đi qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Với mục đích phòng thủ quốc gia, phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào thiểu số các tỉnh, Ban Quản lý dự án 46 thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư. 10.015 tỉ là tổng mức đầu tư toàn tuyến, năm 2006 khởi công, năm 2015 dự kiến sẽ hoàn thành.
Tại Gia Lai, tuyến TSĐ có chiều dài 247km đi qua 6 huyện, thị xã chiếm hơn 1/3 tổng số vốn, trên 3.000 tỉ. Theo UBND tỉnh Gia Lai, được bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2013 - 2014 nhưng đến nay một số đoạn đường đã hư hỏng. Quá trình kiểm tra, Sở GTVT Gia Lai phát hiện nhiều điểm bong tróc, sụt lún, mặt đường bị biến dạng, nghiêm trọng nhất là ở hai huyện Kông Chro và Ia Pa.
Tại hiện trường, PV Lao Động nhận thấy các điểm bong tróc, lớp nhựa được thi công rất mỏng, có thể dùng tay móc đá dăm ra khỏi mặt đường. Nhiều đoạn sụt lún, từng mảng nhựa vỡ vụn với bề rộng 3-4m, mặt đường bị phá vỡ hoàn toàn. Tại xã An Trung (huyện Kông Chro), chỉ một đoạn đường dài 1km nhưng lại có đến không dưới 50 mảng vá chằng chịt, chắp nối. Đơn vị thi công càng vá càng hỏng, sửa chữa chỗ này lại hỏng chỗ khác trên cùng một tuyến.
Không coi trọng thiết kế, khảo sát
Tại huyện Ia Pa, đường TSĐ hư hỏng thê thảm, tan hoang, nhựa không kết dính đất đá trông rất nham nhở. Từng mảng đường đua nhau sụt lún, thêm vào đó, nhà thầu cho người bóc tách các điểm hư nhưng không chịu sửa chữa đã tạo thành hố “bẫy” người đi đường. Người dân lắc đầu, ngoài bụi bặm, nhiều vụ tai nạn cũng đã xảy ra, thậm chí là chết người vì đường xấu. Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ia Pa - Hoàng Hồng Tú cho biết, việc hư hại diễn ra ngay trong quá trình thi công. Đường TSĐ đi qua 3 xã Pờ Tó, Chư Răng và Kim Tâm thì đều bị hỏng nhiều chỗ ở cả 3 xã.
Trao đổi với PV Lao Động, Phó GĐ Sở GTVT Gia Lai - Lê Văn Hạnh cho biết, việc hư hại của tuyến đường là do hai yếu tố chủ quan và khách quan. Chủ quan là vùng giáp ranh giữa huyện Kông Chro và Ia Pa có địa chất, thủy văn rất phức tạp, có thể trong quá trình khảo sát, thiết kế chưa đánh giá hết tình hình phức tạp từ đó đưa ra các giải pháp kết cấu không hợp lý.
“Cụ thể, ở tuyến đường này là phải dùng kết cấu bêtông ximăng nhưng chủ đầu tư lại dùng kết cấu bêtông nhựa thì mùa mưa rất dễ hư hỏng từ nền móng đến mặt đường, nhất là những đoạn không nâng tôn nền”, ông Hạnh thẳng thắn. Khách quan là, sau khi tuyến đường đưa vào sử dụng thì lưu lượng vận tải của xe trọng tải nặng (xe chở mía, mì) khá nhiều, lại không được kiểm soát chặt chẽ nên góp phần làm hỏng tuyến đường.
“Tầng đất ở huyện thì dùng bêtông ximăng thôi, chứ bêtông nhựa thì hư liền”, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kông Chro - Trần Biểu khẳng định.
Đề nghị sớm khắc phục
Trước tình trạng tuyến đường xuống cấp và hư hỏng quá nhanh, UBND tỉnh Gia Lai đã gửi công văn số 3380/UBND-CNXD đề nghị Bộ Quốc phòng sớm chỉ đạo nhà thầu sửa chữa, khắc phục ở các gói thầu có kết cấu mặt đường bêtông nhựa. Thảm thêm lớp bêtông nhựa nóng dày 5cm phủ lên lớp bê tông nhựa 7cm hiện có trên toàn tuyến. Ở cấp độ quản lý trực tiếp, Sở GTVT Gia Lai cũng đã có văn bản số 1206/SGTVT-QLKCHTGT đề nghị Ban Quản lý dự án 46 chỉ đạo nhà thầu đào sửa chữa “ổ gà” phải hoàn trả ngay, không để tình trạng đào khuôn đường mà không xử lý gây mất an toàn giao thông, bố trí các biển báo giao thông trong quá trình thi công. Văn bản của Sở GTVT Gia Lai cũng nêu thực trạng, dù đã nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu Ban Quản lý dự án 46 chỉ đạo nhà thầu đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình sửa chữa nhưng đơn vị thi công vẫn chưa nghiêm túc thực hiện.
Với thực trạng đã xảy ra ở Gia Lai, nếu chủ đầu tư không có động thái điều chỉnh việc khảo sát, thiết kế phù hợp với khí hậu, địa chất của vùng miền Trung - Tây Nguyên thì việc hư hỏng hàng loạt trên toàn tuyến sẽ là nhãn tiền.
(Theo Lao động) Đình Văn

Vỡ ống nhiều, giá nước phải tăng?

Cập nhật lúc 07:20                  

Nhiều hộ dân ở các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Từ Liêm… (Hà Nội) đang phải “sống mòn” trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều người phải dùng nước giếng khoan, nước mua từ xe bồn để chống “khát” qua ngày. Nhiều người cho biết, họ “sốc” và bức xúc hơn khi hay tin Hà Nội công bố giá nước sẽ tăng thêm 20% kể từ ngày 1/10.

Thiếu nước sạch trầm trọng, nhiều người dân Thủ đô vật vã đi kiếm nước xe bồn, nước đóng bình, nước giếng khoan...Ảnh: Thanh Hà.
Thiếu nước sạch trầm trọng, nhiều người dân Thủ đô vật vã đi kiếm nước xe bồn, nước đóng bình, nước giếng khoan... Ảnh: Thanh Hà.

Trong khi hàng triệu người dân thủ đô còn chưa hết bức xúc do phải chịu cảnh “khát” nước vì đường ống nước sông Đà tiếp tục vỡ (tới lần thứ 15) thì thông tin thành phố Hà Nội công bố tăng giá nước thành chủ đề bàn tán khắp các khu ngõ đang chịu cảnh “khát” nước mấy tháng nay. Tìm đến phố Pháo Đài Láng vào buổi trưa nắng, nhiều hộ dân ở đây vẫn loằng ngoằng vòi bơm nước. 
“Tháng trước mất nước hơn nửa tháng, chúng tôi phải mua nước xe bồn dùng. Sang tháng này cứ ba bốn ngày lại mất nước một lần. Tính đến hôm nay khu phố này mất nước sang ngày thứ tư rồi. Chất lượng phục vụ không đảm bảo, nghe bảo sang tháng lại còn tăng giá nước, cứ thế này ai mà chấp nhận được”, anh Nguyễn Văn Hoàng, người dân khu phố than.
Cô Đỗ Thị Anh ở phố Pháo Đài Láng cho biết, sáng nay, ra phố mọi người càng thêm bực bội khi nghe tin giá nước lại tăng. “Mất nước cả mấy tháng trời, nước đi xin, mua về chỉ dám dùng nấu cơm, rửa rau. Các sinh hoạt khác đều dùng nước giếng khoan. Thành phố ra quyết định tăng giá nước cứ thử nghĩ nếu gia đình mình mất nước cả tháng trời, đi vệ sinh mấy lần mới dám giội nước xem có bức xúc không?”, cô Anh nói.
Cô Anh không ngần ngại vạch chân lên cho phóng viên xem những vệt mẩn ngứa, dị ứng còn để lại vết thâm khi cô phải dùng nước bẩn. “Dùng nước giếng khoan tắm, trước mẩn ngứa nổi khắp người. Mua mất bao tiền thuốc uống, bôi nó mới đỡ”, cô Anh than.
Vỡ ống nhiều, giá nước vẫn tăng - ảnh 1
Người dân Hà Nội đi lấy nước ăn từ xe bồn trở tới. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cũng chịu cảnh mất nước từ nhiều tháng nay, nhiều hộ dân ở tổ 3, phường Láng Hạ chia sẻ họ bị “sốc” khi nghe tin tăng giá nước sinh hoạt. “Tôi và nhiều người dân ở khu vực này đúng bị “sốc” khi nghe tin tăng giá nước. Nhiều tháng nay mất nước, tôi phải dùng nước nhiễm phèn ở giếng khoan của gia đình mà trước chỉ dùng để phục vụ cho nhà vệ sinh. Chất lượng phục vụ như thế mà cũng đòi tăng giá nước được sao? Hay họ tăng giá theo số lần đường ống vỡ?”, ông Nguyễn Văn Vinh, cán bộ hưu trí ở phường nói.
“Khổ lắm, tối nào gia đình cũng phải đi mua nước về tắm giặt. Nếu lãnh đạo quyết định tăng giá nước, tôi mời các ông về đây sống thử một tuần. Nếu các ông ấy chấp nhận được thì giá nước 100 nghìn đồng/1 khối tôi cũng đồng ý”. 
Anh Nguyễn Đình Bảo nói
Chị Nguyễn Thị Linh, ở phường Láng Hạ cho biết, từ khi mất nước, gia đình chị mỗi tháng tốn thêm gần 500 nghìn tiền mua nước từ xe bồn, giặt quần áo ở tiệm. “Thiếu nước, lúc đầu tôi giặt bằng nước giếng khoan nhưng quần áo công sở của tôi và chồng bị vàng ố nên gia đình quyết định giặt khô ở tiệm với giá 10 nghìn đồng/kg. Tôi đồng ý tăng giá nước nếu chất lượng nước đảm bảo, không để xảy ra tình trạng vỡ ống, mất nước thêm lần nào nữa. Giữa Thủ đô mà dùng nước đôi khi đục ngầu, thiếu nước như thế này ai mà chấp nhận được tăng giá”, chị Linh nói.
Trở lại khu vực xóm Chùa, Triều Khúc, Tân Triều, huyện Thanh Trì nơi bị rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hơn 3 tháng liền mà báoTiền Phong đã phản ánh trong tháng 8 vừa qua, tình trạng mất nước vẫn triền miên. Ngõ nhỏ, xe chở bồn không vào được người dân nơi đây phải sử dụng xe 3 gác, xe ô tô tải cỡ nhỏ lót bao ni lông ra đường lớn mua nước từ xe bồn chở về. 
“Khổ lắm, tối nào gia đình cũng phải đi mua nước về tắm giặt. Nếu lãnh đạo quyết định tăng giá nước, tôi mời các ông về đây sống thử một tuần. Nếu các ông ấy chấp nhận được thì giá nước 100 nghìn đồng/1 khối tôi cũng đồng ý”, anh Nguyễn Đình Bảo người dân trong phố nói.
Vỡ ống nhiều, giá nước vẫn tăng - ảnh 2
Nhiều hộ dân ở Hà Nội phải tắm rửa bằng nước giếng khoan.

Sinh viên, công nhân thuê trọ hoang mang
Phòng trọ của sinh viên Lê Văn Huy, quê Hà Tĩnh, sinh viên Trường ĐH Hà Nội và nhóm bạn thuê trọ ở xóm Chùa, Triều Khúc chịu cảnh mất nước nhiều tháng nay. “Mất nước ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, sinh hoạt của chúng tôi, bây giờ còn lo hơn khi có thông tin sắp tới giá nước tăng. Phòng trọ của chúng tôi có 4 người xuất thân từ gia đình đều làm nông nghiệp, ra Hà Nội học tập mỗi tháng chi gần 2 triệu đồng cho tiền phòng trọ, sinh hoạt. Ở đây, em chịu mức giá điện 5.000 đồng/kWh, nước 40 nghìn đồng/1 khối. Chủ nhà vừa báo sang tháng, thành phố tăng giá nước nên bà cũng tăng lên 55 nghìn đồng/khối. Tiền điện, nước mỗi tháng nhiều gần bằng tiền ăn”, Huy bộc bạch.
Anh Nguyễn Anh Cương, công nhân Cty sản xuất xe đạp Thống Nhất cho biết, lương mỗi tháng anh được gần 4 triệu đồng. Ngoài chi phí ăn ở, sinh hoạt ở Hà Nội, anh phải nuôi hai con ăn, học. “Giá tiền điện vừa tăng, nay lại nghe chủ nhà bảo sang tháng tăng tiền nước vì thành phố tăng giá. Đọc báo thấy các “lãnh đạo” bảo tăng giá nước sạch không đáng kể, nhưng các “ông ấy” có đặt mình vào hoàn cảnh của những người lao động nghèo như chúng tôi không”? anh Cương nói.
Năm 2008, Dự án Nhà máy nước sông Đà giai đoạn 1, công suất 300.000 m3 một ngày đêm và đường ống truyền dẫn từ Hòa Bình về đến đường Vành đai 3 do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư được đưa vào vận hành, khai thác cung cấp nước sạch cho nhân dân. Năm 2010, hệ thống cấp nước sông Đà đạt Cúp vàng chất lượng Việt Nam. Tuy nhiên từ năm 2012 đến nay, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ 15 lần.
(Theo Tiền phong) Quang Lộc
OBAMA VÀ PUTIN LẠNH LÙNG NÂNG LI

Cập nhật lúc 07:00                  

 Cái bắt tay hờ hững và màn cụng ly lạnh nhạt giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin là hình ảnh biểu tượng cho những bất đồng sâu sắc giữa hai nhà lãnh đạo về cuộc khủng hoảng Syria

Cảnh cụng ly lạnh nhạt giữa ông Obama và ông Putin  - Ảnh: Reuters
Cảnh cụng ly lạnh nhạt giữa ông Obama và ông Putin  - Ảnh: Reuters
Quan hệ giữa ông Obama và ông Putin chưa bao giờ “cơm lành canh ngọt” và xấu đi nghiêm trọng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột nổ ra ở miền đông Ukraine.
Nhưng cảnh ông Obama mặt mày nghiêm nghị, ánh mắt sắc lạnh, còn ông Putin nhếch mép cười mỉa khi nâng ly trong tiệc trưa ở cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York thể hiện rõ mâu thuẫn trầm trọng hơn bao giờ hết giữa hai người đàn ông quyền lực hàng đầu thế giới.
Khi chuẩn bị bước vào cuộc họp song phương bên lề Đại hội đồng LHQ, ông Obama và ông Putin cũng bắt tay rất hờ hững theo kiểu lấy lệ. Chủ đề quan trọng nhất của cuộc gặp kéo dài 90 phút là cuộc khủng hoảng Syria.
Các quan chức hai bên mô tả cuộc đối thoại giữa ông Obama và ông Putin diễn ra “thẳng thắn và đầy tính xây dựng”. Chính ông Putin khẳng định hai bên “có nhiều điểm chung và đồng ý giải quyết các khác biệt”.
Nhưng giới quan sát nhận định rất ít có hi vọng về một sự hợp tác thiện chí giữa Nga và Mỹ để giải quyết khủng hoảng Syria.
 Ông Obama mặt lạnh khi nâng ly cùng Tổng thống Putin - Ảnh: AP
Ông Obama mặt lạnh khi nâng ly cùng Tổng thống Putin - Ảnh: AP
Trước đó, lúc lên phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, cả ông Obama và ông Putin đều đã chỉ trích nhau kịch liệt. Tổng thống Mỹ lên án Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh của Nga, là “bạo chúa” đã giết hại thường dân, châm ngòi cuộc nội chiến giúp tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy.
Ông Putin thì mô tả chính quyền ông Assad là sự lựa chọn không thể thiếu trong cuộc chiến chống IS.
Ông Obama chỉ trích Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi can thiệp vào khủng hoảng Ukraine.
Đáp trả lại, ông Putin lên án Mỹ đã châm ngòi chiến tranh ở Libya, Syria và cả Ukraine.
Dù ông Obama tuyên bố Mỹ “sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran” để giải quyết khủng hoảng Syria, nhưng giới quan sát nhận định mâu thuẫn giữa ông Obama và ông Putin về tương lai của Tổng thống Assad sẽ cản trở bất kỳ nỗ lực hợp tác thực chất nào giữa Washington và Matxcơva.
Ông Obama tỏ rõ quyết tâm loại bỏ ông Assad chứ không tỏ ý nhượng bộ như những dự báo trước đó.
Việc ông Putin đề xuất Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết thành lập một “liên minh quốc tế thật sự” chống IS bị đánh giá là có ý đồ loại bỏ liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo đang thực hiện các cuộc không kích chống IS ở Syria và Iraq.
Ở thời điểm hiện tại, giới truyền thông và chuyên gia quốc tế đánh giá có vẻ như ông Putin đang giành được lợi thế trước ông Obama.
Việc ông Putin triển khai binh lực tại Syria và đạt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo chống IS với Iran, SyriaIraq đều là những nước cờ đẩy Chính phủ Mỹ vào thế bị động. Trong khi đó, Washington chưa có kế hoạch cụ thể nào để xử lý vấn đề Syria.
Chiến dịch không kích IS do Mỹ dẫn đầu không đạt hiệu quả như mong đợi, còn chương trình đào tạo quân nổi dậy Syria, trị giá 500 triệu USD, đang thất bại thảm hại.
Nước cờ Syria của ông Putin cũng được đánh giá là giúp ông cản trở những chú ý và chỉ trích về vai trò của Nga trong chiến tranh Ukraine tại diễn đàn LHQ.
Dẫu vậy, cũng chưa có gì đảm bảo Nga có thể vãn hồi hòa bình ở Syria. Theo báo Washington Post, một số quan chức Nhà Trắng khẳng định dự báo với việc đưa quân vào Syria, Nga có thể sẽ phải hứng chịu tổn thất trong các cuộc giao tranh với IS.
Nền kinh tế Nga đang khủng hoảng vì giá dầu sụt giảm và cấm vận của phương Tây, do đó khả năng Nga duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria cũng khá mập mờ.
Vấn đề là trong khi Mỹ và Nga cạnh tranh ảnh hưởng, Syria vẫn đang tiếp tục chìm sâu trong hỗn loạn và đổ máu.
(Theo Tuổi trẻ) NGUYỆT PHƯƠNG

Hoa khôi Nam Em nói gì khi bị 'ném đá' vì trả lời phỏng vấn ngây ngô

Cập nhật lúc 06:52                                        
Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long 2015 Nguyễn Thị Lệ Nam Em đã nói gì sau khi bị cư dân mạng 'ném đá' vì cho rằng cô trả lời phỏng vấn ngây ngô trong vai trò thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm nay.
 Hoa khôi Nam Em nói gì khi clip giới thiệu bản thân của cô bị ném đá bởi cư dân mạng 1
Nam Em cho rằng nhiều người chưa hiểu rõ cô nên có những từ ngữ đánh giá về cách trả lời của cô hơi cay nghiệt
Theo đó vừa qua BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 cho đăng tải 40 clip ngắn của 40 thí sinh tranh tài ở vòng chung kết. Mỗi clip có độ dài từ 1 - 2 phút. Các người đẹp trả lời ba câu hỏi được đặt ra, trong đó, câu hỏi cuối khá thách đố, đòi hỏi thí sinh bộc lộ được cá tính và trí tưởng tượng: "Nếu phải ví mình là một loài động vật, bạn nghĩ tính cách mình giống con vật nào và tại sao?".
Sau khi xuất hiện trên mạng, phần trả lời của thí sinh Nam Em nhận nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả. Có người cho rằng câu trả lời này khá dễ thương, bộc lộ tính cách thẳng thắn của người đẹp đến từ miền Tây. Nhưng cũng có người bày tỏ sự bất ngờ vì sự thật thà của Nam Em. Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến chê cách nói chuyện của Nam Em.
Chia sẻ về cách trả lời hóm hỉnh ví mình là con vật và bị cư dân mạng ném đá, Nam Em cho biết: “Khi mà biết tin cộng đồng mạng chia sẻ clip của Nam Em và cũng có những ý kiến trái chiều từ mọi người Nam Em cũng hơi buồn. Nhưng có lẽ do mọi người chưa hiểu mình nên có những từ ngữ đánh giá về cách trả lời hơi cay nghiệt".
"Thật sự khi được đặt 3 câu hỏi mình trả lời thật theo những suy nghĩ của bản thân. Trước đây, Nam Em có từng làm MC thời sự nên khi mà đặt vào hoàn cảnh đó cũng khó để Nam Em có thể nói chuyện một cách tự nhiên. Lúc đó Nam Em chỉ nghĩ đơn giản là mình đang trả lời một vấn đề mang tính thời sự thì bản thân mình phải nghiêm túc và chú ý về phần diễn đạt. Mà Nam Em lại là học viên thanh nhạc nữa nên đôi khi cách nói chuyện hơi điệu đà, nhấn nhá trong cách phát âm. Có lẽ chính vì vậy mà mọi người hiểu nhầm và qua đây Nam Em cũng sẽ rút kinh nghiệm trong việc phát âm và trò chuyện sau này”, Nam Em giãi bày.
Hoa khôi Nam Em nói gì khi clip giới thiệu bản thân của cô bị ném đá bởi cư dân mạng 2
Nguyễn Thị Lệ Nam Em là một gương mặt được đặc cách vào vòng chung kết Hoa hậu Hoàn vũ năm nay
Không chỉ vậy, Nam Em còn khiến mọi người bất ngờ khi tự ví tính cách của mình “giống chó”. Khi bị "ném đá" về cách trả lời này, Nam Em cho biết mọi người đừng nên quá khắt khe với động vật đáng yêu này và cảm thấy khá bất ngờ khi mọi người đánh giá thấp cách so sánh của cô.
“Nam Em nghĩ rằng ở câu hỏi này nếu mà ban giám khảo và công chúng có đánh giá Nam Em thấp đi nữa Nam Em cũng chịu. Vì ở câu hỏi này phần quan trọng là nghiêng về tính cách. Mà chính bản thân chúng ta cũng là một loài động vật bậc cao. Cho nên Nam Em vẫn không hối hận khi đã chọn nó. Chỉ đơn giản là nó hội đủ những yếu tố trung thành, thông minh, năng động, nhạy bén, tình cảm", Nam Em nêu quan điểm.
Không chỉ vậy, người đẹp thay vì phản ứng lại với những đánh giá của cư dân mạng, cô lại thầm cảm ơn và xem như đó là một khóa huấn luyện mà mọi người đang rèn luyện mình. “Vì Nam Em còn quá trẻ và mới bước chân vào nghề Nam Em cần sự nhận xét thẳng thắn từ phía công chúng. Đúng là có buồn đấy. Nhưng quan trọng là tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn trong cuộc sống. Và điều đặc biệt là Nam Em rèn luyện được cho mình sự bình tĩnh khi vượt qua những thử thách. Nam Em không trách cộng đồng mạng đang phê phán mình. Vì mọi người đang làm cho Nam Em tốt hơn và mạnh mẽ hơn. Câu nói mà Nam Em rất tâm đắc: Ở giữa thất bại và thành công có con sông mang tên là bỏ cuộc nhưng trên con sông đó có cây cầu gọi là sự cố gắng”.
Nam Em cũng cho biết hiện tại cô đang hoàn toàn tập trung cho những ngày đua cuối cùng của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015. Tuy được đặc cách vào vòng chung kết nhưng không vì thế mà cô ỷ y hay tự mãn mà ngược lại luôn cố gắng hoàn thiện bản thân và tham gia tất cả các hoạt động của chương trình.
Hiện Nam Em đang nằm trong top những thí sinh được yêu thích nhất. Nam Em đang là học viên Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Hà Nội, chuyên ngành thanh nhạc và là MC cho những chương trình ca múa nhạc phục vụ các chiến sĩ, người dân vùng xa.
(Theo Thanh niên) Mai Ngọc

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

‘Lãnh đạo còn chém gió giỏi hơn bọn tôi’

Cập nhật lúc 20:18

Điều hiển hiện tại các sân chơi mà ta đã vào như ASEAN, AFTA, FTA, WTO, hay sắp vào như TPP… sân nào đối với ta cũng đều không bằng phẳng. 
  
"Đảo võ" và "Chém gió"
Quản lý sản xuất nông nghiệp của ta, nếu căn cứ vào đường lối, chính sách, luật pháp Nhà nước vào công tác qui hoạch, kế hoạch của các bộ ngành và địa phương, phải nói là tương đối hoàn hảo và từng được một số nước bạn tìm hiểu, học tập. Nhưng nếu nhìn vào công tác điều hành sản xuất-kinh doanh thì từ cơ quan quản lý đến người nông dân giống như thầy cúng cầu mưa - "đảo võ". Và như thầy pháp lên đồng cầm gươm "chém gió" .
"Đảo võ" là vì từ quan liêu bao cấp sang thị trường mà không cụ thể hóa được "định hướng xã hội chủ nghĩa". Từ lấy công tác qui hoạch kế hoạch làm công cụ quản lý, nay nghe đâu người ta tính bỏ qui hoạch (?). Từ bảo tồn chọn lọc giống gốc quốc gia nay tính bỏ "mấy ông già  bà lão" ấy để nhập giống (Trung Quốc) về xài chắc?
Đầu năm, thấy trên VTV1, Đoàn viên Thanh niên Bộ Công Thương đi bán "giải cứu" dưa hấu, hành tím cho nông dân, gây cảm xúc cho không ít khán giả, nhưng chỉ mua và bán dùm cho đâu được mấy tấn! Mới đây, vào mùa nhãn Hưng Yên và mùa vải thiều Lục ngạn, nghe đài VOV1 nói "chủ động chuẩn bị", "mở thị trường sang Mỹ, Nhật, Úc, Tây Âu...", nhưng kết thúc vụ mùa cũng chỉ xuất được vài tấn trong số hàng chục ngàn tấn mỗi loại có "thương hiệu" này qua đường hàng không. Hèn nào, có người nói "nền kinh tế một container" là vậy.
Tệ hơn nữa, xuất hàng lúc đầu đạt yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thức phẩm, nhưng lần sau thì sẽ khác và bị từ chối, như "tôm rau câu", "tôm đầu đinh" chẳng hạn. Ngay người viết bài nầy, từng ra lệnh đi gom heo bò làm lẻ, làm lậu bên ngoài vào trại giết mổ tập trung, nhưng Tết vẫn được lò mổ tặng thịt heo ăn Tết hôi rình vì bị bơm  nước bẩn, để "thưởng công" lãnh đạo!     
Hàng đêm, nhìn lên VTV1 vào giờ vàng thời sự, trong những vị ta quen mặt đi lễ và đi hội, ít thấy ai xuống nhà xưởng, đi ra đồng, vào bệnh viện quá tải, hay gặp dân bàn chuyện làm ăn, và nhất là đối thoại những vấn đề bức xúc.
Nếu kiên trì lục lại tất cả các văn kiện của các cấp các ngành, tại các cuộc hội họp, sẽ thấy bao nhiêu điều nói mà không nói đã làm được đến đâu rồi? Hay nó chỉ như "lời cầu nguyện", hoặc như "đảo võ cầu mưa" cứu hạn!  
Nhưng cũng ngặt nỗi là khi thành công một số mặt hay được một mớ ngoại viện nào đấy thì trở lại căn bịnh ban đầu là "Nổ" và "chém gió", như TS Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung  ương nói tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu tại Sầm Sơn - Thanh Hóa ngày 27/8/2015: "Người Việt Nam chém gió trong nước rất giỏi. Lãnh đạo còn chém gió giỏi hơn bọn tôi".

 Nguyễn Minh Nhị, xuất khẩu gạo, Nông nghiệp, Đổi mới, chém gió, hội nhập, hiệp định thương mại, TPP
Xuất năm cao nhất gần 8 triệu tấn gạo mà chỉ một nhãn hiệu "Gạo Việt Nam"!
"Dấu ấn"
Hoàn cảnh nghiệt ngã là ta bước ra khỏi chiến tranh, thương tích đầy mình. Chúng ta đã bắt tay quản lý đất nước và phát triển kinh tế với lực lượng lao động là lính, là nông dân tự do, nghèo, ít học, và chưa một lần làm công nhân, và với một số doanh nhân vốn liếng ít ỏi, thậm chí trắng tay, còn sót lại sau cuộc chiến, quản lý còn thiếu kinh nghiệm.
Trong khi đó, yêu cầu chuyên môn hóa như dấu cộng (+) hoặc dấu trừ (-) gắn trước mỗi chữ số của bài toán một cách mặc định, như quản lý ngành sản xuất anh phải "lên bờ xuống ruộng" với công việc ấy, với thị trường..., chứ không chỉ với mớ kiến thức sách vở ở nhà trường. Đó là chưa kể có thứ kiến thức sách vở không liên quan gì đến hoạt động kinh tế cụ thể, hay chỉ ngồi đọc các báo cáo "xơ chai" trong phòng lạnh hay dự các "hội thảo qua loa", thì làm sao mà quản lý. Cái lạ là hình như chúng ta chưa thấy rõ cái "dấu ấn" ấy để biết đúng giá trị các con số mà mình chọn để giải bài toán.
Những người đại biểu cho dân làm ra luật, nhưng không hiểu biết về hoạt động trên thương trường, hay công việc của người công nhân, nông dân, thậm chí có người chưa học luật... thì khi làm luật có liên quan ắt còn có nhiều kẽ hở là tất nhiên. Thậm chí có người nói luật nầy ta làm có tham khảo luật các nước Âu-Mỹ. Nhưng họ quên rằng thể chế chính trị ở đó là tam quyền phân lập, xã hội dân sự, kinh tế thị trường tự do…
Tại sao con cá nheo của Mỹ chỉ nuôi ở vài bang miền nam nước Mỹ và cũng chỉ vài ông dân biểu Mỹ ứng cử ở đó có trách nhiệm với ngư dân - cử tri nơi ấy mà vận động quốc hội ra được luật bảo vệ quyền lợi cho ngư dân họ? Những bài toán có mẫu số khác nhau đều phải được qui đồng mẫu số trước khi giải. Nếu không thì có "hội" mà không "nhập" được.
Trong nông nghiệp ta nói "liên kết 4 nhà" nhưng chỉ là khẩu hiệu. Campuchia không nói mà làm được gạo thương hiệu xuất qua hơn 40 nước, còn ta đóng gói gạo trắng bán lẻ, nhưng qui cách và "chữ hiệu" trên bao là theo yêu cầu nước nhập khẩu! Xuất năm cao nhất gần 8 triệu tấn gạo mà chỉ một nhãn hiệu "Gạo Việt Nam"! Tôi từng tham gia trao đổi kinh nghiệm làm lúa với các tỉnh Campuchia giáp ranh (tỉnh tôi) theo yêu cầu của bạn, tôi thấy họ có nhiều bài học hay về quản lý tài nguyên - môi trường, nhưng ta không học được vì ta đã không còn cơ hội "qui đồng mặt bằng quản lý" như họ. Ta như "Tre già" rồi!
"Hy vọng"
Tình hình tương tự cần có mạn đàm riêng nhưng điều hiển hiện tại các sân chơi mà ta đã vào như ASEAN, AFTA, FTA, WTO, hay sắp vào như TPP... sân nào đối với ta cũng đều không bằng phẳng vì "không đồng mẫu số". Cái "không" đó chính là cái khó của các nhà doanh nghiệp và của người lao động là chủ yếu. Nhưng sự xuất hiện của Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn Dệt may, Xí nghiệp Dược Hậu Giang, hay như Tập đoàn HAGL… đầu tư ra nước ngoài thành công về mặt nông nghiệp gợi cho ta hy vọng!
(Theo TuanVietNam) Nguyễn Minh Nhị