Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Những ngày đen tối của FIFA :

“Làm sạch” FIFA thế nào khi Blatter từ chức?

Cập nhật lúc 13:47

Ông Blatter, người vừa từ chức Chủ tịch FIFA đêm 2-6, có thể bị thẩm vấn về "nghi án 10 triệu USD". Vụ xìcăngđan các quan chức FIFA tham nhũng vẫn đang diễn biến đầy kịch tính. 

 Blatter (phải) và Platini được dự báo sẽ có cuộc đối đầu “một mất một còn” giữa FIFA và UEFA - Ảnh: Reuters
Blatter (phải) và Platini được dự báo sẽ có cuộc đối đầu “một mất một còn” giữa FIFA và UEFA - Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn báo Sunday Independent, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Phi (SAFA) Danny Jordaan bất ngờ thừa nhận SAFA có chi 10 triệu USD cho Liên đoàn Bóng đá Bắc - Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF) hồi đầu năm 2008 như khẳng định của Bộ Tư pháp và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Mới chỉ vài ngày trước, Bộ trưởng Thể thao Nam Phi Fikile Mbalua còn giận dữ bác bỏ mọi cáo buộc của phía Mỹ.
Ông Blatter có thể bị thẩm vấn


   Chủ tịch Sepp Blatter sóng đôi bên người tình trẻ kém 28 tuổi, Linda Barras. Ảnh: Getty
Chủ tịch Sepp Blatter sóng đôi bên người tình trẻ kém 28 tuổi, Linda Barras. Ảnh: Getty

Theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, SAFA hối lộ 10 triệu USD cho cựu phó chủ tịch FIFA Jack Warner cùng hai thành viên Ủy ban Điều hành FIFA, bao gồm công dân Mỹ Chuck Blazer (người đang chỉ điểm cho FBI) để “đền ơn” việc ba nhân vật này bỏ phiếu giúp Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2010.
Nam Phi không có ngân sách để chi số tiền này nên đã trích 10 triệu USD từ tiền tài trợ của FIFA để tổ chức World Cup. Và số tiền 10 triệu USD đã “bay” từ một tài khoản của FIFA vào tài khoản của Jack Warner.
Vụ xìcăngđan tham nhũng của FIFA càng trở nên rắc rối và phức tạp hơn khi tổng thư ký FIFA Jerome Valcke bị xác định là người đã chuyển 10 triệu USD từ tài khoản của FIFA tới tài khoản do chủ tịch CONCACAF Jack Warner kiểm soát. Báo New York Times dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra Mỹ cho biết ông Valcke chính là người thực hiện ba đợt chuyển khoản với tổng số tiền 10 triệu USD từ tháng 1 đến tháng 3-2008.
Phản ứng lại, ông Valcke bác bỏ cáo buộc này. Trong lá thư điện tử gửi giới truyền thông, ông Valcke khẳng định mình không có quyền rút tiền từ tài khoản FIFA để chuyển cho ông Jack Warner. Do vụ bê bối, FIFA cho biết ông Valcke sẽ không đến dự lễ khai mạc Giải vô địch bóng đá nữ thế giới ở Canada khai mạc ngày 6-6.
Dù thừa nhận có chi 10 triệu USD nhưng chủ tịch SAFA Jordaan nói cứng rằng đây không phải là “tiền hối lộ” mà là “tiền quyên góp” của Nam Phi dành cho quỹ phát triển bóng đá của CONCACAF. Năm 2008 ông Warner đang kiểm soát CONCACAF.
Báo Wall Street Journal dẫn lời một cựu quan chức FIFA khẳng định chỉ có hai quan chức cấp cao hàng đầu ở FIFA có quyền thông qua việc chi khoản tiền tới 10 triệu USD là tổng thư ký FIFA Jerome Valcke và giám đốc tài chính Markus Kattner.
Các chuyên gia bóng đá khẳng định việc tổng thư ký FIFA Valcke bị tình nghi dính líu tới vụ hối lộ 10 triệu USD đã gây dông bão ngay trước cửa nhà ông Blatter.
Trước đó cả ông Blatter và ông Valcke đều chưa hề bị cáo buộc trực tiếp tham nhũng. Nhưng giờ cả sếp tổng lẫn sếp phó của FIFA sẽ phải giải thích về khoản tiền 10 triệu USD rắc rối này.
Cũng đã có dấu hiệu cho thấy cựu phó chủ tịch FIFA Warner muốn kéo các quan chức FIFA khác xuống bùn cùng mình.
Mới đây ông Warner khai đầy bí ẩn: “Tôi không đút tay vào ngăn kéo giấu tiền của FIFA. Tôi không phải là giám đốc tài chính, tôi không viết séc cho FIFA. Nếu tôi tham nhũng thì có nghĩa là có kẻ khác đã đưa tiền cho tôi”.
Trong khi đó, Viện Công tố Thụy Sĩ (OAG) đang đẩy nhanh cuộc điều tra nghi án Nga và Qatar đã chung chi cho các quan chức FIFA để mua quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022.
Người phát ngôn OAG cho biết cơ quan này đang thẩm vấn các thành viên Ủy ban Điều hành FIFA không phải là công dân Thụy Sĩ, những người bỏ phiếu hồi năm 2010 và vẫn đang tại vị.
Có bảy quan chức FIFA đáp ứng các tiêu chuẩn này là chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF) Issa Hayatou (người Cameroon), Angel Miguel Villar Llona (Tây Ban Nha), Michel D'Hooge (Bỉ), Senes Erzik (Thổ Nhĩ Kỳ), Marios Lefkaritis (Cyprus), Hany Abo Rida (Ai Cập) và Vitaly Mutko (Nga). Có hai thành viên Ủy ban Điều hành FIFA bỏ phiếu năm 2010 và đang sống ở Thụy Sĩ là ông Blatter và chủ tịch UEFA Michel Platini.
Người phát ngôn OAG khẳng định ở thời điểm hiện tại ông Blatter chưa bị thẩm vấn, nhưng khi cần thiết chủ tịch FIFA cũng sẽ bị triệu tập.
Ông Lord McDonald, cựu công tố viên hàng đầu nước Anh, dự báo các nhà điều tra Mỹ sẽ sớm nhắm vào ông Blatter bởi ông là người điều hành FIFA từ rất nhiều năm qua.
“Quy mô vụ tham nhũng quá lớn, các hợp đồng quá khủng, và các công tố viên Mỹ sẽ không tin rằng chỉ có một vài quan chức tham nhũng vi phạm pháp luật trước mũi một vị chủ tịch ngây thơ” - ông McDonald nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) Greg Dyke đã dự báo đúng rằng ông Blatter phải từ chức. “Bộ trưởng tư pháp Mỹ từng khẳng định cuộc điều tra và các vụ bắt giữ mới chỉ là sự khởi đầu” - trang BBC Sports dẫn lời ông Dyke.

 Trong khi cuộc họp của Đại hội đồng FIFA đang diễn ra (ngày 28 và 29-5) thì ngay tại Zurich, người ta biểu tình đòi Blatter từ chức - Ảnh: DPA
Trong khi cuộc họp của Đại hội đồng FIFA đang diễn ra (ngày 28 và 29-5) thì ngay tại Zurich, người ta biểu tình đòi Blatter từ chức - Ảnh: DPA

Đối đầu FIFA - UEFA?
Ngày 6-6, các nước thành viên UEFA sẽ nhóm họp ở Berlin (Đức) trước trận chung kết Champions League để thảo luận tình hình mới về Blatter và FIFA.
Trước đó đã có nhiều tiếng nói, bao gồm chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đan Mạch Allan Hansen, kêu gọi UEFA tách khỏi FIFA. Chủ tịch Platini tuyên bố “cởi mở với bất kỳ kế hoạch nào”.
Phó chủ tịch FIFA David Gill, người Anh, từ chối làm việc tại FIFA dưới sự lãnh đạo của ông Blatter. Tuy nhiên, Platini phản đối quan điểm tách khỏi FIFA, “trụ sở chính của bóng đá”.
Ông Dyke từng tuyên bố cách tốt nhất để buộc ông Blatter từ chức là châu Âu tẩy chay World Cup. “Nếu có 10 quốc gia lớn chấp nhận tẩy chay World Cup thì tác động sẽ rất lớn” - ông Dyle nhấn mạnh và kêu gọi Platini “phải can đảm đương đầu với Blatter”.
Nhưng chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đức Wolfgang Niersbach cảnh báo tẩy chay “luôn là một thứ vũ khí tồi tệ”.
Sau khi tái đắc cử, ông Blatter từng tuyên bố đầy ấm ức về sự thù địch của UEFA với ông: “Tôi tha thứ cho tất cả mọi người nhưng tôi sẽ không bao giờ quên đâu”.

Ông Blatter là tâm điểm khi bất ngờ từ chức Chủ tịch FIFA đêm 2-6. Ảnh: Reuters.
Ông Blatter là tâm điểm khi bất ngờ từ chức Chủ tịch FIFA đêm 2-6. Ảnh: Reuters.

Blatter đáp trả lời kêu gọi châu Âu tẩy chay World Cup bằng cảnh cáo các cầu thủ có thể rời bỏ những giải vô địch quốc gia giàu có của châu Âu để khoác áo đội tuyển quốc gia.
Ông Platini đang có kế hoạch tranh cử chủ tịch FIFA trong bốn năm tới và đã thể hiện thế đối đầu quyết liệt với ông Blatter thời gian qua.
Cuộc điều tra của FBI còn rất nhiều khó khăn trước mắt. Kể cả khi các quan chức FIFA xộ khám bị Thụy Sĩ dẫn độ sang Mỹ thì các phiên tòa xét xử có thể kéo dài nhiều năm với kết quả không thể dự đoán trước. Cuộc điều tra của chính quyền Thụy Sĩ về World Cup 2018 và 2022 cũng tương tự.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua ông Blatter và FIFA đã né được rất nhiều vụ xìcăngđan.
Ông Blatter tại vị thì FIFA vẫn sẽ hoạt động như bao năm nay, cán cân quyền lực ở FIFA hoàn toàn không thay đổi. Nhưng giờ ông ấy đã từ chức. Con tàu FIFA đã và đang có những diễn biến đầy bất ngờ không thể đoán trước.


   Ông Blatter trong cuộc họp báo tuyên bố từ chức đêm 2-6 (giờ VN). Ảnh: Reuters
Ông Blatter trong cuộc họp báo tuyên bố từ chức đêm 2-6 (giờ VN). Ảnh: Reuters



   Ông Blatter rời FIFA sau 17 năm nắm quyền. Ảnh: Reuters
Ông Blatter rời FIFA sau 17 năm nắm quyền. Ảnh: Reuters


Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke và Blatter đều trong tầm ngắm "nghi án 10 triệu USD". Ảnh: EPA
Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke và Blatter đều trong tầm ngắm "nghi án 10 triệu USD". Ảnh: EPA
(Theo Tuổi trẻ) HIẾU TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét