Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Nga tung bằng chứng “sốc” về hung thủ bắn rơi MH17

Cập nhật lúc 14:01   

 Chuyên gia Mikhail Malyshevsky của tập đoàn Almaz-Antey - nhà thầu quốc phòng lớn nhất Nga vừa đưa ra một số luận chứng, luận điểm chứng minh lực lượng quân đội Ukraina đứng đằng sau vụ máy bay Malaysia Airlines MH17 bị bắn rơi ở miền đông nước này hồi tháng 7 năm ngoái.

Chuyên gia Mikhail Malyshevsky của tập đoàn quốc phòng Almaz-Antey đang trình bày về các bằng chứng chứng minh MH17 bị rơi do trúng tên lửa có điều khiển bắn từ tổ hợp đất đối không Buk-M1
Tên lửa bắn rơi MH17 là loại nào?
Tại buổi họp báo hôm qua (2/6/2015), qua một loạt slide kỹ thuật, chuyên gia Mikhail Malyshevsky đã giải thích với đông đảo phóng viên quốc tế về việc tại sao tập đoàn Almaz-Antey đi đến kết luận rằng máy bay MH17 bị rơi do trúng tên lửa có điều khiển bắn từ tổ hợp đất đối không Buk-M1.
“Dựa vào bản chất các lỗ hổng trong mảnh thân của máy bay MH17, thông qua phân tích toàn diện những hư hại, có thể kết luận rằng trong trường hợp này đã sử dụng tên lửa 9M38M hoặc 9M38-M1 với đầu đạn loại 9M314 hoặc 9M314-M1, bởi vì chỉ chúng mới có các thành phần gây hư hại cấu hình chữ I”, ông Malyshevsky cho biết.
Ông Yan Novikov - Giám đốc điều hành Tập đoàn Almaz-Antey cũng khẳng định rằng: “Nếu MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không thì nó chỉ có thể được thực hiện bởi tên lửa 9M38-M1 bắn từ bệ phóng Buk-M1”.
Sở dĩ các chuyên gia của Almaz-Antey hiểu rõ về loại tên lửa bị nghi đã bắn trúng MH17 là do Bộ Quốc phòng Nga đã giải mật các thông tin về đầu đạn sát thương 9M38-M1 khi chúng không còn được sử dụng ở Nga nữa.
Đi tìm hung thủ?
Như đã nói ở trên, nếu loại tên lửa 9M38-M1 không còn được sử dụng ở Nga, thì ai đã sở hữu và dùng nó để bắn rơi MH17?
Chuyên gia Mikhail Malyshevsky cho rằng, Zaroshenskoe là nơi xuất phát của tên lửa bắn rơi MH17, chứ không phải Snizhne như các nhà điều tra phương Tây đã nói.
Theo ông Malyshevsky, các mảnh đạn phá hủy máy bay đi vào từ phía trên đầu của phi công và chủ yếu đi xuống theo chiều dài máy bay, trong khi các mảnh vỡ khác va vào động cơ bên trái và ghim vào bề mặt cánh và đuôi. Như vậy, tên lửa chỉ có thể được bắn đi từ hướng Zaroshenskoe chứ không phải Snizhne - địa bàn do lực lượng ly khai miền đông Ukraina chiếm giữ.
Tuy ông Malyshevsky và Novikov từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến tỷ lệ kiểm soát Zaroshenskoe giữa quân chính phủ và phe ly khai vào thời điểm MH17 bị bắn rơi, nhưng trước đó, quân đội Nga cho biết, thị trấn Zaroshenskoe hoàn toàn do lực lượng quân đội chính phủ Ukraina kiểm soát. Còn phía Ukraina, sau khi Tập đoàn Almaz-Antey công bố những bằng chứng trên, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina đã ban hành một tuyên bố nói rằng họ đã không kiểm soát của Zaroshchenskoye vào ngày 17/7/2014 - thời điểm MH17 bị bắn rơi.
Mặt khác, dù loại tên lửa 9M38-M1 đã lỗi thời và không còn được sử dụng, sản xuất ở Nga từ năm 1999, nhưng nó lại được bán rộng rãi ra nước ngoài, trong đó Ukraina là quốc gia mua với số lượng lớn.
Trong khi đó, ban lãnh đạo quân sự Cộng hòa nhân dân Donetsk (DNR) tự xưng bổ sung rằng, họ không nắm khả năng kỹ thuật cho phép bắn hạ chiếc Boeing của Malaysia.
“Chúng tôi hoàn toàn không có thiết bị lớp Buk-M1 cũng như các tên lửa (9M38M1) tại thời điểm đó. Chúng tôi không sở hữu kỹ thuật này”, Thứ trưởng Quốc phòng DNR Eduard Basurin nói với hãng tin Interfax.
Những nghiên cứu và phát hiện mới của tập đoàn Almaz-Antey về thủ phạm thực sự bắn rơi máy bay MH17 của Malaysia Airline là một nỗ lực làm rõ các âm mưu và cáo buộc lẫn nhau của các bên xung quanh vụ tai nạn, đặc biệt trong bối cảnh thông tin do các điều tra viên phương Tây cung cấp chủ yếu hướng dư luận vào giả thuyết lực lượng ly khai miền đông Ukraina đã bắn rơi máy bay MH17 bằng tên lửa của Nga. Đây cũng những tiền đề làm cuộc khủng hoảng ở Ukraina thêm trầm trọng và là cái cớ để Mỹ, Liên minh châu Âu siết chặt trừng phạt với Moskva.
Bản thân Almaz-Antey cũng nằm trong danh sách bị Liên minh châu Âu áp đặt trừng phạt với cáo buộc tập đoàn này đã cung cấp tên lửa cho lực lượng ly khai miền đông Ukraina.
Giám đốc điều hành Almaz-Antey, ông Novikov lập luận rằng, tập đoàn này được thành lập vào năm 2002 và không thể chịu trách nhiệm cho một tên lửa đã ngừng sản xuất từ năm 1999, đặc biệt là khi nó được bán ra nước ngoài. Hiện Almaz-Antey đã nộp những bằng chứng này lên Ban thư ký EU, cũng như đơn kiện lên Tòa án chung của Liên minh châu Âu yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
(Theo Năng Lượng Mới) Linh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét