Lợi ích nhóm có nguy cơ lan rộng
Cập nhật lúc 14:29
PGS.TS Lê Quốc Lý - phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh, chủ biên công trình “Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp” - đã
nhận định như trên.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Quốc Lý - phó
giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nói như trên khi trả lời
phỏng vấn báo Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề “lợi ích nhóm”.
Ông là chủ biên công trình nghiên cứu
“Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp” (NXB Chính Trị Quốc Gia, 2014).
Đáng sợ nhất là len lỏi vào đời sống chính trị
* Thưa ông, là
chủ biên công trình nghiên cứu “Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp”, ông
nhìn nhận như thế nào về thực trạng của vấn đề này?
- Chúng ta đều biết lợi ích là động lực
cho con người phát triển theo nghĩa tích cực. Nhưng “lợi ích nhóm” mà chúng
ta đang nói đến ở đây hàm nghĩa một nhóm người nào đó lấy lợi ích của nhóm
mình làm trung tâm, làm mục tiêu duy nhất để hành động, xa rời lợi ích chung
của đất nước, của xã hội.
Khi nói đến việc chống “lợi ích nhóm”,
chúng tôi nhận thức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nói đến việc chúng ta
phải chống cách sống, cách suy nghĩ, cách hành động vừa nêu.
Ở nước ta hiện nay, nếu nói tham nhũng
đang diễn ra phức tạp, nghiêm trọng thì tình hình “lợi ích nhóm” cũng không
kém. Nó đang có nguy cơ lan rộng và thấm sâu vào các mặt của đời sống xã hội.
Chúng ta thử hình dung trong một lĩnh vực cụ thể. Vào cuối tháng 5, tại cuộc
họp về đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu:
“Cán bộ bao che, tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu chứ các đối tượng cầm đầu
không tài giỏi đến mức các cơ quan chức năng không biết và không xử lý được”.
Bản chất của mối quan hệ “bao che, tiếp
tay, bảo kê” đó là gì? Chính là sự câu kết và phân chia lợi ích giữa những
người có nhiều tiền và những người có quyền lực. Bảo kê của những người có
chức, có quyền cho doanh nghiệp buôn lậu là loại hình quan hệ không còn xa lạ
ở Việt Nam, có thể “điểm danh” qua những vụ án đã được xét xử như Tân Trường
Sanh, Hang Dơi, trường hợp một nguyên lãnh đạo của tỉnh Lào Cai tiếp tay cho buôn
lậu thuốc lá trong vụ Thiên Lợi Hòa...
* Theo ông,
“lợi ích nhóm” theo nghĩa tiêu cực thường vận động vì mục đích kinh tế hay
còn mục đích nào khác?
- Nguy hiểm của “lợi ích nhóm” theo
nghĩa tiêu cực không chỉ trong những lĩnh vực, sự việc cụ thể và vì lợi ích
kinh tế cụ thể nào đó. Thật ra mối quan hệ giữa quyền và tiền hòa quyện, dắt
dây nhau với cái đích chung là đạt được lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm bất
chấp ảnh hưởng tiêu cực đến số đông còn lại.
Các nghiên cứu và thực tiễn về vấn đề
này trên thế giới chỉ ra rằng đáng sợ nhất là khi “nhóm lợi ích” len lỏi vào
đời sống chính trị. Tôi nói ví dụ như câu chuyện bỏ phiếu bầu bán, kéo bè kéo
cánh. Nếu để “lợi ích nhóm” chi phối thì người tốt chưa chắc phiếu đã cao,
thậm chí ngược lại.
“Bệnh” phát ra bên ngoài của “lợi ích
nhóm” là tham nhũng, tiêu cực, chạy chức chạy quyền... Vấn đề ở chỗ chúng ta
phải nắm bắt được quy luật hình thành và sự vận động đằng sau của nó để đề ra
giải pháp chặn từ gốc.
Xây dựng cơ chế giám sát của dân
* Làm thế nào
để chặn từ gốc, thưa ông?
- Con người có “tháp nhu cầu”, từ nhu
cầu cơ bản trong đời sống hằng ngày đến nhu cầu bậc cao về địa vị xã hội.
Chúng ta phải nhìn nhận sự tồn tại khách quan và sự vận động tất yếu của các
nhóm lợi ích, đặc biệt trong cơ chế thị trường và xã hội hiện đại.
Trên cơ sở đó, một mặt đẩy mạnh cuộc
đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; mặt khác xây dựng hành lang pháp
lý về các nhóm lợi ích và hoạt động của các nhóm lợi ích theo những giá trị
chuẩn chung, có sự điều chỉnh của luật pháp và đặc biệt là sự giám sát của xã
hội.
Chúng tôi cho rằng xây dựng cơ chế giám
sát của nhân dân đối với quyền lực nhà nước là một trong những giải pháp quan
trọng nhất để khắc phục “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay.
Đi vào cụ thể thì có nhiều cơ chế như
thông qua bầu cử, thông qua cơ chế bãi miễn của nhân dân, bảo đảm các quyền
tự do của công dân đã được quy định trong Hiến pháp...
Nghiên cứu cơ chế và luật pháp về “vận
động hành lang” ở các nước để từng bước áp dụng các chính sách phù hợp trong
điều kiện nước ta.
* Ví dụ để
chống kéo bè kéo cánh trong bầu bán như ông nêu ở trên cần giải pháp nào?
- Phải đổi mới hơn nữa công tác cán bộ,
tăng tính công khai, minh bạch. Chẳng hạn nhiều ý kiến đã đề cập việc nghiên
cứu, triển khai thực hiện tranh cử trước nhân dân đối với các chức danh bầu
cử và thi tuyển công khai đối với các chức vụ quản lý.
Chúng ta khẳng định những thành tựu
trong công tác cán bộ lâu nay, nhưng cũng phải thấy về nguyên lý, tranh cử
công khai trước nhân dân sẽ góp phần loại trừ chuyện bè phái nếu có. Đó cũng
chính là sự tin tưởng vào tai mắt và công tâm của người dân, tin tưởng vào bộ
lọc của số đông.
* Hiện nay, ông
lo lắng nhất điều gì với những biểu hiện và diễn biến của “lợi ích nhóm”?
- Nghị quyết trung ương 4 đã chỉ ra một
bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí
lãnh đạo, quản lý, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Tôi
lo lắng nhất là sự suy thoái ở một số cán bộ đó.
Đây là những người mà hành động của họ
có tác động lớn đến xã hội. Chính vì vậy, với tư cách là một công dân, tôi
mong mỏi cán bộ các cấp thấy được rằng ở vị trí của họ thì điều quan trọng
nhất là danh dự. Lịch sử sẽ ghi lại những việc làm của anh.
Con người ta có cái chết sinh học theo
quy luật. Cũng có những người đang sống với chức tước đàng hoàng, nhưng họ đã
“chết” trong lòng nhân dân vì làm những điều đi ngược lại lợi ích của đại bộ
phận dân chúng và của đất nước.
(Theo Tuổi trẻ) VÕ VĂN THÀNH thực hiện
|
Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét