Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Dân không
bao giờ phản đối việc làm tử tế”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Sở dĩ tôi nói đến vai trò
của ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, vì ông là người biết sớm nhất việc làm
sai trái này...".
Xung quanh vụ việc một loạt cây xanh lâu năm ở Hà Nội
bị đốn hạ gây ra nhiều bức xúc trong dư luận những ngày qua, Báo
Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò truyện với Nhà thơ Trần
Đăng Khoa – một người vốn đã gắn bó với Hà Nội từ những năm tháng
còn bom đạn, chiến tranh ác liệt.
Ông cũng tỏ rõ nỗi bức xúc, xót xa khi nhìn thấy
những hàng cây gắn với lịch sử của thành phố bị cưa trụi, và liên
tục đề cập tới trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền thành
phố.
Sau nhiều ngày liên tục bị các nhà
khoa học, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau, công luận phản
đối dữ dội, rốt cuộc ông Chủ tịch Hà Nội đã phải ra quyết định
tạm dừng chặt cây xanh. Nhưng điều mà công luận quan tâm lúc này là
ai phải chịu trách nhiệm khi có hàng trăm cây xanh lâu năm đã bị đốn
hạ?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố
Hà Nội cho rằng “không có lợi ích nhóm” trong chuyện đốn hạ 6.700 cây
xanh ở Thủ đô. Nói vậy có thể tin được không? Không có chiến dịch đốn hạ cây,
tại sao lại có hàng trăm cây lớn bị chặt? Nhiều tuyến phố ngổn ngang như công
trường khai thác gỗ.
Thời chiến tranh, bom đạn tàn phá khốc liệt, Hà Nội vẫn giữ
được lá phổi xanh của mình. Bấy giờ, tôi còn là một cậu bé mà vẫn tự hào về
Thủ Đô Hà Nội: “Những năm giặc bắn phá – Ba Đình vẫn xanh cây – Trăng vàng
Chùa Một Cột – Phủ Tây Hồ hoa bay…”. Bây giờ, không có giặc, cũng không còn
bom đạn nữa mà cây xanh thành phố Hà Nội lại bị hạ sát tàn bạo còn hơn cả
những trận rải thảm của B52.
Việc thay thế những cây mục ruỗng, thay thế những cây không
phù hợp trồng ở đô thị là đúng. Nhưng điều đáng bàn và nguy hiểm ở chỗ, người
ta đã mượn gió bẻ măng, lấy việc chỉnh trang cây xanh thành phố làm ngụy
trang để phá hủy hàng loạt cây xanh, trong đó có những cây có tuổi thọ hàng
trăm tuổi. Họ ào ạt làm đêm, làm ngày theo lối chụp giật. Thực chất đây là
cuộc khai thác gỗ.
Vì thế mà nhiều học giả, nhiều nhà khoa học, nhiều người
dân đã lên tiếng. Có người đứng ra bảo vệ cây. Họ thắt khăn trắng cho mình và
thắt khăn trắng cho cây.
Họ dán khẩu hiệu lên cây: “Xin đừng chặt tôi. Tôi là cây khỏe mạnh”.
Nghệ sĩ nổi tiếng Chiều Xuân vừa khóc, vừa
lấy thân mình ngăn cản để giữ một cây xanh ở số nhà 65 phố Nguyễn Thái Học
của chị.
Rồi rất nhiều người dân khác nữa cũng đứng lên bảo vệ cây. Họ lên tiếng
trên facebook cá nhân, họ comment vào các bài viết phản ánh sự kiện này. Có
thể nói hàng vạn comment. Trong đó có cả những lời quá đà, không phải góp ý
mà chửi rủa. Điều ấy là không nên. Nhưng sự nổi giận đến mất bình tĩnh của họ
là điều có thể hiểu được.
Bây giờ thì ông Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu
kiểm điểm với lãnh đạo Sở Xây dựng và đình chỉ mấy anh Trưởng phòng, Phó
phòng. Việc con voi cuối cùng xử phạt một con muỗi. Đành rằng Sở Xây dựng Hà
Nội có lỗi. Nhưng liệu họ có gan làm cái việc động trời, là tàn phá môi
trường và tiêu diệt lá phổi xanh của Thủ đô, nếu không có sự cho phép của
những người đứng đầu chính quyền thành phố?
Vậy vấn đề là trách nhiệm của ông Chủ tịch
thành phố đến đâu? Và trách nhiệm của ông Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc
Hùng thế nào? Chẳng lẽ các ông chỉ biết nói một câu “rút kinh
nghiệm” rồi phủi hết trách nhiệm, quay lại kiểm điểm cấp dưới như một
người có trách nhiệm, một người ở ngoài cuộc?
Sở dĩ tôi nói đến vai trò của ông Chủ tịch
Nguyễn Thế Thảo, vì ông là người biết sớm nhất việc làm sai trái này, bởi
ngay từ ngày 16/3, khi một loạt cây xanh bị đốn hạ, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã
có thư ngỏ gửi đích danh ông, yêu cầu nên dừng ngay việc giết cây rồi cân
nhắc kỹ và rà soát lại.
Sau đó bức thư còn được đăng trên facebook
cá nhân, rồi nhiều báo điện tử đăng lại. Tiếp đó, Giáo sư Ngô Bảo Châu và
nhiều học giả có uy tín đã lên tiếng, nhan nhản khắp các mặt báo
là sự phản đối dữ dội những hành vi chặt phá cây xanh của nhân dân
cả nước. Nhưng dường như ông Chủ tịch quá bận bịu nên không có thời
gian để ý đến ý kiến của các nhà khoa học và cũng chẳng có thời
gian xem báo chí đã nói gì.
Ông nghĩ sao khi phóng viên đặt ra 21 câu
hỏi trong buổi họp báo, nhưng ông Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng
lại trả lời qua quýt rồi nhanh chóng bước ra khỏi phòng?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi thấy đấy là một chuyện khôi hài. Một chuyện cũng
rất đáng xấu hổ. Thực ra, có ai bắt các ông ấy phải họp báo đâu. Nếu đã họp
báo thì phải chuẩn bị kỹ, phải nắm chắc mọi vấn đề để giải tỏa dư luận. Cứ ú
a ú ớ thì họp làm gì. Họp chỉ để nói chúng tôi minh bạch, không có lợi ích
nhóm mà người ta tin ư? Người ta đâu chỉ nghe anh nói, mà còn xem anh làm.
Lời nói với việc làm không đi đôi với nhau, thậm chí chúng chẳng có họ hàng
gì với nhau thế mà lại cứ muốn người ta tin.
Nếu cần họp báo là họp trước lúc chặt cây, cần thông báo
cho dân, cho giới truyền thông biết để có sự đồng thuận của toàn xã hội. Thậm
chí, nếu thực sự đàng hoàng, không khuất tất và muốn được dân ủng hộ thì cần
minh bạch thật trước dân: Treo biển đánh dấu những cây cần loại bỏ, đề nghị
các nhà khoa học, các nhà sinh học và đông đảo nhân dân cùng chúng tôi rà
soát lại số cây cần loại bỏ ấy và phát hiện thêm những cây chúng tôi còn bỏ
sót.
Nếu đàng hoàng như thế, tôi tin cả xã hội sẽ đồng thuận.
Còn cứ làm một cách dấm dúi, chụp giật như vừa rồi mà còn mong nhân dân ủng
hộ, mong có sự đồng thuận thì đó chỉ là chuyện ở trên mây.
Vì thế tôi đã nói ngay, nói trắng phớ ra rằng đây là trò
lừa đảo ngoạn mục giả danh cái đẹp. Người ta đã mượn cớ chỉnh trang thành
phố, mượn cớ bảo đảm an toàn cho dân nhưng thực chất là việc khai thác gỗ và
bán gỗ quý. Muốn được người dân và toàn xã hội đồng thuận, không phải khó
khăn gì. Chỉ cần thực sự công khai minh bạch ngay từ đầu như tinh thần mà
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và
làm tử tế là dân ủng hộ ngay.
Trân trọng cảm ơn ông!
|
Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét