Nhiều chính
sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2015
Cập nhật lúc 13:41
Hàng loạt chính sách về tiền lương, phụ cấp, ưu đãi vé tàu, hoạt động
tư pháp... sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2015...
Từ tháng 4/2015, có 11 đối tượng sẽ được
tăng lương thêm 8%.
Hàng loạt chính sách liên quan đến chế độ tiền lương, an toàn hệ
thống ngân hàng, hoạt động tư pháp, giao thông… sẽ có hiệu lực từ tháng
4/2015.
Theo Nghị định 17/2015 của Chính phủ quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, từ 6/4/2015 có 11 đối tượng sẽ được tăng lương theo chủ trương của Quốc hội với mức tăng 8% so với lương hiện hành. Việc tăng lương này sẽ được tính hưởng từ 1/1/2015, số tiền lương tăng thêm sẽ không được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm và các loại phụ cấp lương. Trong khi đó, theo Nghị định số 20/2015 quy định mức phụ cấp, trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng có hiệu lực từ 1/4 thì mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.318.000 đồng. Mức trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, diện thoát ly là 1.472.000 đồng, diện không thoát ly là 2.500.000 đồng. Cũng từ 1/4, Thông tư 01/2015 của Bộ Nội vụ hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc chính thức có hiệu lực. Theo đó mức trợ cấp hàng tháng được hưởng từ ngày 1/1/2015 của cán bộ xã già yếu nghỉ việc cụ thể đối với nguyên bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã: 1.568.000 đồng/tháng; cán bộ nguyên là phó bí thư, phó chủ tịch, thường trực Đảng ủy, thư ký UBND, thư ký hội đồng nhân dân xã, xã đội trưởng, trưởng công an xã: 1.512.000 đồng/tháng… Cũng từ 6/4, Nghị định số 22/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản chính thức có hiệu lực. Theo đó, những hành vi bị nghiêm cấm đối với quản tài viên như: cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật… Trong lĩnh vực tư pháp, Nghị định 23/2015 của Chính phủ, có hiệu lực từ 10/4 quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định có 6 loại giấy tờ không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao. Còn theo Nghị định 23/2015 có hiệu lực từ 10/4, những loại bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng để chứng thực bản sao gồm: bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ; bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung; bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp. Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân cũng bị cấm sao chụp. Từ ngày 15/4, Nghị định 14/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt có hiệu lực, theo đó có 7 đối tượng được miễn, giảm giá vé tàu hỏa gồm: người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng; trẻ em dưới 6 tuổi… Ở cấp độ thông tư, từ ngày 1/4/2015, Thông tư 47 của Ngân hàng Nhà nước quy định các máy ATM của các đơn vị cung cấp dịch vụ phải lắp thiết bị cảm biến đặt bên ngoài để gửi cảnh báo về trung tâm giám sát các hoạt động tại đây nhằm ngăn chặn và phòng, chống mở cửa, di dời ATM khỏi khu vực đặt máy, đập phá trái phép. Tổ chức cung cấp dịch vụ ATM có biện pháp kỹ thuật, hành chính để quản lý chặt chẽ hệ thống ATM, phát hiện kịp thời các truy cập bất hợp pháp, sao chép thông tin thẻ hoặc ghi hình các thao tác người sử dụng bất hợp pháp. Dữ liệu nhật ký trên ATM phải được sẵn sàng truy cập trong thời gian tối thiểu 3 tháng và lưu trữ tối thiểu một năm. Ngoài ra, một số quy định mới về chế độ nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và sân khấu, quy định về báo cáo lao động - thương binh và xã hội, quy định về bình ổn giá một số mặt hàng nông nghiệp…cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2015. |
Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét