Tiêm tế bào gia súc để 'trẻ mãi không già'
Cập nhật lúc
08:33
Giới chức Thụy Sĩ đang điều tra hàng loạt bệnh viện tư bị nghi cung cấp dịch vụ chống lão hóa bằng cách tiêm tế bào gia súc cho khách hàng.
Văn phòng Y tế liên bang Thụy Sĩ (OFSP)
đang tiến hành cuộc điều tra hình sự quy mô lớn nhằm vào hàng chục bệnh viện
tư bị tình nghi cung cấp dịch vụ tiêm tế bào bò, heo và cừu cho những khách
hàng lắm tiền muốn chống lại thời gian, theo AFP. Phương pháp này mang tên
liệu pháp tế bào và còn được quảng cáo trên thị trường là giúp cải thiện sức
khỏe tổng quát, tăng sinh lực lẫn nâng cao khả năng tình dục. Một số bác sĩ
còn đề nghị dùng liệu pháp tế bào để điều trị HIV/AIDS. Tuy nhiên, OFSP và
các chuyên gia y tế hàng đầu Thụy Sĩ khẳng định chưa có bằng chứng khoa học
cho thấy hiệu quả của liệu pháp này.
AFP dẫn lời một quan chức cho biết dù đã
có nhiều lời khuyến cáo nhưng liệu pháp tế bào đã trở nên rất phổ biến trong
giới nhà giàu ở Trung Quốc, Nga và các nước Trung Đông. Họ sẵn sàng chi đậm
để đến Thụy Sĩ thực hiện ước mơ “trẻ mãi không già”. Theo OFSP, hiện có ít
nhất 35 bệnh viện tư chào mời liệu pháp tế bào dù không được cấp phép và thu
về hàng triệu euro mỗi năm. Dịch vụ này cũng kéo theo sự ra đời của hàng loạt
công ty “du lịch sức khỏe” nhắm đến các khách hàng giàu có. Chủ một công ty
chuyên phục vụ du khách Trung Quốc khẳng định với AFP: “Chúng tôi có nhiều
khách hàng trở lại 2 năm/lần. Nếu phương pháp này không có tác dụng, người ta
đã không chịu chi tiền nhiều như thế”.
Tiêm gì bổ nấy ?
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), liệu
pháp tế bào dựa trên lập luận tương tự như quan niệm “ăn gì bổ nấy” của người
phương Đông. Cụ thể, những tế bào tươi hoặc đông lạnh của con vật khỏe mạnh
được tiêm vào cơ thể người và chúng sẽ “tự” tìm đến những cơ quan tương đồng
đang bị yếu hoặc bị tổn hại để kích thích quá trình hồi phục. Chẳng hạn,
người mắc bệnh gan có thể được tiêm tế bào gan của gia súc. Hầu hết các nhà
trị liệu tế bào ngày nay thường dùng tế bào được lấy từ mô phôi của cừu, bò
hoặc heo. Những loại gia súc này được cho là “lành tính” và có gien “không
quá khác biệt so với con người”.
Liệu pháp tế bào được bác sĩ Thụy Sĩ
Paul Niehans (1882-1971) đưa ra lần đầu tiên vào năm 1931. Theo ACS, ông
Niehans tuyên bố rằng trong một ca cấp cứu ông đã tiêm dung dịch chứa tế bào
tuyến cận giáp của bê vào bệnh nhân có tuyến cận giáp bị tổn hại. Sau đó,
bệnh nhân này đã hồi phục và bác sĩ Niehans tiếp tục áp dụng ý tưởng cấy tế
bào từ gia súc vào người để trị những bệnh khác. Vị bác sĩ này khẳng định đã
điều trị cho “hơn 30.000 người” mắc nhiều bệnh khác nhau và tỷ lệ tử vong
“giảm 5 lần so với điều trị theo cách thông thường”. Ông còn tuyên bố phát
minh của mình là “chìa khóa vàng” để điều trị ung thư với lập luận rằng tế bào
từ những gia súc có khả năng kháng ung thư sẽ giúp gia tăng khả năng chống
chọi của bệnh nhân.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng
chứng đáng tin cậy nào về liệu pháp tế bào được các chuyên san y khoa uy tín
của thế giới công nhận, theo ACS. Thậm chí, những người ủng hộ liệu pháp tế
bào thừa nhận họ không biết tế bào gia súc hoạt động như thế nào trong cơ thể
người.
Hệ quả khó lường
Đài RT dẫn thông báo của OFSP cảnh báo
liệu pháp tế bào có thể gây nguy hiểm khôn lường và nhiều cái chết của bệnh
nhân liên quan đến liệu pháp này đã được báo cáo trong tài liệu y khoa. Bệnh
nhân có thể nhiễm các loại vi khuẩn, vi rút từ tế bào gia súc cũng như đối
mặt nguy cơ gặp phản ứng thải loại, dẫn đến các triệu chứng dị ứng nghiêm
trọng cũng như suy giảm miễn dịch. Các chuyên gia Mỹ còn khuyến cáo phụ nữ
mang thai hoặc đang cho con bú tuyệt đối không nên dùng liệu pháp tế bào vì
đến nay vẫn chưa rõ tế bào gia súc có tác động như thế nào đối với thai nhi.
Một hậu quả khác, theo ACS, là nếu bệnh nhân ung thư sử dụng liệu pháp tế bào
và ngưng các biện pháp chữa trị, chăm sóc truyền thống sẽ dẫn đến những hậu
quả nghiêm trọng. “Liệu pháp tế bào có thể gây hại và hiện nay vẫn không hợp
pháp ở Mỹ. Do những quan ngại về an toàn và thiếu bằng chứng về hiệu quả, Cục
Quản lý dược và thực phẩm Mỹ đã cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến liệu
pháp tế bào”, ACS khẳng định trên website của mình.
(Theo Thanh niên) Văn Khoa
|
Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét