Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Nhập thiết bị Trung Quốc: Vì sao Việt Nam không đi lên được?

Cập nhật lúc 09:25

 

(Quan điểm) - Với một thiết bị vi tính, viễn thông về nguyên tắc kỹ thuật đều có thể thiết kế một chi tiết để đánh cắp thông tin nếu muốn.

GS. TSKH Phan Anh, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đã khẳng định điều này trước những lo ngại về việc nguy cơ thông tin bị đánh cắp từ các thiết bị viễn thông, trong khi Việt Nam không làm chủ công nghệ, thiết bị này.
PV: - Mới đây VNPT đã nhập hàng nghìn modem của Tập đoàn Huawei Trung Quốc nhưng lại xảy ra sự cố về lỗi bảo mật. Nhiều khách hàng lo ngại thông tin cá nhân có thể bị đánh cắp, điều này vô cùng nguy hiểm hơn nếu thiết bị này được lắp đặt tại các cơ quan nhà nước. Ông bình luận gì về điều này?
GS.TSKH Phan Anh: - Tôi không có bình luận về sản phẩm cụ thể mà VNPT nhập về như thế nào. Tuy nhiên về nguyên tắc với một thiết bị vi tính, viễn thông về mặt kỹ thuật đều có thể thiết kế một chi tiết để đánh cắp thông tin nếu muốn.
Do vậy dư luận e ngại điều này là có cơ sở bởi vì tất cả các thiết bị viễn thông đều có thể đưa vào những bộ phận để lấy thông tin và chuyển đi.
Điều này đã được minh chứng rất nhiều rồi nên không có gì là lạ khi một thông tin nào đó, của cá nhân hay cơ quan đã bị 'đối tác' biết rõ mười mươi như đang ở bên cạnh mình. Điều này thực sự phải cảnh giác.

Một thiết bị vi tính, viễn thông về mặt kỹ thuật đều có thể thiết kế một chi tiết để đánh cắp thông tin nếu muốn.
Một thiết bị vi tính, viễn thông về mặt kỹ thuật đều có thể thiết kế một chi tiết để đánh cắp thông tin nếu muốn.
PV: - Theo ông vấn đề bảo mật thông tin nên được nhìn nhận như thế nào khi thời gian qua các hãng sản xuất điện thoại, máy tính tại Việt Nam nhập rất nhiều linh kiện từ Trung Quốc. Bài học từ Mỹ, Hàn Quốc từng tẩy chay thiết bị của Huawei vì lo ngại bảo mật an ninh quốc gia Việt Nam có nên học theo không thưa ông?
GS.TSKH Phan Anh: - Thực ra đối với các thiết bị viễn thông nhập toàn bộ không có gì đảm bảo. Những thiết bị cần được bảo mật thường phải là công nghệ của mình, tự mình sản xuất thì mới nắm chắc được phần bên trong của thiết bị đó.
Trong khi đó, công nghiệp điện tử viễn thông của mình thời gian qua lại không phát triển mà hoàn toàn dựa vào nước ngoài. Đấy là cái yếu của mình. Lẽ ra phải phát triển công nghiệp này để tạo ra thiết bị của mình mới có thể nắm chắc và tin tưởng.
Theo tôi được biết ở nhiều nước các thiết bị mang tính chất bảo mật, an ninh đều do họ tự chế tạo và phải có những bộ phận, chi tiết tự nghiên cứu chứ không phải ăn sẵn toàn bộ.
Còn Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu nhập và bản thân nội lực cũng không đủ để làm. Lâu nay chúng ta không chú ý phát triển bộ phận R&D mà chỉ khai thác các dịch vụ để thu lợi nhuận.
Những nghiên cứu mang tính chất căn bản không được chú ý, trong khi đó đáng ra chúng ta phải chú ý cả phần cứng và phần mềm trong một thiết bị nếu cho là quan trọng đối với vấn đề bảo mật thông tin.
Chính vì vậy nếu để tự bảo vệ được mình thì phải tự thiết kế cả phần cứng và phần mềm và làm chủ công nghệ. Các nước lớn đều làm như thế.
Việc chúng ta nhìn các bài học từ các nước đi trước là đương nhiên, nhưng muốn làm như vậy thì phải có lộ trình và phải bắt tay thật nhanh vào các nhiệm vụ thì mới có thể làm được.
PV: - Thực tế có thể nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chưa chủ động được thiết bị, nhưng hiện Việt Nam mà cụ thể là ICDREC đã có thể sản xuất được con chip chất lượng, giá rẻ và làm chủ được công nghệ nhưng đang gặp khó khăn khi đưa ra thị trường. Vậy theo ông từ thành công này chúng ta nên đặt vấn đề chủ động ở trong nước như thế nào để tránh lệ thuộc về công nghệ?
GS.TSKH Phan Anh: - Về điều này các chuyên gia trong ngành điện tử đã nhiều lần đề xuất chứ không phải bây giờ mới nghĩ đến.
Nhưng điều quan trọng là phải có đường lối từ trên và chỉ đạo đầu tư chứ nếu chỉ để đơn phương một đơn vị nào đó bắt tay vào làm thì thực sự rất khó khăn.
Tức là phải có chính sách để các doanh nghiệp liên kết với nhau. Để khi có những sản phẩm giống như vi mạch của ICDREC hay ở ngoài miền Bắc cũng có một số phòng thí nghiệm vi mạch thông minh của Đại học công nghệ cũng có thể thiết kế được.
Tuy nhiên cái quan trọng hiện nay là phía sản xuất phải đặt hàng chứ không thì các cơ sở nghiên cứu không có đủ kinh phí để triển khai tiếp.
Nhưng một câu chuyện mà nhiều người từng nói đó là sự ăn sẵn, nhập nguyên để được hưởng hoa hồng cũng như chọn cách dễ nhất để làm vẫn tồn tại trong môi trường của chúng ta nhưng không phải dễ thay đổi điều đó.
Vấn đề đặt ra ở đây là ai có thể can thiệp được việc này thì chỉ có cấp cao, có đủ thẩm quyền đưa ra chủ trương, cụ thể là Quốc hội, Chính phủ phải rót xuống các bộ ngành.
PV: - Để làm được điều đó theo ông nên bắt đầu như thế nào? Có nên giao trách nhiệm cụ thể cho bộ ngành để mọi việc không bị chìm vào quên lãng?
GS.TSKH Phan Anh: - Trước hết chúng ta phải tận dụng lực lượng trong nước. Hiện các cơ sở nghiên cứu trong các trường đại học tiềm lực rất tốt nhưng vẫn đang lẻ loi chưa có được sự liên kết trong sản xuất. Như vậy thì sự phát triển chung của Việt Nam sẽ không thể đi lên được.
Khi phía kinh doanh vẫn nghĩ đến việc làm thế nào đi nhanh, thu lãi nhanh mà không nghĩ đến cái cục diện lâu dài thì bên thiết kế khó mà phát triển bền vững.
Như vậy sẽ chỉ là nắm phần ngọn, thậm chí không biết trong thiết bị đó có những gì vì vi mạch rất phức tạp không phải ai cũng có thể mở ra mà biết trong đó có gì, có cài đặt thêm gì trong đó.
Nhưng để làm được lúc này cần sự quyết liệt từ phía cơ quan cấp cao. Ít nhất là Chính phủ phải ra yêu cầu cho các bộ ngành từ đó có các chỉ đạo tới từng đơn vị mà họ quản lý.
Nếu thực sự thấy rõ được nguy cơ bảo mật an ninh quốc gia bị đe dọa thì không còn cách nào khác là chúng ta phải tự tay nghiên cứu, thiết kế và chế tạo riêng thiết bị, công nghệ của mình thôi.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét