Diện tích lấp lòng sông là rất lớn
Cập nhật lúc
08:43
Quan sát cách thức thi công lấp sông Đồng Nai của
Công ty Toàn Thịnh Phát, nhiều nhà chuyên môn về công trình nhận định diện
tích lấp sông của dự án là hơn 7,7 ha, đó chỉ là mặt sông,
phần lấp dưới lòng sông lớn hơn nhiều.
Kỹ sư Nguyễn Văn Đực, một chuyên gia về nền móng công trình tại
TP.HCM, nhận xét hiện chủ đầu tư đang đổ đất đá thẳng xuống sông mà không làm
tường vây, như vậy sẽ tạo ra một góc xuyên để chống trượt. Trong khi lòng
sông là bùn, nền rất yếu, một lượng cát đá hàng trăm ngàn mét khối đổ xuống
sẽ khiến cho lượng bùn đất ở dưới lòng sông trồi lên, lấn ra ngoài. Một lượng
không nhỏ cát đá do không được tường vây bao bọc cũng sẽ trôi ra sông. Với
cách làm này để lấp được hơn 7,7 ha mặt sông, chủ đầu tư phải lấp một diện
tích lớn hơn ở dưới lòng sông. “Trong xây dựng bờ kè, khi đổ đất xuống sông,
biển phải dùng cừ, neo rất nhiều chứ với cách đổ đất đá không dùng kè như
cách làm của Công ty Toàn Thịnh Phát, lượng đất đá rất lớn này sẽ tạo sức nén
rất lớn xuống lòng sông, làm thay đổi hình dạng lòng sông, thay đổi dòng
chảy. Từ đó tác động rất lớn đến bờ kè hay bờ sông sau 5 - 10 năm nữa. Trong
ngành xây dựng làm bờ kè sông, biển là khó nhất nên phải nghiên cứu dòng chảy
rất nhiều năm, sau đó mới dám đưa ra phương án xây dựng”, kỹ sư Nguyễn
Văn Đực phân tích.
Một số nhà chuyên môn ước tính diện tích bị lấp dưới lòng sông
theo cách thi công của chủ đầu tư có thể phải lớn gấp khoảng 4 lần phần diện
tích trên mặt sông mới đủ để làm chân, giữ vững phần đất trên mặt sông không
bị sạt lở.
Trong khi đó, liên quan việc mới đây Báo Đồng Nai đăng một số bài viết ủng hộ việc xây dựng dự án trên với những
lập luận cho rằng việc xây dựng dự án “không làm thay đổi đáng kể về chế độ
thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng
chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận; sự trả lại bờ sông bị sạt lở và phù
hợp với yêu cầu phát triển”..., PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện
Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), phản biện: “Tác động của sự thay
đổi sông ngòi thường diễn ra trong một thời gian dài nên một số người không
nhận thấy những nguy cơ tiềm tàng của nó. Sự xói lở bờ sông theo một quy luật
tự nhiên, chống lại nó thì bất lợi, và chống nó bằng công trình cứng thì lại
gây sạt lở chỗ lân cận, rốt cuộc người dân cũng thua thiệt”.
Còn theo TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN, nguyên
Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong VN, ông không phản đối việc chỉnh trang
nhưng vấn đề là chỉnh trang như thế nào? Tuân thủ luật Tài nguyên nước, luật
Môi trường, luật Đê điều... ra sao? Vì nếu chỉ là chỉnh trị sông, làm kè thì
là chuyện khác còn đây là xây dựng hạ tầng cơ sở hẳn hoi. “Cái lý lẽ mà bây
giờ người ta đưa ra để làm dự án này cũng giống như vụ thủy điện Đồng Nai 6
và 6A. Thời đó, các dự án này cũng được đánh giá bằng 2 cái ĐTM (Báo cáo đánh
giá tác động môi trường) của 2 viện nghiên cứu chuyên ngành rất lớn, báo cáo
cả nghìn trang. Nhưng cuối cùng thì nó cũng bị dừng khi mà dư luận cả nước
vào cuộc. Khi người ta muốn làm thì có thể đưa ra trăm ngàn lý do tô vẽ cho
nó trở nên rất đẹp”, TS Tứ nói.
(Theo Thanh niên) Đình Sơn - Chí Nhân
|
Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét