Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

"Cần bỏ sân golf để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất"



Đó là khẳng định của TS Nguyễn Bách Phúc khi nói về tác động của sân golf tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Hoàn toàn có thể nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất
TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ&Quản lý TP.HCM HASCON; Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI cho rằng có thể nâng năng lực vận chuyển của sân bay Tân Sơn Nhất từ 20 triệu hành khách/năm như hiện nay lên 56 triệu hành khách/ năm (trong giai đoạn 2030) và 80 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2050).  
Theo tính toán của TS Nguyễn Bách Phúc, để nâng cao năng lực vận chuyển tại sân bay Tân Sơn Nhất cần hai giai đoạn: Giai đoạn 1, muốn nâng năng lực vận chuyển hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất từ 20 triệu hành khách/năm lên 56 triệu hành khách sân bay Tân Sơn Nhất cần xây dựng thêm 3 nhà ga. Diện tích để xây dựng 3 nhà ga mới lấy từ vùng đất sân golf rộng 157 ha và 38 ha đất trống trong khuôn viên sân bay, vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn này dưới 2 tỉ USD.
 
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI.

Giai đoạn 2, đến năm 2050 lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất vượt quá 56 triệu hành khách/năm, có thể nâng năng lực vận chuyển Tân Sơn Nhất lên 80 triệu hành khách bằng việc di dời đơn vị Quân đội và các xí nghiệp thuê đất khỏi khu vực Tân Sơn Nhất để có thể xây thêm nhà ga và đường băng mới. Vốn đầu tư của cả giai đoạn hai này khoảng hơn 1 tỉ USD.
Từ hai quan điểm trên, theo TS Nguyễn Bách Phúc đã tiết kiệm hơn cho đất nước rất nhiều về vốn đầu tư khi xây mới sân bay Long Thành và tiết kiệm quỹ đất.
Vì sao nên di dời sân golf Tân Sơn Nhất?
Bên cạnh những phân tích về khả năng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, mới đây TS Nguyễn Bách Phúc và TS Sinh học Nguyễn Đăng Diệp - Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học nông nghiệp thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đưa ra con số về tác động môi trường trong việc để tồn tại sân golf với sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực lân cận.
Cụ thể theo khảo sát nghiên cứu TS Nguyễn Bách Phúc và TS Nguyễn Đăng Diệp, cỏ sân golf là “linh hồn” và là chuẩn mực để đánh giá chất lượng sân golf tốt hay không. Thông thường sân golf sử dụng  2 loại cỏ: Cỏ Green là loại cỏ nhỏ, trồng gần lỗ golf và cỏ Fareway, được trồng phía ngoài.
 
Quy hoạch sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất

Về cỏ Green, đây là loại cỏ nhỏ trồng phía trong, xung quanh lỗ golf, đòi hỏi chăm sóc đặc biệt giúp rễ cỏ phát triển rất sâu và chắc, lá cỏ luôn luôn phải non và mềm mại, phải thường xuyên cắt bằng, giúp cho trái golf chạy thẳng không bị lệch hướng. Mặt khác sân golf còn đòi hỏi cỏ Green không phát triển nhiều lá. 
Để thỏa mãn các yêu cầu này, đơn vị quản lý sân golf phải sử dụng loại thuốc Delta-Coated (Controlled Release Fertilizer). Đây là lựa chọn tối ưu và phù hợp nhất cho cỏ Green vì hạt rất nhỏ và đều, phân giải chậm trong vòng 3 tháng. Số lượng thuốc: bón 1-2kg/100m2 chu kì 2-3 tháng 1 lần.
Trong khi đó về cỏ Fareway, đây loại cỏ lớn trồng xung quanh cỏ Green. Loại cỏ chăm sóc đơn giản hơn rất nhiều so với cỏ Green.  Thuốc Delta-Top là lựa chọn tối ưu và phù hợp nhất cho cỏ Fareway. Số lượng thuốc: Bón 1-2 kg /100m2 chu kì một tháng 1 lần. Tổng diện tích sân golf Tân Sơn Nhất là 157,29 ha, trong đó diện tích sân golf trồng cỏ là 111,59 ha. Còn lại là diện tích nhà hàng, khách sạn 5 sao, nhà ở cho thuê, đường giao thông…
Từ kỹ thuật chăm sóc hai loại cỏ Green và cỏ Fareway,TS Nguyễn Đăng Diệp đưa ra cách tính toán lượng thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống sân golf như sau: “Về lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Green: Diện tích trồng cỏ Green chiếm khoảng 10 % là 111,59 ha x 10% = 11,159 ha = 11,159 ha x 10.000 m2/ha = 111.590 m2; Số lượng thuốc Delta-Coated: bón 1-2kg/100m2 chu kì 2-3 tháng một lần, trung bình là 2,5 tháng một lần; Số lần bón trong 1 năm: 12 tháng/2,5 tháng = gần 5 lần; Số lượng thuốc cho một lần bón: theo định mức là 1-2kg/100m2, lấy trung bình là 1,5kg/100m2 ; Số lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Green cho toàn sân golf trong một năm là:1,5kg/100m2 x 111.590 m2 x 5 lần/năm = 8692,5 kg/năm = 8,692 tấn/năm”.
Trong khi về lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Fareway, TS Diệp chỉ ra diện tích trồng cỏ Fareway chiếm khoảng 90 % diện tích sân golf 111,59 ha x 90% = 100,431 ha = 1.004.310 m2 cỏ. Số lượng thuốc Delta-Top: Bón 1-2 kg /100m2 chu kì một tháng 1 lần; Số lần bón trong 1 năm: 12 tháng/1 tháng = 12 lần; Số lượng thuốc cho một lần bón: theo định mức là 1-2kg/100m2, lấy trung bình là 1,5kg/100m2; Cuối cùng số lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Fareway cho toàn sân golf trong một năm: 1,5kg/100m2 x 1.004.310 m2x 12 lần/năm = 180.776 kg/năm = 180,776 tấn/năm.
“Như vậy mới chỉ tính loại thuốc trừ sâu bón gốc cỏ, chưa tính loại thuốc trừ sâu phun, xịt thì mỗi năm mặt đất sân golf Tâm Sơn Nhất tiếp nhận: 8,692 tấn/năm + 180,776 tấn/năm = 189,468 tấn/năm. Tính đến đây chúng tôi giật mình kinh hãi, không ngờ lượng thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất lại nhiều đến thế”, TS Nguyễn Đăng Diệp cho biết.
Theo TS Diệp, lượng thuốc trừ sâu này sẽ ngấm xuống đất, xuống mạch nước ngầm, làm ô nhiễm nước ngầm thành phố, nguy hại nhất trước hết là dân chúng sống xung quanh sân golf  Tân Sơn Nhất phải hứng chịu gần 200 tấn chất độc hàng năm này.
“Trên thế giới đã có rất nhiều sân golf, nhưng hầu hết nằm ở vùng đất xa dân cư, và đòi hỏi chủ sân golf phải đầu tư rất tốn kém cho việc bảo vệ môi trường. Hầu như không có ai đặt sân golf giữa vùng dân cư, vì một lẽ đơn giản là cho dù lợi siêu lợi nhuận của sân golf là vô cùng lớn nhưng cũng không đáp ứng được đồi hỏi của các biện pháp xử lý”, TS Nguyễn Đăng Diệp cho biết.
Từ đó TS Diệp cho rằng, trong báo cáo đầu tư xây dựng công trình buộc phải kèm theo báo cáo tác động môi trường, cơ quan phê duyệt đầu tư phải xem xét nghiêm túc tác động môi trường. 
“Xin hỏi báo cáo đầu tư xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất có báo cáo tác động môi trường không? Cơ quan phê duyệt đầu tư có xét tới tác động môi trường không? Cơ quan nào phê duyệt? Chúng tôi nghĩ rằng vì tính mạng và sức khỏe của nhân dân TP.HCM, trước hết là Nhân dân quận Tân Bình, đặc biệt là của cư dân xung quanh sân golf Tân Sơn Nhất”, TS Diệp lo ngại.
Trước đánh giá của TS Nguyễn Bách Phúc và TS Nguyễn Đăng Diệp, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Khắc Kinh – Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng, bất kỳ dự án nào không chỉ dự án sân golf đều có tác động môi trường. Tuy nhiên tác động môi trường như thế nào phụ thuộc vào quy mô, địa điểm đặt dự án.
“Thông thường dự án xây dựng sân golf sẽ có tác động về môi trường như làm biến đổi địa hình do quá trình tôn tạo, giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng mực nước ngầm phía dưới, khả năng tích trữ nước ngầm bị ảnh hưởng”, TS Nguyễn Khắc Kinh cho biết.
Trong khi đó trong quá trình vận hành phải duy tu bảo dưỡng sân golf, trong đó đáng nói phải có việc trồng cỏ, nhất là trồng cỏ tự nhiên phải có thuốc bảo vệ thực vật và thuốc duy trì tăng trưởng. Cùng với chất thải do người chơi golf gây ra. “Tất cả yếu tố đó đều gây tác động đến môi trường nhưng tác động như thế nào thì phải có đánh giá nghiên cứu cụ thể”, TS Nguyễn Khắc Kinh cho biết.
Cuối năm 2014 thảo luận tại tổ về dự án sân bay quốc tế Long Thành, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, lý do xây dựng sân bay Long Thành vì sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Trong vấn đề quá tải và không thể mở rộng sân bay Tây Sơn Nhất, đại biểu Nguyễn Văn Hiến nêu ra vấn đề khiến dư luận đang băn khoăn đó là việc lấy hơn 150ha đất sân bay này làm sân golf. 
Tại tổ Thành phố Hồ Chí Minh đại biểu Huỳnh Minh Thiện cũng cho rằng, dành 150ha đất làm sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là không hợp lý. Vì niềm tin của nhân dân, vì quốc phòng an ninh và vì an toàn bay, đại biểu Thiện đề nghị không cho tồn tại sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. 
Trước thắc mắc của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, việc sử dụng đất ở sân bay là đất lưu không, không dùng gì vào việc xây dựng hạ tầng ở bên dưới. Còn nếu đất này để không thì hàng năm phải chi vào đó số tiền khá lớn để cắt cỏ, đuổi côn trùng và chim cò để tránh làm hại máy bay.
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, việc làm sân golf ở hai sân bay Tân Sơn Nhất và Gia Lâm đã được cơ quan chức năng chấp thuận. Khi làm sân golf không ảnh hưởng đến an toàn bay mà còn tạo công ăn việc cho rất nhiều lao động. Còn khi nào Nhà nước cần thu hồi đất thì không có đền bù.
(Theo Giáo dục VN) Mai Anh tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét