Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Đồng Nai lấn sông: Bình Phước, Bình Dương bất an

Cập nhật lúc 08:11               

(Quan điểm) - Dù tỉnh ở thượng nguồn hay hạ nguồn đều chịu sự chi phối và ảnh hưởng không nhỏ của việc sông Đồng Nai đang bị xâm lấn.

Bình Phước: Chỉ sợ trời mưa lũ
Chia sẻ với Đất Việt, ngày 25/3, trước dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” đang được thực hiện, đặc biệt, khi con sông này chảy qua địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Tòng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết: "Chúng tôi chỉ có một nhánh của sông Đồng Nai, đặc biệt, lại được nằm trên phía thượng nguồn, nên theo đánh giá chung từ trước đến nay, thì tỉnh không bị chi phối và ảnh hưởng lớn về lượng nước".
Bên cạnh đó, theo ông Tòng, ông cũng chỉ mới biết thông tin về chuyện Đồng Nai triển khai dự án lớn này, trước đó, Bình Phước cũng không hề được hỏi xin ý kiến triển khai mặc dù có sông Đồng Nai đi qua.
Hiện nay, các tỉnh Nam Trung Bộ cũng đang lo lắng chống trọi với hạn hán, nhưng với Bình Phước thì, ông Tòng khẳng định: "Chúng tôi cũng không quá lo ngại về chuyện này".
Mà điều khiến ông lo ngại hơn hết, đó lại là đến mùa mưa lũ, bởi khi ở thượng nguồn, cần thoát nước nhanh, nhưng khi lượng nước chảy đến Đồng Nai sẽ chậm, rất nguy hiểm.
Bởi vì, ông giải thích: "Nếu diện tích lòng sông rộng thì chắc chắn nước sẽ thoát nhanh, còn nếu không thì hậu quả sẽ vô cùng khôn lường".
Đắk Nông:  Không chịu ảnh hưởng nhiều
Trong khi đó, cũng đưa ra nhìn nhận về dự án này của Đồng Nai, ông Lê Diễn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: "Do nằm ở phái thượng nguồn, nơi bắt đầu của sông Đồng Nai, nên chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều, chỉ lo cho lượng nước của các tỉnh phía hạ lưu".
Mặt khác, ông Diễn nhấn mạnh: "Hiện nay, đang có một thủy điện được xây dựng chặn lại nguồn nước phía đầu nguồn, nên từ lâu, tỉnh không bị chi phối bởi con sông này".

Công nhân làm việc tại dự án
Công nhân làm việc tại dự án

Tuy, theo ông Diễn thì chuyện ảnh hưởng nếu Đồng Nai lấn sông là có, nhưng chưa thể biết được cụ thể sẽ ra sao, vì bản thân tỉnh cũng chưa nghiên cứu kĩ vấn đề này, kể cả sự tác động.
Nhìn nhận thêm, ông Diễn nói: "Khi dòng sông bị chặn, thì thượng nguồn nguy hiểm mùa mưa lũ, hạ lưu thì lo lắng nước cạn, hạn hán".
Bình Dương: Chắc chắn có ảnh hưởng
Là địa phương phía hạ nguồn, nằm sát Đồng Nai, ông Vũ Minh Sang - Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương nhận định: "Chắc chắn chuyện xây dựng, lấn sông Đồng Nai chắc chắn là có ảnh hưởng vì chúng tôi ở vùng hạ nguồn".
Đặc biệt, theo ông Sang, Ban phòng chống lụt bão các tỉnh có sông Đồng Nai đi qua, cần có ý kiến trước vấn đề này.
Phải có chỉ đạo, chỉ thị hỏi ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học rồi mới có thể nghiên cứu.
Cụ thể, ông Sang khẳng định: "Đối với các dự án này chắc chắn phải được sự thống nhất của Ban chỉ đạo các vùng kinh tế, cần dựa trên quy hoạch tổng thể KT-XH của địa bàn về việc phát triển đầu tư, dựa vào chỉ đạo chung để thực hiện".

Các phương tiện vẫn đang hoạt động san lấp
Các phương tiện vẫn đang hoạt động san lấp

Mặt khác, Bình Dương hiện nay chịu sự tác động chi phối của sông Đồng Nai, nhưng làm thì cũng phải có sự thống nhất.
"Không thể để lấn sông lấp biển vì mục đích kinh tế", ông Sang nhấn mạnh.
Trong khi, trước đó, TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong VN cho biết: "Sông Đồng Nai là một con sông liên tỉnh, có lưu vực trải trên 11 tỉnh, thành chứ không riêng tỉnh Đồng Nai, nên sẽ có tác động từ thượng nguồn đến hạ nguồn".
Hơn hết, theo ông Tứ, khi tiến hành triển khai dự án này UBND tỉnh nên xin ý kiến của Bộ TNMT, và Bộ NNPT&NT.
Ông Tứ nói: "Sai thì phải dừng lại, kể cả có thực hiện san lấp đến 90% rồi, thì cũng nên dừng lại ở đó. Về việc lấn sông phải theo trình tự pháp luật, hiện nay Ủy ban bảo vệ lưu vực sông không biết, lãnh đạo nghĩ đây là việc của tỉnh, nhưng đây là sông liên tỉnh, chảy qua 11 tỉnh, thành thì không thể mỗi Đồng Nai quyết định".
Điều đáng bàn, ngày 25/3, bất chấp phản ứng từ nhiều phía và các tổ chức, tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục triển khai dự án lấn sông. Xà lan chở đá, xe cuốc, máy ủi và hàng chục công nhân vẫn làm việc tấp nập trong đại công trường.
(Theo Đất Việt) Thanh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét