Lộ chiêu đoạt tiền khách hàng tại sàn vàng 'ảo' IG
Cập nhật lúc 08:23
Bằng các “thủ thuật” tinh vi, thông qua kinh doanh vàng tài khoản, các
đối tượng đã chiếm đoạt của khách hàng trên 60 tỉ đồng.
Các đối tượng liên quan trong vụ sàn vàng IG
và tang vật.
Thêm một sàn vàng “ảo” vừa bị Công an quận Đống
Đa (Hà Nội) phối hợp C50 Bộ Công an đánh sập. Bằng các “thủ thuật” tinh vi,
thông qua kinh doanh vàng tài khoản, các đối tượng đã chiếm đoạt của khách
hàng trên 60 tỉ đồng. Vụ việc một lần nữa cảnh báo người dân về nguy cơ trắng
tay khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất hợp pháp này.
"Thủ
thuật" đánh lừa khách hàng
Lưu Công Khánh - kẻ chủ mưu lập ra sàn vàng
"ảo" IG khai nhận, năm 2007, sau khi tốt nghiệp khoa Điện tử một
trường đại học, Khánh xin vào làm việc tại một số công ty kinh doanh
vàng tài khoản ở TP HCM. Trải qua các vị trí nhân viên kinh doanh, đào tạo…
nên Khánh nắm rất rõ phương thức hoạt động của các sàn vàng "ảo"
này.
Mặc dù biết việc kinh doanh vàng tài khoản là
trái phép và Cơ quan Công an đã vào cuộc xử lý một số sàn vàng "ảo"
nhưng nhận thấy có rất nhiều khách hàng vẫn tham gia vào kênh đầu tư này, năm
2013, Khánh ra Hà Nội với ý đồ thành lập một sàn vàng trá hình. Theo Khánh
trình bày thì thời điểm này, tại TP HCM có quá nhiều sàn vàng "ảo"
hoạt động, sàn mới sẽ khó cạnh tranh. Trong khi ở Hà Nội và các tỉnh phía
Bắc, nhiều người chưa biết đến lĩnh vực kinh doanh này.
Đã có kinh nghiệm trong thời gian làm việc tại
các sàn vàng "ảo" trước đó nên Lưu Công Khánh tính toán rất kỹ
lưỡng, thuê người đứng ra thành lập công ty, còn Khánh đứng phía sau chỉ đạo
toàn bộ hoạt động. Để tạo vỏ bọc cho hoạt động kinh doanh vàng tài khoản,
tháng 10/2013, Khánh lập Công ty CP kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG
(thuê trụ sở tại tầng 8 tòa nhà 165 Thái Hà, Đống Đa).
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Công ty
IG có chức năng kinh doanh vàng trang sức, mở chi nhánh tại Hải Dương và
Thanh Hóa. Tổng giám đốc (TGĐ) công ty là ông Mai Xuân Tú (65 tuổi) ở Giao
Thủy, Nam Định. Việc Khánh thuê ông Tú làm TGĐ cũng hết sức khôi hài. Theo
Khánh khai nhận thì TGĐ một công ty vàng bạc phải là người có tuổi, khuôn mặt
đẹp, phúc hậu, tác phong khoan thai, từ tốn thì khách hàng mới dễ tin.
Quá trình đi "tìm" TGĐ, Khánh tình cờ
gặp ông Tú tại một quán cà phê. Thấy ông Tú có đủ các yếu tố như người Khánh
cần tìm, Khánh đặt vấn đề thuê ông Tú làm TGĐ với mức lương 5-7 triệu
đồng/tháng. Công việc của ông Tú là hàng ngày đến công ty, ngồi trong phòng
TGĐ, thỉnh thoảng đi lại cho có "bóng" của người lãnh đạo, đi dự
khai trương các chi nhánh. Ông Tú băn khoăn vì từ trước đến nay chưa kinh
doanh bao giờ, Khánh trấn an rằng TGĐ không phải làm gì hết, mọi việc
đã có cấp dưới lo liệu. Ông Tú chỉ phải ký các quyết định bổ nhiệm, phân công
nhân sự và làm thủ tục cần thiết với cơ quan chức năng.
Để sàn vàng "ảo" đi vào hoạt động, cần
thiết phải có phần mềm giao dịch vàng trên tài khoản. Khánh nhờ Vũ Đình Hùng,
là kỹ sư công nghệ thông tin mua giúp phần mềm MT4, là phần mềm chuyên giao
dịch kinh doanh vàng, ngoại tệ trên tài khoản và hàng hóa khác. Hùng tìm mua
được phần mềm này của Công ty Metaquotes có trụ sở tại Nga với giá 6.000
USD/lần đầu, hàng tháng trả 1.500 USD.
Để mua được phần mềm này, phía người mua phải
chuyển đăng ký kinh doanh của công ty cho đối tác. Do đã có mưu đồ từ trước
nên Khánh đã làm giả đăng ký kinh doanh của Công ty CP Đầu tư kim loại
quý Bắc Mỹ (NAPMIG). Thực tế, đây là một công ty có thật, chuyên kinh doanh
vàng, ngoại tệ quốc tế, có trụ sở tại Mỹ, Canada...
Do đó, để khách hàng lầm tưởng Công ty NAPMIG
trên giao dịch vàng tài khoản tại Công ty IG là Công ty NAPMIG quốc tế, Khánh
đã vào trang web của công ty này sao chép thông tin, logo rồi chuyển cho Hùng
đăng ký mua phần mềm với Công ty Metaquotes. Cũng theo yêu cầu của Khánh,
trong tờ khai mua phần mềm của Metaquotes, Hùng đã khai trụ sở Công ty NAPMIG
tại Canada nhằm "đánh lận con đen".
Sau khi mua được phần mềm MT4 trên, Hùng và Khánh
đã thiết lập thêm các chức năng quản lý khách hàng: xóa lệnh, đóng lệnh giao
dịch, tạo nhóm khách hàng, thiết lập chênh lệch giá mua bán và đưa phần mềm
này vào hoạt động. Lợi dụng chức năng kinh doanh vàng trang sức của Công ty
IG, Khánh và các đối tượng trong công ty đã quảng cáo trên website
vangquocte.net, tuyển dụng và tổ chức đào tạo nhân viên cách thức gọi điện
thoại lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư vàng tài khoản.
Khánh huấn luyện nhân viên tư vấn cho khách hàng
rằng Công ty IG là đối tác của Công ty NAPMIG có trụ sở tại Mỹ, Canada, Úc.
Để câu kéo khách hàng, Lưu Công Khánh và Vũ Đình Hùng thuê 2 máy chủ, một máy
chạy phần mềm chơi thử và một máy chạy phần mềm chơi thật. Phần mềm chơi thử,
khách hàng tự tải về không phải đóng phí. Khi chơi thử, khách hàng bao giờ
cũng thắng nên không ít người đã quyết định "chơi thật".
Nhằm đối phó với các cơ quan chức năng, khách
hàng tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại Công ty IG sẽ được ký một hợp
đồng giao dịch hàng hóa và nộp một khoản "ký quỹ" tối thiểu là
2.500 USD qua tài khoản hoặc nộp trực tiếp vào công ty. Sau đó khách hàng
được công ty giao cho mã giao dịch để chính thức kinh doanh vàng qua tài
khoản. Lượng vàng tối thiểu mỗi lần đặt lệnh mua bán là 0.01lot (1 lot tương
đương 83 cây vàng), tối đa không quá 8 lot. Mỗi lệnh mua, bán, khách hàng sẽ
bị thu phí 35 USD/lot.
Tuy nhiên, khách hàng không thể biết được việc
kinh doanh vàng tài khoản tại Công ty IG, tưởng như một hình thức kinh
doanh trên mạng hết sức văn minh, tiện lợi, thực chất đều nằm trong bàn tay
điều khiển của kẻ chủ mưu Lưu Công Khánh. Theo Vũ Đình Hùng khai nhận, các
lệnh giao dịch của khách hàng trên máy chủ NAPMIG có thể thay đổi hoặc xóa
được.
Bản thân Hùng đã nhiều lần can thiệp vào
máy chủ để điều chỉnh lệnh nộp, rút tiền của khách hàng theo yêu cầu
của Khánh. Nếu khách hàng thắng với số lượng ít, chúng để cho khách rút tiền.
Nếu khách thắng với số tiền lớn, chúng can thiệp kỹ thuật để đánh sập mạng
rồi tự tạo thông báo của Công ty NAPMIG về nguyên nhân sập là do khách quan.
Điển hình như có lần, Hùng phát hiện biểu đồ tiền
đô la Mỹ so với tiền Thụy Sĩ bị dừng hoạt động. Hùng gọi điện báo cho Khánh
biết. Khánh kiểm tra, phát hiện có một khách hàng là Bùi A.X đã đặt lệnh
3.52lot USD-CHF. Tính ra nếu giao dịch thành công, khách hàng Bùi A.X sẽ thu
được khoản lợi nhuận khoảng 50.000 USD. Khánh lập tức can thiệp, tự đóng lệnh
của khách Bùi A.X và yêu cầu Hùng xóa lệnh của khách hàng này khỏi máy chủ để
xóa dấu vết.
Cũng theo khai nhận của Vũ Đình Hùng thì máy chủ
NAPMIG không kết nối giao dịch gì với thị trường vàng, ngoại tệ quốc tế, chỉ
có một kết nối duy nhất là kết nối biểu đồ giá lên xuống của thị trường vàng
và tiền tệ thế giới. Do đó, khi nhìn vào biểu đồ này, khách hàng nhầm tưởng
đang giao dịch, mua bán với Công ty NAPMIG thật. Với việc không kết nối giao
dịch với thị trường vàng, ngoại tệ quốc tế này thì khi khách hàng chuyển tiền
giao dịch, thực chất là chuyển vào tài khoản công ty của Khánh.
Về số tiền khách hàng nộp trực tiếp hoặc qua tài
khoản vào Công ty IG, Khánh và các đối tượng không hạch toán kế toán, không
kê khai thuế mà dùng để trả cho khách hàng chơi thắng với số tiền ít. Còn lại
chúng rút ra mua ôtô, nhà đất, chuyển vào tài khoản của Phạm Đức Tài để rút
ra chi tiêu cá nhân.
Bài
học đắt giá cho những người ham kinh doanh vàng "ảo"
Trung tá Hoàng Văn Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát
kinh tế Công an quận Đống Đa cho biết, Lưu Công Khánh là đối tượng hết sức ranh
ma. Nhằm đối phó với Cơ quan Công an, trong tổng số tiền 60 tỉ đồng
chiếm đoạt của khách hàng kinh doanh vàng tài khoản tại Công ty IG, riêng
Khánh chiếm đoạt 20 tỉ đồng bằng cách dựng lên việc chuyển tiền cho 2 sàn
vàng "ảo" khác tại TP HCM, nhưng thực chất không có việc chuyển
tiền này.
Ngoài ra, Khánh chỉ đạo Phạm Đức Tài dùng tiền
mua nhà đất do Tài đứng tên. Còn Vũ Đình Hùng, mặc dù biết Công ty NAPMIG do
Khánh tạo dựng không phải là Công ty NAPMIG quốc tế nhưng được Khánh trả
lương hậu hĩnh tới 30 triệu đồng/tháng nên Hùng làm theo mọi yêu cầu của
Khánh.
Ngoài ra, sau một thời gian hoạt động, đứng trước
nguy cơ một loạt sàn vàng trái phép bị cơ quan chức năng đánh sập, Khánh đã
soạn ra bộ câu hỏi gồm 30 câu hỏi đáp để hướng dẫn nhân viên trấn an
khách hàng, đồng thời đối phó với cơ quan chức năng khi bị hỏi. Khánh còn
thành lập thêm các chi nhánh của Công ty IG tại nhiều tỉnh để trong quá trình
hoạt động, nếu có nhiều khách hàng kinh doanh vàng tài khoản bị thua lỗ,
chúng sẽ dừng hoạt động ở địa phương đó mà chuyển sang thành lập chi nhánh,
công ty ở địa phương khác.
Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng 3
C50 Bộ Công an cho biết, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã khám
phá rất nhiều chuyên án có liên quan đến các đối tượng kinh doanh vàng tài
khoản, đã cảnh báo thủ đoạn lôi kéo khách hàng tham gia nhưng vẫn còn nhiều
người mất cảnh giác. Bước đầu qua khai thác máy chủ thu giữ được của Công ty
IG, Cơ quan Công an đã xác định có hàng ngàn người chơi, trong đó khoảng 500
người đã nộp vào tài khoản của Công ty IG số tiền trên 8 triệu USD.
Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hằng khuyến cáo, tính đến
thời điểm hiện nay, Nhà nước chưa cho phép và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
cũng chưa cấp giấy phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các
hoạt động kinh doanh vàng khác (bao gồm cả sàn giao dịch vàng và kinh doanh
vàng trên tài khoản). Do đó, việc thành lập sàn giao dịch vàng và kinh doanh
vàng tài khoản đều là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động
kinh doanh vàng.
Hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tiềm ẩn rủi
ro rất cao cho các nhà đầu tư. Thực tế từ các vụ triệt phá sàn vàng
"ảo" cho thấy, người dân tham gia đầu tư kinh doanh vàng tài khoản
dễ dẫn đến nguy cơ "trắng tay", bởi các đối tượng đều có sự can
thiệp kỹ thuật, xóa hết lịch sử giao dịch, khóa tài khoản, không để nhà đầu
tư thắng lớn. Khi đã chiếm đoạt được một lượng tiền lớn, các đối tượng sẽ
đóng cửa công ty, đánh sập mạng để nhà đầu tư không tham gia được nữa và sẽ
mất toàn bộ tiền.
Ngày 6/2/2015, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) phối hợp Cục C50 Bộ Công an,
Phòng PC45, PC50 Công an Hà Nội, PC45 Công an Hải Dương, PC46 Công an Thanh
Hóa khám phá ổ nhóm thực hiện hành vi kinh doanh trái phép vàng tài khoản,
vàng miếng xảy ra tại Công ty CP Kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (địa
chỉ tầng 8 tòa nhà 165 Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội). Cơ
quan Công an đã đồng loạt khám xét 5 địa điểm là nơi làm việc và nhà ở của
các đối tượng chủ chốt của Công ty IG, thu giữ tang vật gồm 1,49 tỉ đồng tiền
mặt, 1.025 tỉ đồng tiền trong tài khoản, 276 lượng vàng miếng SJC, 8kg vàng
trang sức các loại, 35 máy tính xách tay, 6 CPU, 1 sổ đỏ, 2 hợp đồng công
chứng chuyển nhượng nhà đất cùng nhiều giấy tờ liên quan.
Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình
sự 8 đối tượng chính nắm giữ các vị trí chủ chốt trong Công ty IG gồm: Lưu
Công Khánh (SN 1982, HKTT Krông Back, Đắk Lắk) - kẻ chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo
toàn bộ hoạt động của Công ty IG; Vũ Đình Hùng (32 tuổi, ở phường 5 quận Gò
Vấp, TP HCM) - kỹ sư công nghệ thông tin; Phạm Đức Tài (36 tuổi, ở Trung Văn,
Nam Từ Liêm, Hà Nội) - Phó TGĐ; Lương Trần Hưng (26 tuổi, ở phường Hoàng Văn
Thụ, Lạng Sơn) - Giám đốc chi nhánh Công ty IG tại Hải Dương; Nguyễn Ngọc Thế
(24 tuổi, ở Trung Văn, Nam Từ Liêm)- nhân viên; Trần Hồng Nhung (26 tuổi, ở
phường Đông Kinh, Lạng Sơn)- nhân viên quản lý; Vũ Văn Thuấn (26 tuổi, ở Vũ
Thư, Thái Bình) và Lưu Trung Kiên - nhân viên chi nhánh Công ty IG tại Thanh
Hóa.
Theo Trung tá
Hoàng Văn Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa, đây là
vụ án có dấu hiệu kinh doanh trái phép, sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài
sản lớn với thủ đoạn hết sức tinh vi, được tổ chức chặt chẽ. Các đối tượng
luôn tìm cách đối phó, che giấu, nhiều lần chuyển trụ sở hoạt động. Tài liệu
điều tra bước đầu xác định tổng số tiền khách hàng đã nộp vào Công ty IG và
các chi nhánh là 180 tỉ đồng (tương đương 8,2 triệu USD), trong đó số tiền
khách đã rút ra là 120 tỉ đồng, số tiền thiệt hại khoảng 60 tỉ đồng.
Theo An Ninh Thế Giới
|
Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét