Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Lấp sông làm dự án: Đồng Nai đã hỏi ý kiến ai?

Cập nhật lúc 14:02                  
Các bên liên quan lẫn không ít người dân cho hay họ không biết thông tin hoặc biết rất ít thông tin về dự án này.

Liên quan đến dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, được chính quyền tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Kiến trúc Xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, tiếp tục có nhiều phản ứng từ công luận. Con sông này chảy qua nhiều tỉnh, thành và việc lấp sông làm dự án này được nhiều nhà khoa học cảnh báo là ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, dòng chảy lẫn cuộc sống của cả triệu người dân hai bên bờ. Tuy nhiên, đến nay một số địa phương, cơ quan liên quan lẫn người dân chịu tác động trực tiếp từ dự án này đều cho rằng không nhận được thông tin tham vấn dự án từ chính quyền tỉnh Đồng Nai.
Cục Đường thủy chưa biết
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 22-3, ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi vừa chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Cục phụ trách địa bàn khu vực có báo cáo ngay về tình hình lấp sông Đồng Nai và tác động của nó đến giao thông thủy”.
Theo ông Duy, vị trí lấp sông Đồng Nai (dài hơn 1,3 km, với chiều rộng lấn từ mép bờ ra luồng sông là 30-100 m) sẽ tác động lớn đến dòng chảy và an toàn trên luồng lưu thông của tàu thuyền. Đặc biệt, đoạn lấp nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh (cầu đường sắt, có tĩnh không chỉ 2,5 m) sẽ uy hiếp mạnh đến sự an toàn của hai cầu trọng yếu này. Cụ thể, theo tính toán, với chiều rộng của sông tự nhiên hiện nay thì lưu lượng thoát, chảy của nước khoảng 18.000-20.000 m3/giây. Nhưng khi lấp sông thì khối lượng nước lưu thoát qua đây sẽ giảm xuống nhưng tốc độ dòng chảy sẽ tăng lên. Cạnh đó, đoạn sông đang có dự án san lấp bị cong, tầm nhìn của tàu thuyền bị hạn chế. “Khi đoạn sông trên bị lấp, dòng chảy bị thu hẹp tạo nên nút cổ chai mới nên tàu thuyền đi qua sẽ rất khó khăn, nguy cơ đâm va vào cầu Ghềnh hoặc cầu Hóa An là rất lớn!” - ông Duy nói.
Cũng theo ông Duy, đến nay Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chưa nhận được ý kiến tham vấn nào từ phía tỉnh Đồng Nai về tác động của việc lấp sông ảnh hưởng đến lòng, luồng sông và việc lưu thông của tàu thuyền.
 
Công ty Toàn Thịnh Phát đang lấp sông Đồng Nai để thực hiện dự án. Ảnh: TIẾN DŨNG


Việc lấp sông làm bó hẹp lòng, luồng lưu thông dẫn đến khó khăn, nguy hiểm cho các loại tàu thuyền qua lại trên sông Đồng Nai. Ảnh: LƯU ĐỨC
TP.HCM cũng chỉ biết thông tin qua báo chí
Cùng ngày, trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc dự án lấp sông ở Đồng Nai có tác động đến địa bàn TP.HCM hay không, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP.HCM, nói: “Chúng tôi cũng chỉ biết đến dự án này qua thông tin trên báo chí. Do đó hiện chúng tôi chưa có cơ sở khoa học để đánh giá tác động của dự án này đến khu vực TP.HCM”. Theo ông Công, nếu dự án có tác động đến lưu vực rộng thì đánh giá tác động môi trường phải do Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt mới hợp lý.
ThS Hồ Long Phi, Viện trưởng Quản lý nước và biến đổi khí hậu - ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định dự án lấp sông ở Đồng Nai có tác động tiêu cực cho địa bàn tỉnh Đồng Nai, có thể gây ra hiện tượng xói lở. “Về tác động đến TP.HCM, cần phải có những dữ liệu khoa học cụ thể của dự án mới có thể đánh giá chính xác được” - ông Phi nói.
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam - đại diện phía Nam của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), cho biết VRN đang tổ chức lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học về dự án này.
Chỉ tham vấn chính quyền phường và 20 hộ dân (?)
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, ngày 27-5-2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định 1508 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha.
Quyết định này căn cứ theo đề nghị của Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường họp vào ngày 10-4-2014, đề nghị của giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai tại Tờ trình số 468 ngày 13-5-2014 và báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty Toàn Thịnh Phát ngày 29-4-2014.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty Toàn Thịnh Phát do Viện Môi trường và Tài nguyên ĐH Quốc gia TP.HCM tư vấn và được Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai chứng thực.
Khi thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án, các cơ quan liên quan chỉ tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến của UBND, Ủy ban MTTQ phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa), ý kiến khoảng 20 hộ dân đang sinh sống ở khu vực thực hiện dự án.
Báo cáo này cũng cho hay các biện pháp khống chế ô nhiễm và hạn chế các tác động của dự án tới môi trường trong báo cáo ĐTM là những biện pháp khả thi, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn do Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT hướng dẫn.
Trước đó, trong văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai xin thống nhất chủ trương dự án kè lấn sông Đồng Nai của Công ty Toàn Thịnh Phát ngày 5-8-2011, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc lấn sông không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Đồng Nai. Bởi theo UBND tỉnh Đồng Nai, tháng 10-2009, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã thực hiện dự án đánh giá tác động dòng chảy sông Đồng Nai, đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh thuộc TP Biên Hòa, trong đó đánh giá như sau: “Việc xây dựng công trình (bờ kè) từ khu vực Sở GD&ĐT đến đình Phước Lư theo phương án lấn sông 50 m, 70 m và 100 m không làm thay đổi đáng kể chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các bờ lân cận”.
Ngày 21-7-2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định chấp thuận đầu tư dự án trên. Theo đó, dự án phân bố hơn 1,3 km, chạy dài từ Công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, có diện tích 8,4 ha, nằm dọc theo sông Đồng Nai. Trong đó hơn 7,7 ha mặt nước, còn lại chỉ hơn 0,6 ha là đất đang hiện hữu. Đặc biệt dự án này lấn ra sông đoạn ngắn nhất là 30 m, còn đoạn dài nhất là 100 m.
Tôi tha thiết đề nghị cơ quan cấp bộ, các nhà khoa học xem xét về tính xác thực của dự án để vài chục năm nữa người dân chúng tôi không phải chịu cảnh ngập lụt…
Anh NGUYỄN THANH LONG, ngụ phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, Đồng Nai
Tôi chưa thấy bất kỳ dự án nào ở Việt Nam lại làm kiểu như dự án này. Trước đây, sông Đồng Nai đã xoáy mất một cù lao kéo dài từ cầu Ghềnh tới cầu Mới ngày xưa. Bây giờ dòng chảy thay đổi thì cả cái Cù Lao Phố có ai dám chắc là sẽ không bị xóa xổ khi mà dòng sông Đồng Nai bị xâm chiếm. Việc thực hiện một dự án lớn như vậy, các bộ (nhất là Bộ TN&MT), tỉnh, thành liên quan có biết không?
Ông HƯNG, một cán bộ nghỉ hưu, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai
Ban đầu có nghe về việc xây dựng ven sông Đồng Nai nhưng đều nghĩ chính quyền địa phương cho cải tạo xây dựng bờ kè để tạo cảnh quan đô thị. Nhưng khi thấy cả trăm xe chở cát đá đổ lấp sông, máy xúc máy ủi chạy ầm ầm thì người dân nơi đây mới tá hỏa biết được dự án xây nhà cao tầng, kinh doanh thương mại.
Một số gia đình nằm trong quy hoạch phải di dời
NHÓM PV Báo Pháp luật TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét