Dự án sân bay Long Thành:
"Cần xem xét lại con số giảm 2,9
tỷ USD"
"Trước thông tin mới của Bộ GTVT, chúng tôi cho rằng
sự thật về con số giảm 2,9 tỷ USD cần phải được xem xét lại", TS Nguyễn
Bách Phúc nêu vấn đề.
Tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự án
sân bay Long Thành lại được đưa ra để lấy ý kiến các thành viên ủy ban. Đây
là bước chuẩn bị để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án này tại
kỳ họp thứ 9 diễn ra vào cuối tháng 5/2015.
Báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án sân bay quốc tế
Long Thành mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết
vốn đầu tư dự án sẽ giảm khoảng 2,9 tỷ USD, từ 18,7 tỉ USD xuống còn 15,8 tỉ
USD. Con số giảm là do rà soát và tính toán chi tiết hơn, điều chỉnh giảm quy
mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư, giảm các hạng mục do chỉ đầu
tư một đường hạ cất cánh trong giai đoạn I, không đưa vào dự án các hạng mục
triển khai theo phương án xã hội hóa...
Dự án này vẫn sẽ có 3 giai đoạn. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc xây dựng là cần thiết vì sản lượng hàng không từ nay đến năm 2030 cả về hành khách, hàng hóa và số chuyến đều tăng trên dưới 6%. Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, các thông tin trên mới chỉ là báo cáo tiền khả thi để trình Quốc hội xin chủ trương chung để đầu tư dự án này. Sau khi Quốc hội đồng ý sẽ có báo cáo khả thi giải đáp các băn khoăn trên, bao gồm cả đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, gửi đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, TS Nguyễn
Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM
(HASCON),
Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI cho rằng: "Sự thật về con số giảm 2,9 tỷ USD cần phải được xem xét lại".
Chúng tôi xin gửi đến độc giả nguyên văn bài viết của TS
Nguyễn Bách Phúc dưới đây, bài viết thể hiện quan điểm của chính tác giả:
"Cần xem xét lại con số giảm 2,9 tỷ USD"
Trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 2 về
Dự án này sáng 26/2/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La
Thăng cho biết vốn đầu tư xây dựng sẽ giảm khoảng 2,9 tỉ USD (từ 18,7 tỉ
xuống còn 15,8 tỉ), chủ yếu do 3 nguyên nhân: Một là rà soát, tính toán chi
tiết, điều chỉnh giảm quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định
cư; hai là chỉ đầu tư một đường hạ - cất cánh trong giai đoạn I; ba là không
đưa vào dự án các hạng mục triển khai theo phương án xã hội hóa...
Chúng tôi trước đây đã nhiều lần có ý kiến phản biện về dự án
này, hiện nay trước thông tin mới của Bộ GTVT, chúng tôi cho rằng sự thật về
con số giảm 2,9 tỷ USD cần phải được xem xét lại.
Thứ nhất, Bộ GT-VT điều chỉnh quy mô, phạm vi giải phóng
mặt bằng và tái định cư giảm từ 5.000 ha (toàn bộ diện tích quy hoạch) xuống
còn 2.750 ha (chỉ tính phần đất cần thiết cho các hạng mục thiết yếu của cảng
hàng không, sân bay, không tính diện tích đất dành cho quốc phòng khoảng
1.050 ha và không tính diện tích dành cho các hạng mục phụ trợ, khu công
nghiệp hàng không khoảng 1.200 ha). Kinh phí này trong dự án ban đầu với 5000
ha là 989,04 triệu USD, nay điều chỉnh mới còn 2750 ha, kinh phí mới là 454
triệu USD. Từ đó Bộ GTVT cho rằng kinh phí cho dự án mới đã giảm được: 989,04
– 454 = 535,04 triệu USD.
Lập luận như vậy là chưa thuyết phục, bởi trên thực tế dù
có tách quỹ đất cho quốc phòng và cho các hạng mục phụ trợ, khu công nghiệp
hàng không thành đề án riêng, thì quỹ đất cho công trình Long Thành Bộ GTVT
vẫn giữ như cũ, vẫn phải GPMB 5.000 ha. Nguồn tiền mà Bộ GTVT gọi là “giảm
đầu tư 535,04 triệu USD” này chẳng qua chỉ là “gạt” tiền nhà nước từ chỗ này
sang chỗ khác mà thôi. Cuối cùng thì Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ các công
trình ở Sân bay Long Thành vẫn sẽ không giảm
Bộ GTVT còn lý giải sẽ giảm thêm được 1.750 tỉ đồng chi phí GPMB (từ 11.250 tỉ đồng xuống còn 9.540 tỉ đồng), bằng phương án tiến hành trả tiền GPMB một lần cho cả hai giai đoạn. Dự án trước dự toán chia việc GPMB làm 2 giai đoạn, tổng cộng hết 11.250 tỉ đồng. Nay nhờ “sáng kiến” trả luôn 1 lần ngay từ đầu, chỉ hết 9.540 tỉ đồng. Tại sao trả một lần lại giảm giá? Bộ GTVT giả thích: do không phải tính thêm chi phí trượt giá và lạm phát ở giai đoạn 2 như Dự án trước.
Thực ra không ai lại đưa ra giải pháp kinh tế kỳ lạ như
thế. Bởi giai đoạn I dự án chỉ cần 1.165 ha đất với kinh phí GPMB ước tính
khoảng 4.042 tỉ đồng, tại sao phải bỏ ra thêm 5.498 tỉ để lấy luôn 1.585 ha
của giai đoạn II, rồi bỏ không suốt 5 năm (trường hợp giai đoạn 1 hoàn thành
theo đúng tiến độ dự kiến là 5 năm)?
Thử hỏi, nguồn vốn 5.498 tỉ đồng nằm chết 5 năm này, nếu đưa vào
kinh doanh, trong 5 năm sẽ đưa lại bao nhiêu lợi nhuận cho ngân sách, cho đất
nước?, chắc chắn là phải lớn hơn 1.750 tỉ đồng trượt giá và lạm phát. Bộ GTVT
tính toán như thế là tăng chi phí chứ không phải giảm chi phí.
Thứ hai, Bộ GTVT còn khẳng định, kinh phí giảm còn do trong
Dự án mới chỉ xây dựng một đường hạ-cất cánh trong giai đoạn I, còn đường số
hai sẽ xây dựng trong giai đoạn II. Chuyển công việc và chi phí từ giai đoạn
I sang giai đoạn II, sao lại gọi là giảm chi phí công trình?
Nhân chuyện chỉ 1 đường băng của Long Thành, xin lưu ý một
chuyện như sau: Tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam Đinh Việt
Thắng khẳng định: Sân bay Long Thành dù chỉ còn một đường hạ-cất cánh trong
giai đoạn I vẫn có thể đảm bảo 254.000 lần hạ-cất cánh mỗi năm, công suất tối
đa có thể đạt 38 triệu lượt hành khách/năm. Tuy nhiên, dường như ông Đinh
Việt Thắng quên mất rằng các ông từng khẳng định sân bay Tân Sơn Nhất không
thể quá 25 triệu lượt hành khách/năm, trong khi Tân Sơn Nhất đang có 2 đường
băng đạt tiêu chuẩn quốc tế, xấp xỉ đường băng của Long Thành!
Chúng tôi đã nhiều lần phân tích, sân bay Tân Sơn Nhất với
hai đường băng hiện có, chỉ cần đầu tư chưa đầy 2 tỉ USD là có thể đạt tối
thiểu 56 triệu hành khách/năm, còn đầu tư 3 tỷ USD là có thể đạt 75 triệu
hành khách/năm, chứ không cần đến 5,2 tỉ USD để xây dựng sân bay Long Thành
giai đoạn I với một đường băng chỉ để đưa đón 38 triệu lượt khách/năm.
Thứ ba, giảm vốn đầu tư nhờ không đưa vào dự án các hạng
mục triển khai theo phương án xã hội hóa... Với lập luận này của Bộ GTVT,
buộc phải hiểu rằng con số giảm đầu tư mà Bộ đưa ra, chẳng qua chỉ là giảm
phần tiền đầu tư của ngân sách nhà nước, chứ không phải là giảm tiền đầu tư
của toàn công trình. Lưu ý rằng, tiền đầu tư cho công trình, dù là tiền ngân sách
nhà nước hay tiền của tư nhân, thì đều nằm trong nguồn lực của quốc
gia, vấn đề cơ bản là nguồn lực quốc gia đầu tư vào công trình nào, có thực
sự hiệu quả, có thực sự mang lại lợi ích cho quốc gia hay chỉ là lãng phí vô
ích?. Đó mới là điều trọng yếu nhất cần phải suy nghĩ.
“Nâng cấp Tân Sơn Nhất hay xây mới Long
Thành?”
Thời gian qua công luận rất sôi nổi về sân bay Long Thành.
Theo chúng tôi hiểu, công luận có thể chia thành 2 phái, một bên kiên quyết
xây mới sân bay Long Thành, một bên chứng minh xây sân bay Long Thành là chưa
cần thiêt, và hoàn toàn có thể nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, thỏa mãn nhu
cầu vận tải hàng không của miền Nam trong 50 năm tới.
Ngày 12/12/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gặp và nghe ý
kiến của một số chuyên gia về Dự án này, tại Nhà khách của quốc hội ở TP.HCM.
Cuộc họp do ông Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban
kinh tế của Quốc hội chủ trì, có sự tham gia của nhiều cán bộ cao cấp của
Trung ương, trong đó có Thứ trưởng Bộ GTVT. 13 chuyên gia ở miền
Tuy nhiên, trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
lần thứ 2 về Dự án sân bay Long Thành sáng 26/2/2015, Bộ Giao thông Vận tải
vẫn kiên trì quan điểm sẽ trình Quốc hội nhằm xin chủ trương đầu tư xây dựng
dự án này. Chúng tôi rất mong, những ý kiến của mình sẽ được phân tích, đánh
giá công khai nhằm đưa ra phương án tối ưu nhất cho cả dự án xây mới sân bay
Long Thành cũng như cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất".
|
Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét