Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

 CHẶT CÂY XANH: HÀ NỘI VI PHẠM LUẬT THỦ ĐÔ
Cập nhật lúc 10:31
LS Hoàng Nguyên Hồng cho rằng: “Chính sự lỏng lẻo trong công tác quản lý đã dẫn đến tình trạng hơn 6.700 cây xanh bị đốn hạ hàng loạt. Điều này đã vi phạm vào Luật Thủ đô. Hay nói cách khác, đây là một vụ phá hoại cây xanh”.
Trao đổi với PetroTimes, LS Hoàng Nguyên Hồng, Ủy viên Trung Ương hội phát triển Khoa học phát triển nhân lực và nhân tài Việt Nam, nguyên chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay: Việc UBND TP Hà Nội cho phép chặt hạ 6.700 cây xanh đã có dấu hiệu vi phạm Luật Thủ đô.
Phải làm rõ trách nhiệm trong vụ “ hủy diệt 6700 cây xanh của thủ đô”  
LS Hoàng Nguyên Hồng- nguyên chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Lý giải điều trên, LS Hồng phân tích: Tại khoản 1, Điều 14, Nghị định 64/2010 của Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị, đã nêu rõ: “Điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị: a) Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đỗ gây nguy hiểm; b) Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; c) Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình”.
“Nếu chủ trương chỉ dừng lại ở việc duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, thay thế dần những cây không đủ tiêu chuẩn thì hoàn toàn đúng đắn. Nhưng việc ông chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện cho khai thác trắng “giết hại” cây xanh ồ ạt, trong đó có nhiều cây khỏe mạnh và quý hiếm về gen khiến cho dư luận không khỏi bức xúc”, ông nói.
Theo LS Hồng, cây xanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của đô thị, ngoài khả năng làm sạch môi trường, giảm nhiệt độ, tiếng ồn, tạo nét thẩm mĩ cho các công trình kiến trúc, cây xanh còn giúp cải thiện sức khỏe của con người. Phải mất hàng chục năm nuôi dưỡng một cái cây mới trưởng thành và có đóng góp cho xã hội. Chặt phá hàng loạt cây xanh sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, môi sinh, cảnh quan đô thị.
Phải làm rõ trách nhiệm trong vụ “chặt 6700 cây xanh của Thủ đô” 
Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bị chặt hạ không thương tiếc.
Bên cạnh đó cây xanh còn mang ý nghĩa về mặt tâm linh. Những cây có tuổi đời lâu năm do ông cha ta trồng từ ngàn xưa, nay chặt đi là có lỗi với những người đi trước. Ở nước ngoài có quy chế bảo vệ cây rất nghiêm ngặt thậm chí khi xây dựng đường người ta phải “bóp méo” con đường để tránh cây xanh.
Cũng theo Luật sư Hồng, tại Điều 14 Luật Thủ đô quy định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị nêu rõ: “UBND TP Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị phù hợp với điều kiện thực tế để lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Xét theo luật này dự án thay thế cải tạo cây xanh trước khi được thực hiện phải báo cáo thủ tướng trước chứ không được tự ý làm.
“Ước tính chỉ trong vài ngày qua hàng trăm cây đã bị “giết chết” không thương tiếc, khiến các con đường như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh… gần như trở nên “trơ trụi”. Như vậy dù núp dưới danh nghĩa nào thì đây là một hành động phá hoại cây xanh.
Hiện nay luật bảo vệ và phát triển rừng không chi phối cây xanh đô thị nên khi chặt hạ cây không cần sự giám sát của bên Lâm Nghiệp mà do Sở xây dựng Hà Nội phối hợp với công ti môi trường tự quyết. Chính sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, không tuân thủ Luật Thủ đô dẫn đến tình trạng hơn 6700 cây xanh đã và đang bị chặt phá”, LS Hồng thẳng thắn.
Trả lời về câu hỏi có khuất tất gì từ việc xã hội hóa thay thế cây hay không? Ai là người được hưởng lợi từ chủ trương này?, LS Hoàng Nguyên Hồng cho hay: “Dự án với ngân sách lên tới 73 tỉ đồng cùng cách làm ồ ạt khai thác trắng hàng ngàn cây xanh đủ yếu tố để cấu thành nghi vấn có lợi ích nhóm tri phối trong vụ việc này. Chiếu theo Luật Thủ đô và Luật Phòng chống tham nhũng cần thiết phải làm rõ sai phạm để truy cứu trách nhiệm của cá nhân hay tập thể (theo đúng quy định của luật pháp). Trước hết phải xem xét ai là người đã đề xuất dự án, ai là người đã kí quyết định phê duyệt dự án, các nhà đầu tư là ai, họ thu được lợi nhuận gì từ vụ việc này. Và để làm được điều đó rất cần đến sự thẳng thắn, minh bạch, kiên quyết của những người đứng đầu thành phố”.
(Theo Petrotimes) Phạm Hằng – Thảo Phượng tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét