Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Đường trượt tới lỗ "khủng" của Vinafood2

 Cập nhật lúc 16:12            

Bất chấp mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 4,2%/năm đã được Chính phủ phê duyệt, trong 4 năm gần đây, lợi nhuận của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) liên tiếp “phú quý giật lùi” từ 1.450 tỷ đồng (năm 2010) xuống 300 tỷ đồng (năm 2012)…

 

Những ngày gần đây, câu chuyện “lỗ khủng” của Vinafood2 đã khiến dư luận xôn xao. Theo đó, trong tổng số 44 công ty thành viên (14 doanh nghiệp trực thuộc và 30 doanh nghiệp liên kết) thì có tới 19 doanh nghiệp (DN) thua lỗ chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013. Số tiền thua lỗ và nợ khó đòi hiện lên tới gần 1.000 tỷ đồng, trong đó nhiều DN đứng trước bờ vực phá sản
Lý giải về các khoản lỗ này, ông Trương Thanh Phong- nguyên Tổng giám đốc Vinafood2- đã từng thừa nhận, từ năm 2012 đã có một số DN thành viên của Vinafood2 báo lỗ như các công ty lương thực An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu. Sang năm 2013 có thêm các công ty lương thực Bạc Liêu, Bình Tây, Trà Vinh… báo lỗ.
Ngoài ra, nhiều công ty trực thuộc Vinafood2 cũng bị các DN khác chiếm dụng vốn. Điển hình là trường hợp các công ty lương thực Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu bị Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà chiếm dụng khoảng 400 tỷ đồng. Thực tế này góp phần làm thất thoát nguồn vốn kinh doanh và gây ra lỗ lớn ở các DN thành viên Vinafood2.
Quá trình hoạt động của Vinafood2 trong giai đoạn 2010- 2013 cho thấy, lợi nhuận đạt cao nhất 1.450 tỷ đồng vào năm 2010 và liên tiếp các năm sau sụt giảm nghiêm trọng: Năm 2011: 1.129 tỷ đồng; năm 2012: 300 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, số tiền thua lỗ và nợ khó đòi lên tới gần 1.500 tỷ đồng.
Tính chung đến nay, số tiền thua lỗ và nợ khó đòi của Vinafood2 có thể đã ở mức 1.400 - 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng thua lỗ này chỉ được thừa nhận khi các cơ quan truyền thông trong nước phản ánh, trước đó Vinafood2 vẫn báo có lãi hàng năm và việc thua lỗ ở nhiều DN chỉ được xử lý nội bộ bằng hình thức khiển trách.
Trước tình trạng lỗ “khủng” của Vinafood2, nhiều ý kiến cho rằng, đó là do Vinafood2 đã cố tình giảm lãi để gián tiếp ảnh hưởng đến việc cổ phần hóa các công ty thành viên. Vì bắt đầu từ cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinafood2. Theo lộ trình, đến hết năm 2015, Vinafood2 phải thoái vốn khỏi 18 DN và các tổ chức tín dụng; sắp xếp, đổi mới 14 công ty con trực thuộc và 13 công ty mà Vinafood2 chiếm giữ từ 51- 100% vốn điều lệ. Do đó, việc giảm lãi trước hết ở các công ty lương thực cấp tỉnh và các công ty Vinafood2 giữ 100% vốn điều lệ sẽ làm giá tài sản ở các DN này thấp hơn thực tế, tạo điều kiện để các cán bộ chủ chốt của Vinafood2 mua được nhiều cổ phần (?).
Trước nghi vấn này, ngay từ thời điểm năm 2012, khi còn là Tổng giám đốc Vinafood2, ông Trương Thanh Phong đã từng “không bình luận gì thêm”. Song theo ông Nguyễn Kim Đức- Giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá EIC Việt Nam- thì nghi vấn này hoàn toàn có thể. Vì hiện nay, hoạt động thẩm định giá DN nhà nước để cổ phần hóa có nhiều bất cập do hầu hết các công ty thẩm định giá của Việt Nam còn yếu kém. Thêm vào đó, hoạt động thẩm định giá chủ yếu sử dụng phương pháp định giá tài sản, ít sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu và phương pháp định giá tài sản vô hình. Do đó, việc thẩm định giá chỉ mang tính tương đối, chưa phản ánh đúng giá trị thực của DN.
(Theo Công Thương) Mai Ca

Hãy giải tán những DN mang danh Nhà nước, hưởng mọi ưu đãi nhưng thua lỗ triền miên này đi. Vinafood2 thực ra cũng chỉ là một "con buôn" đúng nghĩa, đang "ngồi" trên vai nông dân trồng lúa. Lẽ ra với ưu thế độc quyền họ phải "phất lên" mới phải.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét