Chi 10.000 tỷ xây nhà
hát: Đầu tư cho... đám cưới thuê!?
Cập nhật lúc 07:48
(Tin tức thời sự) -
"Vừa qua tôi có dự hội thảo ở Nghệ An. Một hội thảo lớn như vậy còn phải
dẹp xuống nhà xập xệ, rồi nhường chỗ cho đám cưới".
Đó là nhận định của GS Ngô Đức Thịnh- Nguyên Viện trưởng
Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam chia sẻ trước việc Bộ VHTT&DL đưa ra đề
án chi hơn 10 ngàn tỷ đồng cho việc xây mới và trùng tu nhiều nhà hát trên cả
nước.
Làm đề án vì rút được lõi
PV: - Bộ VHTT&DL vừa đưa ra đề án
đầu tư xây mới và trùng đại tu lại 71 nhà hát trên cả nước với tổng vốn đầu
tư lên đến hơn 10 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, thực tế hiện nay, các sân khấu
nhà hát không thể sáng đèn hàng đêm vì không có khan giả. Ông đánh giá tính
thực tế của đề án này như thế nào, thưa ông?
GS Ngô Đức Thịnh: - Hiện nay hoạt
động các nhà hát đang rất kém, tất nhiên nó do nhiều yếu tố tác động. Ví dụ
như, đời sống văn hóa bây giờ đã thông qua nhiều hình thức như truyền
hình, Internet, nên việc đến nhà hát bị hạn chế.
Nói như vậy không có nghĩa là không cần
đến nhà hát, vì nhà hát vẫn có chức năng, nhiệm vụ của riêng mình, nhưng mà
do chúng ta xây dựng những chương trình, hiệu quả, chất lượng kém nên không
thu hút được khán giả. Trong khi đó hiện nay, kể cả những nhà hát đã xây
dựng hoạt động cũng không hiệu quả.
Chính vì vậy, tôi rất sợ những cái quy
hoạch chỉ xây dựng, những đề án tốn kém mà không hiệu quả. Chuyện thất thoát,
tham ô, lãng phí nó từ những đề án mà ra, nên các nhà lãnh đạo rất thích đề
án.
Đề án nếu làm tốt nó thành cái gì thì
tốt, còn nếu không nó sẽ ở chiều ngược lại, nhưng phải xem thực tế, đất nước
còn thiếu cái gì thì hãy đầu tư.
Như Asiad 18 vừa qua cũng vậy, trong
khi tình hình kinh tế khó khăn, mà đưa ra đề án tốn kém. Trong khi dân nghèo,
bệnh viện thì đông đúc, không thể phủ nhận mấy huy chương vàng thì
cũng quý cả, nhưng chắc có đạt được không.
Đưa ra đề án chẳng qua là muốn lấy %
theo cái kiểu hình thức. Trong khi đó, đầu tư công dẫn đến nợ công, cuối cùng
ai chịu, dân chịu chứ ai.
Vì thế, nên làm cái gì cũng phải thực
tế, cả một hệ thống nhà hát ở các huyện, thành phố, ngay chương trình nhà văn
hóa làng xã đầu tư nhiều mà hiệu quả cũng kém. Tôi khẳng địnhh những công
trình đó là cần thiết, nếu nó phục vụ được đời sống văn hóa người dân.
PV:- Còn nhớ, Thái Nguyên cũng có tới 4
nhà hát mà bỏ hoang cả bốn, rồi các nhà văn hóa xã hiện nay xây ra cũng chỉ
để tiếp khách và tổ chức hội nghị, thậm chí để tổ chức đám cưới.
Giờ đây, chúng ta lại chi hơn 10 ngàn
tỉ đồng để nâng cấp, trùng tu, xây mới có phải vì chúng ta dự đoán nhu cầu
hưởng thụ văn hóa nhà hát của dân sẽ tăng vọt nên phải đón đầu đáp ứng?
GS Ngô Đức Thịnh: - Tổ chức hội
nghị, đám cưới còn tốt, có nơi còn trở thành chuồng bò, chuồng trâu,
chăn nuôi gia súc. Bây giờ lại đầu tư nhà hát, trong khi hát thì không ai
xem, dẫn đến thua lỗ, cuối cùng xây thêm cũng không để làm gì.
Đưa ra đề án, ai cũng nói cần cái này,
cần cái kia, nhưng toàn những đề án buồn cười, ngớ ngẩn. Trong khi, phải biết
con người cần nhất là cái gì, đầu tiên chính là sức khỏe, thế thì nhu
cầu bệnh viện là quan trọng nhất, giúp người dân bảo vệ, giữ gìn sức khỏe,
chuyện đó còn quan trọng hơn gấp nhiều lần những thứ huy chương hão.
Hay cho đến sự nghiệp đi tìm con chữ,
của biết bao trẻ em vùng cao, vùng khó khăn còn lắm gian nan, chúng cần một
cây cầu qua suối dù nhỏ nhưng cũng đủ để không phải chui vào túi nilon qua
cầu. Hơn nữa, nó cũng không phải đi qua những cây cầu tạm để tìm con chữ. Cho
nên tôi thấy Bộ VH TTDL gần đây có nhiều chủ trương rất kỳ quái.
Còn tôi thấy, Bộ VHTTDL không
có dự đoán, cũng không thăm dò, khảo sát gì, thích thì xây, xây để kiếm
chác. Nhà hát bỏ không thì nhiều, chuyên dành cho tổ chức đám cưới, còn tranh
chỗ với tổ chức hội thảo quốc tế. Thậm chí, các hội thảo còn phải nhường chỗ.
Vừa qua tôi có dự hội thảo ở Nghệ An. Một hội thảo lớn như vậy còn phải
dẹp xuống nhà xập xệ, rồi nhường chỗ cho đám cưới. Quá kỳ cục!
Các công trình có xác mà không
có hồn
PV:- Hiện chúng ta đã có 71 nhà hát.
Việc xây thêm như vậy chẳng lẽ phải hiểu là cách Bộ văn hóa muốn phổ biến nhà
hát theo đầu dân theo kiểu “tính cua trong lỗ”? Nếu không như vậy, theo dự
đoán của ông, lý do thực khiến Bộ đưa ra đề án này là gì?
GS Ngô Đức Thịnh: - Thực ra mà nói
các nhà hát, các nhà văn hóa là một trong những thiết kế văn hóa rất cần,
nhưng phải theo nhu cầu, nhưng không phải cần mà mọc lên, đóng cửa để đó, mà
cần thực sự để hoạt động.
Cụ thể như cái bảo tàng Hà Nội xây lên
để làm gì, từ khi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - HN đến nay đều để không. Vậy
xây để làm gì, có bao giờ nghĩ đến chuyện đó?
Tôi cũng không biết lý do cụ thể, nhưng những đề án
quái gở này, nó thể hiện cái lợi ích cục bộ, chỉ thích đề án, để
ngốn tiền nhà nước. Chả cần suy xét cái gì ghê gớm, nhà hát lớn mà người dân
không đến thì xây làm gì.
Và bản thân tôi tin chắc đây không phải
là một nhu cầu gì, chẳng qua, chỉ là sự ngông cuồng, hay nhìn
thấy nước này, nước kia mà cũng chạy theo, chứ điều tra, nghiên cứu thực tế
gì.
Vì vậy, đây chính là vấn đề lãng phí,
xây dựng không trên một yêu cầu thực tế nào, chỉ dành cho địa phương của
mình, mang tính cục bộ, tất cả đều là thiết chế văn hóa, có xác mà không có
hồn.
PV:- Chúng ta đã có những bài học về
chuyện lãng phí những công trình xây dựng như những công trình phục vụ Đại lễ
1000 năm Thăng Long: bảo tàng Hà Nội, rạp Đại
GS Ngô Đức Thịnh: - Đầu tiên, là do
sai nhưng không ai chịu trách nhiệm, cứ hòa cả làng, đôi khi không tìm ra
nguyên nhân, thì làm sao mà xử lý được. Đáng lẽ, làm không có hiệu quả thì
anh phải chịu trách nhiệm.
Tại sao cứ chỉ nói chống đầu tư
công chặt chẽ, chống lãng phí, tham ô mạnh mẽ, nhưng hành động cũng chỉ thế,
lợi ích địa phương, lợi ích nhóm xen vào, nợ công ngày càng lớn lên, cuối
cùng người dân phải chịu.
Theo tôi nguyên do là không có điều tra
khảo sát từ nhu cầu của người dân, do cục bộ địa phương, ai cũng muốn
dành miếng bánh ngon cho mình, thông qua đầu tư công để kiếm chác. Cuối cùng
người dân suốt đời khổ, nai lưng ra đóng, đi làm phải bỏ 10% đóng
thuế, rồi để một số cơ quan làm những công trình vô bổ.
Cứ bảo làm cho dân hưởng thụ, nhưng có
gì để hưởng thụ, nhà hát có hoạt động đâu mà phải thay đổi, ai bảo xây được
nhà hát thì đời sống nhân dân tốt lên. Từ cấp xã, thôn đến trung ương đã ai
làm được tốt.
Quản lý kém
PV:- Dường như đang có sự lệch pha giữa
tình hình thực tế và chiến lược dài hơi được những nhà quản lý vạch ra. Theo
ông, sự lệch pha này có nguồn gốc từ đâu, do những nhà quản lý “tính cua
trong lỗ” hay do bệnh thành tích?
GS Ngô Đức Thịnh: - Chính vì xã
hội này quản lý kém, cũng không quan tâm mà chỉ thích chuộc lợi, làm sao để
có tiền chạy vào túi, cái tư tưởng đó nó ăn sâu trở thành căn bệnh kinh
khủng, làm gì cũng cần tiền.
Có câu chuyện tôi được chứng kiến
và làm nhân vật trong cuộc. Tôi tham gia vào đội ngũ cùng làm một
triển lãm dùng tiền vốn nhà nước, nhưng khách rất ít. Sau khi tôi thắc mắc,
ông giám đốc, tổ chức chương trình lại điềm nhiên nói là quan trọng là nhà
nước đầu tư tiền cho làm, chứ còn khách đến nhiều hay ít thì quan trọng gì.
Tôi thực sự sửng sốt, vì đó còn là quan chức văn hóa.
PV:- Thời gian gần đây, các đơn vị
thuộc Bộ Văn hóa đưa ra nhiều kế hoạch phát triển văn hóa dựa trên việc xây
dựng cơ sở hạ tầng như việc quy hoạch nhà hát hay quy hoạch điện ảnh. Là một
người làm nghề, ông bình luận thế nào về phương cách phát triển bằng xây dựng
này của Bộ Văn hóa, thưa ông?
GS Ngô Đức Thịnh: - Đúng là đề án
xây dựng phim trường cổ trang cũng là một ví dụ cho sự lãng phí. Thực
tế có phim, có kịch bản đâu, cuối cùng toàn đi đóng phim ở nước ngoài,
còn có xây cũng chỉ dùng vài lần rồi bỏ không.
Sau đó, không ai bị phê bình, không ai chịu trách nhiệm,
không ai bị xuống chức vì những cái ném tiền qua cửa sổ.
Nếu cứ tiếp tục chuyện này, thì sẽ chẳng bao giờ có văn
hóa đích thực, có tiền nhưng không có văn hóa. Tôi vẫn nhớ nhà văn Chu Lai,
trong phiên họp kiểm điểm Nghị quyết TW5, ông đã phản đối
việc nhà nước muốn trợ cấp các nhà văn.
Ông phân tích, nếu làm như vậy thì làm sao có văn học hay,
họ viết, họ làm là do nhu cầu, đó là say mê, là nghề nghiệp của họ. Đừng đưa
tiền ngồi chờ tác phẩm văn học hay, hãy đợi đến lúc họ sáng tác
xong thì thưởng.
Phải quy trách nhiệm về nhiều mặt kể cả kinh tế lúc đó sẽ
phải xét duyệt trên cơ sở luận cứ, kế hoạch rõ ràng. Đất nước thì còn nghèo
mà lại vung tiền một cách vô tội vạ như vậy, có đáng không?.
(Theo Đất Việt)
Thanh Huyền thực hiện
|
Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét