Thời điểm chín
muồi để đưa ra Liên Hiệp Quốc
Cập nhật lúc 08:04
TT
- Không thể chần chừ được nữa, đây là cơ hội chín muồi để đưa vụ
việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở Việt Nam ra Liên Hiệp
Quốc. Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn, nguyên phó chủ tịch Ủy ban hòa bình Việt Nam,
khẳng định.
Cựu đại sứ Võ Anh
Tuấn - Ảnh: Hữu Khoa
Theo ông Võ Anh Tuấn, có nhiều phương
thức khác nhau để bảo vệ Tổ quốc, trong đó đấu tranh ngoại giao là một “vũ
khí” rất hiệu quả mà Việt Nam đã vận dụng thành công trong các cuộc chiến
tranh.
* Theo ông, chúng ta nên sử dụng cụ thể
“vũ khí” ngoại giao trong tình hình căng thẳng ở biển Đông này như thế nào?
- Về ngoại giao nhà nước, đây là thời
điểm tôi nghĩ phải đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc. Không thể chần chừ được
nữa, đây là thời cơ chín muồi rồi. Ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung
Quốc chắc chắn sẽ sử dụng quyền phủ quyết ngang ngược của mình. Nhưng không sao,
còn nhiều quốc gia khác lắng nghe chúng ta trình bày rõ ràng sự đúng đắn của
mình và sai trái của Trung Quốc. Các nước cũng có quyền đăng ký phát biểu và
dư luận thế giới càng hiểu rõ thêm. Điều đó rất tốt cho sự đúng đắn về pháp
lý và đạo lý của Việt Nam.
Ngoài Hội đồng Bảo an, chúng ta cũng nên đưa ngay vấn đề nóng bỏng này ra Đại
hội đồng Liên Hiệp Quốc. Đây là hành động ngoại giao rất cần thiết vào lúc
này. Tôi tin rằng trừ Trung Quốc, các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc
sẽ lắng nghe và ủng hộ Việt Nam.
* Nhưng Trung Quốc vẫn hay sử dụng “lá
bài” kinh tế để vận động các nước khác theo hướng có lợi cho mình?
- Có thể chỉ là tình thế nhất thời thôi.
Dù gì đi nữa thì cũng còn thái độ của chính nhân dân các quốc gia đó. Làm sao
có thể che giấu hoàn toàn sự thật được. Kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao
trong hai cuộc kháng chiến vừa qua cho thấy dù một số nhà cầm quyền có thể chống
Việt Nam,
nhưng nhân dân họ vẫn có thiện cảm và ủng hộ chúng ta. Lần này cũng vậy.
* Ông nghĩ gì khi chúng ta tiến hành đấu
tranh ngoại giao vào chính đất nước Trung Quốc?
- Lâu nay Trung Quốc thường che đậy sự
thật, thậm chí định hướng sự nhận thức sai trong nhân dân họ. Hồi chiến tranh
biên giới phía Bắc năm 1979, dân quân Trung Quốc còn không thể hiểu rõ tại
sao phải chĩa súng vào Việt Nam.
Việc đấu tranh ngoại giao vào chính Trung Quốc là rất khó khăn trước sự ngăn
chặn, xuyên tạc của họ, nhưng chúng ta vẫn có thể làm được. Chúng ta có thể
không làm được những cuộc hội thảo, mittinh, nhưng chúng ta sẽ vận động được
những người hiểu biết, các trang mạng khách quan, báo chí tôn trọng sự thật.
Đặc biệt, mình cần phải chủ động tiếp cận họ, cung cấp đầy đủ thông tin, bằng
chứng sự thật cho họ, chứ không thể chỉ thụ động ngồi chờ xem ngày mai họ sẽ
nói gì, viết gì về mình...
* Không chỉ nhiều Hoa kiều ở Việt Nam, mà người
dân Trung Quốc còn có mặt ở khắp thế giới. Ông nghĩ sao nếu chúng ta vận động
vào giới Hoa kiều ở nước ngoài?
- Tôi nghĩ rằng đây là một kênh rất tốt.
Bà con Hoa kiều ở Việt Nam
và thế giới không bị tuyên truyền, kích động sai như ở trong nước. Họ có cái
nhìn bình tĩnh, khách quan hơn. Chính nhận thức đúng đắn và tiếng nói của họ
sẽ góp phần tác động đến nhân dân ở trong nước Trung Quốc.
* Ngoài sự thật khách quan, theo ông,
đâu là nguyên nhân chúng ta đã sử dụng “vũ khí” ngoại giao thành công trong
lịch sử vệ quốc của mình?
- Đó là sự đoàn kết, toàn tâm, toàn ý
của các nhà lãnh đạo và nhân dân. Tất cả đều cùng mục tiêu, lý tưởng cao cả
nhất cho Tổ quốc mình. Thực tế, công tác ngoại giao của chúng tôi ngày trước
đâu có nhiều điều kiện thuận lợi như bây giờ, nhưng chúng tôi có sức mạnh đó của
dân tộc. Giờ là thời khắc lịch sử cần phải thổi bùng lên sức mạnh dân tộc này.
(Theo Tuổi trẻ) QUỐC VIỆT thực hiện
Trung Quốc cố tình áp
dụng sai luật biển
Bằng việc đưa giàn khoan vào khu
vực biển Đông ở vị trí tọa độ nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế
của Việt Nam, Trung Quốc đang cố tình giải thích và áp dụng sai các quy
định của Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982. Họ dựa vào tiêu chuẩn xác
định hiệu lực của các đảo, quần đảo mà cho rằng mình có chủ quyền nhằm vạch
ra một đường cơ sở bao quanh đối với các quần đảo đó. Từ đó Trung Quốc nhắm
đến việc tạo thành một vị trí nhằm mở rộng các vùng biển. Tuy nhiên, thực tế
các đảo mà Trung Quốc đang chiếm không phải là một quốc gia quần đảo và bản
thân các đảo này là các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Rõ
ràng Trung Quốc đã và đang cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước về Luật
biển để thực hiện mưu đồ xâm lược của mình.
Theo quy định tại điều 287 Công
ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển và từ kinh nghiệm của Philippines,
Chính phủ ta có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về Luật
biển của Liên Hiệp Quốc về việc giải thích và áp dụng công ước. Theo quy
định tại điều này và phụ lục 7 của công ước về quá trình vận hành của tòa
trọng tài thì kể cả trường hợp Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện thì tòa
trọng tài vẫn được thành lập và việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện cũng
không ảnh hưởng đến quyết định của Tòa trọng tài quốc tế về Luật biển của
Liên Hiệp Quốc. Thông qua đó, chúng ta sẽ làm cho các hành động phi pháp
của Trung Quốc sẽ bị công khai và hình ảnh nước lớn sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
LS NGUYỄN VĂN HẬU
(phó chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM)
|
Nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam trao
đổi về tình hình biển Đông
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề
kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho biết: “Hôm
nay (27-5), đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ do chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình
Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ sang thăm và làm việc
tại Việt Nam. Nội dung tham gia lần này có nhiều vấn đề, trong đó có nội
dung tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ;
thứ hai là tìm hiểu xem xét thái độ, chủ trương của ta đối với vấn đề biển Đông
vừa rồi; thứ ba là tìm hiểu việc triển khai Hiến pháp của ta, đặc biệt là
vấn đề nhân quyền”.
“Đối với vấn đề biển Đông, chúng
ta sẽ trao đổi để họ nắm rõ căn cứ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với
biển Đông và các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa” - ông Hằng nói.
“Quốc hội Mỹ vẫn chưa đồng ý với
việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này,
hai bên có đề cập đến vấn đề này không, thưa ông?” - phóng viên Tuổi Trẻ
hỏi. Ông Hằng trả lời: “Tôi nghĩ rằng hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối
tác toàn diện. Việt Nam
cũng đã chuẩn bị ký TPP, không có lý do gì để Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục cấm
bán vũ khí sát thương cho Việt Nam”.
Kiến nghị Mỹ trừng phạt
Trung Quốc
Từ ngày 13-5, trên trang web của
Nhà Trắng xuất hiện một bản kiến nghị chính quyền Tổng thống Mỹ Barack
Obama trừng phạt Trung Quốc vì việc nước này đặt giàn khoan trái phép trong
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (https://petitions.whitehouse.gov/petition/put-sanctions-china-invading-vietnam-territory-deployment-oil-rig-haiyang-981/p2b7Rnnv).
Bản kiến nghị, do một người có tên
trên mạng là T.D., đến từ San Diego, California (Mỹ), viết: “Chúng tôi,
người Việt Nam khắp thế giới, kêu gọi Nhà Trắng đưa ra các biện pháp cấm
vận nghiêm ngặt đối với Trung Quốc vì đã xâm phạm trắng trợn luật pháp quốc
tế và biên giới lãnh thổ bằng việc đưa giàn khoan khổng lồ và xâm hại môi
trường Hải Dương 981 tới vùng biển Việt Nam”.
Người viết kiến nghị khẳng định
chỉ những lời lên án là không đủ. “Chúng tôi cần Nhà Trắng xem xét các biện
pháp trừng phạt kinh tế Trung Quốc. Đó là cách duy nhất để phản đối có hiệu
quả”. Để được Nhà Trắng xem xét, kiến nghị này phải thu hút đủ 100.000 chữ
ký trước ngày 12-6. Tính đến tối qua, bản kiến nghị đã thu hút hơn 77.000 chữ
ký. Như vậy, nó cần hơn 22.000 chữ ký nữa trước ngày 12-6.
Hàng loạt trang blog mạng xã hội
tại Việt Nam và các nước cũng đã quảng bá bản kiến nghị này với những hướng
dẫn cụ thể cách truy cập trang web Nhà Trắng, dùng địa chỉ thư điện tử
chính thức để đăng ký, tạo tài khoản và ký vào bản kiến nghị.
L.KIÊN - H.TRUNG
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét