Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Đã xuất hiện những giọng  cường quyền đế quốc trong giới lãnh đạo Bắc Kinh
Cập nhật lúc 13:46

(PetroTimes) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014) với chủ đề “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều” tại Philippines được dư luận quan tâm bởi có khoảng 450 đại biểu là chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực tham dự.
Và trước đó (chiều 21/5), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu tại cuộc họp báo chung thông báo về kết quả cuộc hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino, trong đó nhấn mạnh tới việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.
Giải quyết hòa bình tranh chấp kiểu Trung Quốc
Ngày 21/5, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, sẽ cùng các nước liên quan giải quyết hòa bình những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Nhưng ông Tập Cận Bình cũng đưa ra cảnh báo đối với Mỹ và một số nước khác - các quốc gia không nên tăng cường liên minh quân sự để chống lại Trung Quốc, dù Bắc Kinh có mâu thuẫn với láng giềng về tranh chấp lãnh thổ.
Cũng trong ngày 21/5, tờ Washington Post bình luận, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam, nhưng hiện vẫn chưa có công cụ nào hữu hiệu để “đuổi họ” ra khỏi khu vực này. Cùng ngày 21/5, một số tờ báo lớn của Singapore đăng bài trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Nhật Bản Nikkei của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, theo đó ASEAN - Trung Quốc là quan hệ đa diện và Biển Đông là một mặt của mối quan hệ này. Bởi ASEAN đang thảo luận COC với Trung Quốc, sau khi ký DOC.
Chiều 19/5, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tiếp tục vu cáo Việt Nam gây rối và phá hoại hoạt động bình thường của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, đồng thời cao giọng thách thức: Không phải ai đó muốn cản là cản được. Việt Nam đừng phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác thành đại sai lầm?!
Dư luận cũng quan tâm tới phát ngôn hiếu chiến của tướng quân đội Trung Quốc về hưu La Viện khi tờ Nhân Dân nhật báo dẫn lại lời lẽ hung hăng và ngang ngược của ông này: Bắc Kinh sẽ đưa hàng trăm giàn khoan đến Biển Đông trong tương lai; đồng thời kiến nghị Bắc Kinh phải áp dụng chính sách đối ngoại tương thích để ép buộc Việt Nam và Philippines phải tuân theo!? Ngày 21/5, tờ Huffington Post đăng bài phân tích của Nayan Chanda, biên tập viên tờ Yale Global: trong vụ giàn khoan HD-981, Trung Quốc đã lặp lại thủ đoạn muôn thuở, đục nước béo cò, ngư ông đắc lợi.
Ngày 20/5, tại cuộc điều trần trước Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về ngân sách hoạt động và viện trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ cho khu vực trong tài khóa 2015, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel cho rằng, hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông là một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước hữu quan. Ông Daniel Russel khẳng định, Trung Quốc muốn giành chủ quyền một cách phi pháp và việc xây dựng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động nhằm quân sự hóa các hòn đảo tranh chấp để làm cơ sở cho các yêu sách chủ quyền.
Các nghị sĩ và ông Daniel Russel đều cho rằng, hành động đơn phương hạ đặt giàn khoan HD-981 tại Biển Đông và sử dụng nhiều tàu thuyền, trong đó có tàu hải quân hộ tống đã và đang đe dọa tới hòa bình và an ninh, cũng như sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Hạ nghị sĩ Ami Bera cho rằng, nếu Washington không hành động, Bắc Kinh sẽ lấn tới trong tương lai.
Ngày 20/5, tờ Le Monde của Pháp đăng bài “Những mưu đồ đế quốc của Bắc Kinh khiến Việt Nam nổi giận”. Theo đó, sức mạnh đang lên của Trung Quốc không đơn thuần là kinh tế khi đường lối dân tộc chủ nghĩa song hành với hiện đại hóa quân đội, nhất là hải quân. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia và Giáo sư Ronald Clarke của Đại học Sydney cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bước đi nhằm củng cố tham vọng kiểm soát Biển Đông và Bắc Kinh cần ngừng những hành động tự ý như vậy.
Theo ông Carl Thayer, có nhiều động thái cho thấy Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông, kể cả hoạt động khai thác nguồn tài nguyên tại đây. Còn theo Giáo sư Ronald Clarke, hành động của Trung Quốc là thiếu tôn trọng láng giềng, nên chấm dứt ngay.
Ngang ngược áp đặt
Trung Quốc lại vừa ngang ngược áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đối với các tàu cá trong và ngoài nước trong vòng 2 tháng rưỡi, kể từ ngày 16/5 tại một số khu vực ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc buộc tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền tỉnh Hải Nam nếu muốn hoạt động nghề cá trong phạm vi 2 triệu km2 (2/3 diện tích Biển Đông) mà Trung Quốc coi là thuộc chủ quyền của mình. Dư luận cho rằng, lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc sẽ càng làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. Tại cuộc họp báo ngày 19/5, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn Liên Hiệp Quốc cho biết, căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được Tổng Thư ký Ban Ki-moon thảo luận với giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhân chuyến thăm nước này. Ông Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các bên phải kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
 
Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ
Ngày 19/5, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert khẳng định, sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu mang lại hiệu quả, góp phần định hình và xoay chuyển được các sự kiện, diễn biến trong khu vực. Được biết, có 51/289 chiến hạm của hải quân Mỹ đang có mặt tại Châu Á - Thái Bình Dương và con số này sẽ tăng lên 58 chiếc trong năm tới và 67 chiếc trước năm 2020. Trước đó, Hãng BBC dẫn lời cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Dennis Blair cho rằng, quân đội Trung Quốc dành 90% thời gian để suy nghĩ làm thế nào bắn hạ máy bay và tàu chiến Mỹ.
Trong bản tin chiều 19/5, Hãng CAN (Đài Loan) cho biết, sáng 19-5, ông Lâm Úc Phương đã chất vấn về việc Trung Quốc lấp biển ở bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và được biết, Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng công trình ở bến tàu thuộc bãi Gạc Ma, làm kênh dẫn nước dài 300m có thể cung cấp bến đỗ cho tàu cỡ lớn hoặc sau khi lấp biển quy mô lớn sẽ xây dựng bãi đỗ trực thăng và hạ tầng giám sát khác.
 
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa
Ngày 20/5, Hội nghị ADMM-8 ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã thông qua Chương trình công tác 3 năm (2014-2016) và ra Tuyên bố chung về “Hợp tác quốc phòng vì cộng đồng và thịnh vượng”. Tuyên bố chung của hội nghị nêu rõ, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ủng hộ các kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 và Tuyên bố chung Nay Pyi Taw về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, trong đó kêu gọi tăng cường hợp tác bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) như đã được thể hiện trong Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông. Việc Hội nghị ADMM-8 ra Tuyên bố chung về “Hợp tác quốc phòng vì cộng đồng và thịnh vượng”, trong đó kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Việt Nam trong việc phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trên vùng biển Việt Nam.
Lộ rõ mưu đồ độc bá Biển Đông
Ngày 19/5, tờ Wall Street Journal đặt câu hỏi, liệu Washington và Bắc Kinh có đang hành động giống như tuyên bố đã đưa ra - Mỹ khẳng định không cần phải cố gắng để kiềm chế Trung Quốc bởi quốc gia hơn 1,34 tỉ người cam kết “trỗi dậy hòa bình”, trong khi Trung Quốc đang ngày càng thể hiện quyết tâm thực hiện tham vọng phi lý ở Biển Đông, ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ tại khu vực này. Tờ China Daily Mail cho rằng, những hành động của Trung Quốc đã dấy lên mối lo ngại không những đối với 14 nước láng giềng có chung biên giới, mà nhiều quốc gia khác. Nhiều học giả Đài Loan, Hongkong cho rằng, Mỹ hy vọng can dự vào Biển Đông, trong khi Trung Quốc chờ thời cơ sinh biến.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham từng cảnh báo về những hành vi nguy hiểm của Trung Quốc. Còn nhà khoa học chính trị John Mearsheimer nhận định, trong tương lai, có thể sẽ có một cuộc cạnh tranh về an ninh hết sức căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, thậm chí không loại trừ khả năng có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, với việc đưa tàu đến Việt Nam đón công dân về nước, Bắc Kinh đang cố tạo ra hình ảnh họ mới là nạn nhân, trong khi dư luận quốc tế đều chống lại những bước đi hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án hành động sai trái của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc phải xây dựng COC để duy trì ổn định và tăng cường hiểu biết giữa các quốc gia trong khu vực.
Ngày 20/5, khi trả lời phỏng vấn tạp chí Phố Wall, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã phản bác một số quan điểm từng được Trung Quốc đưa ra để biện minh cho hành động leo thang tại Biển Đông, đồng thời cho biết, Indonesia sẽ can dự mạnh hơn nhằm giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng biển Việt Nam. Đồng thời khẳng định, hành động của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm DOC.


Ông Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc
Cũng trong ngày 20/5, Ngoại trưởng Canada John Baird bày tỏ lo ngại trước những căng thẳng gia tăng gần đây tại Biển Đông, làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực. Ngoại trưởng Singapore Shanmugam nhấn mạnh tới sự cần thiết phải gấp rút hoàn tất COC. Theo học giả Ian Storey, chuyên gia về chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore, sự chia rẽ đã tồn tại trong ASEAN và Trung Quốc rất chuyên nghiệp trong việc khai thác nó. Ngoài ra, sự thiếu thống nhất trong phản ứng của ASEAN càng kích thích Bắc Kinh theo đuổi mạnh mẽ hơn yêu sách của họ.
Theo tờ Phil Star, ngày 19/5, Tổng thống Benigno Aquino đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm DOC khi tiến hành cải tạo đất tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cùng ngày 19/5, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông phải duy trì các kênh thông tin liên lạc mạnh mẽ và liên tục nhằm bảo đảm ổn định trong khu vực.
Khi trả lời phỏng vấn Hãng Kyodo News, Đại sứ Philipines tại Nhật Bản Manuel Lopez cho biết, Manila muốn tăng cường hợp tác với Washington và Tokyo nhằm kiềm chế sự bành trướng trên biển của Bắc Kinh. Theo ông Manuel Lopez, Nhật Bản và Philippines đang có chung mâu thuẫn với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và bãi cạn Scabrough/Hoàng Nham, bãi Cỏ Mây và bãi Cỏ Rong trên Biển Đông.

Ngày 20/5, phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, đã ra thông cáo về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và gửi đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Geneva, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva.
Sau khi liệt kê cụ thể những động thái của Trung Quốc kể từ ngày 2/5, thời điểm Bắc Kinh đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thông cáo nêu rõ hành vi của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS, vi phạm DOC, cũng như thỏa thuận cấp cao hai nước…
Trước những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan HD-981 cùng một loạt tàu hỗ trợ ra khỏi vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
(Theo Năng lượng mới) Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét