Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Biến động giá vàng:

Dập lửa ngay khi nhen nhóm cũng là gáo nước lạnh với giới đầu cơ

Cập nhật lúc 14:10

Chỉ trong khoảng chục ngày, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 2 triệu đồng/lượng...

 Biến động giá vàng: Dập lửa ngay khi nhen nhóm
Trong khi nguồn cung vàng miếng mới không có sau khi ngừng đấu thầu, nhu cầu lại có thể bị thức tỉnh khi có quan ngại, có tác động tâm lý và “lợi dụng yếu tố tâm lý”; thêm nữa, bước tăng lớn khoảng 2 triệu đồng/lượng rõ ràng là hấp dẫn và kích thích hoạt động đầu tư, đầu cơ.

Thêm một lần nữa Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông tin vào chiều muộn của ngày nghỉ (25/5), gián tiếp cho thấy trạng thái canh chừng và bám sát diễn biến thị trường của nhà điều hành.

Khi phải canh chừng và giám sát sát sao như vậy, dĩ nhiên là thị trường đang có biểu hiện không bình thường.

Biểu hiện không bình thường như thế nào?

Sau những quyết liệt trong năm 2013, thị trường vàng trong nước đã bình ổn kéo dài. Thậm chí có những thời điểm chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới co hẹp chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/lượng. Biến động giá cũng “ru ngủ” nhu cầu giao dịch trong một thời gian dài.

Thế nhưng, từ ngày 13/5 đến nay, đặc biệt sau 20/5, giá vàng trong nước tăng vọt lên cao nhất 37,4 triệu đồng/lượng. Sau khi lãnh đạo vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước lên tiếng cảnh báo rủi ro, giá hạ nhiệt nhanh. Nhưng cuối tuần qua xu hướng tăng khá mạnh đã trở lại.

Biểu hiện không bình thường là: chỉ trong khoảng chục ngày, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 2 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh giá vàng thế giới không mấy thay đổi, một bước tăng hiếm thấy trong hơn nửa năm qua.

Vì sao có biến động mạnh và tách biệt khỏi diễn biến giá thế giới như vậy?

Trong phát biểu cuối chiều qua, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Những biến động của giá vàng trên thị trường trong nước thời gian qua chủ yếu do yếu tố tâm lý và lợi dụng yếu tố tâm lý bị tác động bởi sự kiện bất ổn tại biển Đông, có thể đã có các yếu tố đầu cơ làm giá hoặc kích động tâm lý đẩy giá lên cao”.

Đáng chú ý, ông Tú cũng nói rằng, qua theo dõi, phân tích các thông tin thị trường, không thấy có các nguyên nhân về biến động giá vàng trên thế giới, về cung cầu vàng trên thị trường…

Thế nhưng, cung - cầu trên thị trường hẳn đang có những thay đổi có thể gây áp lực lên giá.

Đã nửa năm qua, kể từ sau phiên đấu thầu gần nhất 28/12/2013, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng đấu thầu vàng miếng. Cũng chừng đó thời gian thị trường không có nguồn cung mới. Cũng gần nửa năm cung cầu trên thị trường tự dưỡng, và tự dưỡng được trong bối cảnh bình thường, ít có các yếu tố tác động đủ lớn.

Nhưng trong tháng 5 này, với biến động mạnh và tách biệt trên, cung - cầu có thể đã thay đổi. Trong khi nguồn cung vàng miếng mới không có sau khi ngừng đấu thầu, nhu cầu lại có thể bị thức tỉnh khi có quan ngại, có tác động tâm lý và “lợi dụng yếu tố tâm lý”; thêm nữa, bước tăng lớn khoảng 2 triệu đồng/lượng rõ ràng là hấp dẫn và kích thích hoạt động đầu tư, đầu cơ.

Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa trực tiếp can thiệp, ngoài việc đưa thông tin định hướng và khuyến cáo người dân cẩn trọng để tránh thiệt hại trong giao dịch. Trường hợp cần thiết, ông Tú khẳng định “Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng và có đủ lượng vàng bán can thiệp mạnh, trên quy mô lớn khi cần thiết để đảm bảo ổn định thị trường vàng trong nước”.

Rõ ràng, với những biến động không bình thường của giá vàng vừa qua, những “mồi lửa” đã có biểu hiện nhen nhóm. Nên chăng cần dập tắt nó ngay từ khi còn nhen nhóm, tránh khả năng phải dồn lực can thiệp nếu đám cháy xẩy ra vì khi đó nguồn lực sẽ tốn kém hơn.

Dĩ nhiên, liên tiếp các thông tin định hướng từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra cũng là một biện pháp can thiệp. Một khi cơ quan này thực sự vào cuộc để dập tắt những mồi lửa nhen nhóm, rủi ro đối với hoạt động đầu tư, đầu cơ có thể hiện hữu chứ không dừng lại ở mức độ cảnh báo như hiện nay.
(Theo VnEconomy) Minh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét