Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014



Điều tối cần thiết trong cuộc đấu tranh với TQ

Cập nhật lúc 14:11  
Yêu nước là điều rất đáng trân trọng. Điều quan trọng hơn là chúng ta hãy cùng nhau rèn luyện để trở người yêu nước văn minh và thông thái.
Vào ngày chủ nhật tuần trước, những người Việt yêu nước tại thủ đô Washington của Mỹ đã tổ chức biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối việc chính phủ nước này xâm phạm nghiêm trọng biển Đông của Việt Nam. Cuộc biểu tình diễn ra sôi động, với tinh thần nhiệt tình cao của những người tham gia, dù là người lớn tuổi, thanh niên, hay sinh viên, học sinh. Mục đích của việc tuần hành lần này không phải chỉ nhắm tới chính phủ và nhân dân Trung Quốc, mà còn thể hiện sự đoàn kết với nhân dân Việt Nam ở khắp các nơi trên thế giới như Pháp, Anh, Úc, nơi mà các cuộc biểu tình, tuần hành cũng đã liên tục nổ ra.
Ngoài ra, biểu tình chống chính phủ Trung Quốc ngay tại các cường quốc mang một ý nghĩa chính trị lớn hơn nhiều. Đó là yêu cầu các nước lớn trên thế giới phải tỏ rõ trách nhiệm của mình trong việc duy trì an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới. Điều đặc biệt ít người biết tới, đó là hoạt động chính trị này của những người dân Việt yêu nước chính là một mắt xích trong chuỗi "ngoại giao nhân dân" mà nhân dân ta đã thực hiện rất hiệu quả trong kháng chiến chống Mỹ.
Từ năm 1965, những đoàn dân Mỹ đầu tiên đã đặt chân lên miền Bắc nước ta trong những chuyến "đi tìm hiểu thực tế" (fact-finding missions) nhằm có được thông tin trực tiếp về "những người phía bên kia" - những người mà chính phủ của họ (Mỹ) coi là "kẻ thù" và là "kẻ xâm lược".  Mặc dù những người Mỹ này có quan điểm chính trị, tôn giáo, có cách nhìn về cuộc chiến tranh Mỹ - Việt khác nhau, nhưng một điểm chung là họ vô cùng ngạc nhiên trước sự ôn hòa, thân thiện và kiên định của những người Việt họ gặp, kể cả lãnh đạo và dân thường.
Họ bất ngờ khi gặp những nhà lãnh đạo "Cộng Sản" giản dị, không hề "khát máu" như họ đã được nghe từ báo chí hay chính quyền Mỹ; họ cảm phục tinh thần bất khuất của người dân, dù là công nhân nhà máy dệt, bác sỹ và y tá trong bệnh viện, hay nông dân đi cày ngoài ruộng, những người lao động miệt mài nhưng không quên cây súng vắt vai. Cảm nhận tích cực về con người và đất nước Việt Nam đã chuyển hóa suy nghĩ của họ - từ đó phản đối chiến tranh không còn là việc chống chính sách một cách chung chung mà là để bảo vệ những con người Việt Nam rất đỗi bình thường mà họ đã gặp.
 biểu tình yêu nước, tuần hành, Washington
Những người Việt yêu nước tại thủ đô Washington của Mỹ đã tổ chức biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc. Ảnh: Kevin Penn
Tranh thủ tối đa kênh ngoại giao không chính thức
Trong các cuộc chiến tranh chống kẻ thù lớn, sự lãnh đạo sáng suốt là điều cực kì quan trọng. Nhưng cũng đừng quên, nhân dân là lực lượng có sức lay động và cảm hóa lớn nhất. Từ những em bé tới những cụ già, từ nam tới nữ, dân quân du kích hay bộ đội chính quy, người Việt trong hay ngoài nước, mỗi người đều là đại sứ cho nước Việt Nam trong con mắt của người nước ngoài. Nếu họ - những người nước ngoài - cảm mến những người Việt họ gặp, chính họ sẽ là cầu truyền thông hữu hiệu nhất cho bạn bè thế giới. Sự ủng hộ của quốc tế là điều tối cần thiết trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc hiện nay.
Vậy để tranh thủ tối đa kênh ngoại giao không chính thức này, hơn lúc nào hết dân ta cần học cách làm người yêu nước thông thái.
Yếu tố quan trọng đầu tiên là sự hiểu biết. Xuống đường biểu tình là hành động tự phát, nhưng như thế chưa đủ; quan trọng hơn, dân ta cần hiểu vấn đề và hành động một cách tự giác. Chúng ta cần tự mình học hỏi để hiểu thật rõ bản chất của tranh chấp biển đảo với Trung Quốc hiện nay, thứ nhất là về hoàn cảnh lịch sử, thứ hai là về căn cứ pháp lý quốc tế, thứ ba là về tình hình chính trị trong nước cũng như quốc tế, các điều kiện thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trong vấn đề này.
Một khi hiểu biết vấn đề một cách thấu đáo, hành động của chúng ta sẽ trở thành hành động tự giác - tức là dân ta hiểu rõ lý do khi quyết định làm hay không làm gì, chứ không phải chỉ là một đám đông hành động theo bản năng hoặc tư tưởng yêu nước mù quáng. Nếu mỗi người dân hiểu rõ sự chính nghĩa trong cuộc đấu tranh của ta, có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng và hệ lụy chính trị trong hành động của họ, thì biểu tình sẽ không thể trở thành bạo loạn, dù những kẻ cơ hội chính trị có kích động họ.
Ngoài ra, mỗi người dân với hiểu biết của mình, khi xuống đường biểu tình dù trong nước hay ngoài nước, sẽ trở thành một chiến sỹ trên mặt trận dân vận - họ sẽ trở thành kênh thông tin hữu hiệu khi họ tiếp xúc với người nước ngoài. Xin nhớ, những nhà báo, doanh nhân, thậm chí khách du lịch, v.v... thường học hỏi và ghi nhớ nhiều điều về Việt Nam từ những người dân chứ không phải từ phát ngôn chính thống.
Phải hun đúc và rèn giũa lòng yêu nước hàng ngày bằng việc trau dồi kiến thức chính trị liên quan tới cuộc tranh chấp này và không ngừng trao đổi thông tin với gia đình, bạn bè, cộng đồng trong nước cũng như ở nước ngoài.
 biểu tình yêu nước, tuần hành, Washington
Ảnh: Kevin Penn
Làm một người yêu nước... văn minh
Một mặt không kém phần quan trọng khác, đó là dân ta nên làm người yêu nước văn minh, phải giữ vững tư cách và thể hiện bản sắc người Việt trong các sự kiện phản đối hành động của Trung Quốc.
Ta tự hào là một dân tộc anh hùng nhưng cũng vô cùng hiền hòa và mến khách. Trong kháng chiến chống Mỹ, người Việt ở mọi ngóc ngách của thế giới đều tham gia vào cuộc vận động nhân dân thế giới. Mặc dù họ có thể cách nhau cả đại dương mênh mông, dù công nghệ thông tin thời đó không cho họ cơ hội gặp gỡ trao đổi, nhưng tất cả đều một mực thực hiện phương châm đấu tranh không bạo lực.
Dù trái tim ta sôi sục, ta phải nhớ phần lớn người nước ngoài không hiểu tình hình Việt Nam.
Nếu đặt ta vào địa vị của họ, liệu ta muốn lắng nghe từ một nhóm người hùng hổ, tức tối hay ôn hòa, thân thiện và bình tĩnh? Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trân Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày càng thu hút được sự ủng hộ của thế giới là do nhân dân thế giới dần dần nhìn thấy sự khác biệt trong hành xử giữa những người chống chiến tranh (ôn hòa, văn minh, khiêm nhường) và những người ủng hộ chế độ Sài Gòn (hùng hổ và hay la ó).
Báo chí thế giới tư bản trong kháng chiến chống Mỹ thường tỏ sự ngạc nhiên thú vị của họ đối với sự bình thản nhưng kiên định lạ lùng của những người Việt phản chiến mà họ gặp tại Pháp, tại Mỹ, tại Tây Đức. Sự thay đổi từ bàng quan tới ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ của hàng triệu người dân thế giới cho thấy cử chỉ đẹp của người dân Việt có sức cảm hóa bằng vạn lời nói.
Để kết thúc bài viết, tác giả xin góp một câu chuyện nhỏ trong cuộc biểu tình tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ ngày 18.5.2014. Trong cả quá trình tuần hành, các bạn trẻ cần mẫn mang nước lọc tới tận nơi để phục vụ đoàn. Tới cuối buổi, các bạn lại nhắc nhở mọi người nếu muốn có thể giữ lại cờ để dùng cho các cuộc biểu tình lần sau, và hãy thu dọn những chiếc cờ đã hỏng và vỏ chai nước bỏ vào sọt rác, hòng giữ đẹp môi trường cảnh quan.

Việc làm dù rất nhỏ song truyền tải những thông điệp lớn về văn hóa và con người Việt không chỉ tới những người Trung Quốc ở đó mà còn với nhân dân và chính quyền sở tại. Hi vọng đây cũng là hình ảnh chung về những người Việt yêu nước dù họ ở đâu trên thế giới. Yêu nước là điều rất đáng trân trọng; điều quan trọng hơn là chúng ta hãy cùng nhau rèn luyện để trở người yêu nước văn minh và thông thái.
(Theo TuanVietNamnet) Minh Nguyệt (từ Mỹ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét