Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Dư luận về “cưa đôi cưa ba” tài sản thắng kiện là có cơ sở

 Cập nhật lúc 07:41

TTO - Cơ chế duyệt án của chánh án, phó chánh án, người thẩm phán ra tòa chỉ như “người diễn lại”, hợp thức hóa ý định của bản án “bỏ túi”.


Đại biểu Đỗ Văn Đương - Ảnh: V.Dũng

Đó là những nội dung mà theo ông Đỗ Văn Đương, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ tại thảo luận tổ chiều 22-5, cho rằng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độc lập của tòa án.
Ông Đương nói: Điều cần bàn là những yếu tố nào chi phối tính độc lập của tòa án; còn xuất phát từ nội sinh của thẩm phán có tiêu cực, nhận hối lộ, làm sai lệch hồ sơ vụ án, ra bản án trái pháp luật là tác động từ phía người đưa hối lộ và nhận hối lộ thì không bàn ở đây.
Cái cần bàn là những yếu tố tác động từ bên ngoài, chi phối (đến hoạt động xét xử, đến thẩm phán), đó là các cá nhân, ví dụ như một ông cấp ủy nào đó nói rằng nếu xét xử không đúng ý chỉ đạo thì đi chỗ khác, làm cho người thẩm phán sợ. Kế đến là cơ chế xét chọn thẩm phán qua một hội đồng ở địa phương thì cũng ảnh hưởng rất nhiều, liên quan đến đạo đức, phẩm chất, năng lực của thẩm phán.
Bên cạnh đó, đặc biệt là cơ chế duyệt án của chánh án, phó chánh án, người thẩm phán ra tòa chỉ như “người diễn lại”, hợp thức hóa ý định của bản án “bỏ túi”. Trong ngành tòa án cũng áp dụng một số chỉ tiêu hành chính, đơn cử như tỉ lệ án bị hủy bao nhiêu thì thẩm phán không được bổ nhiệm lại…
Đấy là những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến độc lập của tòa án. Do vậy, Hiến pháp năm 2013 quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử của tòa án, của thẩm phán.
* Thực tiễn chi phối đến hoạt động xét xử của tòa án, đến thẩm phán… đã ở mức báo động chưa, thưa ông?
- Thực tế đó là nhiều vì hiện nay vẫn còn cơ chế duyệt án, vẫn có chuyện tòa án cấp dưới thỉnh thị tòa án cấp trên về đường lối xét xử vụ án. Vẫn có áp dụng các quy định hành chính can thiệp vào công việc của người thẩm phán, những ví dụ như tôi vừa nói. Án bị hủy ở một tỉ lệ theo quy định thì sẽ xem xét không bổ nhiệm lại thẩm phán; án bị sửa bị xem xét thi đua…
Những yếu tố này liên tục chi phối ý chí, tình cảm, lương tâm và trách nhiệm của thẩm phán đối với phán quyết của mình, làm cho người ta bị thụ động, cũng làm cho người ta không chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Thực tế đang có những chuyện như vậy.
* Ông đã từng biết một vụ việc nào là điển hình của thực tế như ông vừa nêu, phải chăng là vụ những công an dùng nhục hình dẫn đến chết một người xảy ra ở tỉnh Phú Yên gây bức xúc dư luận?
- Vụ việc cụ thể này cần nhìn nhận một cách khách quan bởi vì xuất phát từ việc đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, luật pháp cấm không được bức cung, không được dùng nhục hình. Những người nguyên là cán bộ chiến sĩ công an phạm tội trong vụ này đã nôn nóng nên đã có hành vi trái pháp luật, đã đánh chết người và trở thành tội phạm.
Việc xử lý nghiêm trong vụ này là rất cần thiết, nhưng mức hình phạt vừa qua là chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội nghiêm trọng của các bị cáo. Do đó, việc kháng nghị và xét xử lại, tăng hình phạt là cần thiết.
* Là một đại biểu của dân, ông có nghe gì về những dư luận “cưa đôi cưa ba” tài sản thắng kiện hay mức giá cụ thể khi giảm một năm tù, hai năm tù…?
- Dư luận đó có và phản ánh của dư luận là có cơ sở. Những việc đó hiện nay đang được chấn chỉnh bởi các bản án giám đốc thẩm, phúc thẩm rất nhiều. Trong hoạt động giám sát, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã nhiều lần kiến nghị làm rõ vấn đề này, đặc biệt đối với những thẩm phán có vấn đề tiêu cực.
Còn sửa đổi Luật tổ chức tòa án nhân dân lần này chỉ mới góp phần thôi, còn xây dựng người thẩm phán có năng lực, có phẩm chất tốt, phán quyết công minh… thì còn rất nhiều luật khác điều chỉnh, đặc biệt là thủ tục tố tụng và các quy định của luật nội dung như Bộ luật hình sự chẳng hạn.
(Theo Tuổi trẻ) QUỐC THANH thực hiện
Chạy thành tích trong ngành tòa án
“Dường như hiện nay, một tiêu chí để phê phán tòa án yếu kém là số lượng bản án của tòa cấp dưới bị tòa cấp trên hủy nhiều hay ít. Tôi cho rằng không phải như vậy, nếu tòa phúc thẩm hủy án càng nhiều, chứng tỏ công lý càng nhiều chứ không phải là nhược điểm. Cần nhìn nhận và đánh giá lại vấn đề này.
Cũng vì điều này, người ta không muốn hủy án, mà ngược lại muốn làm sao cho thành tích cao lên dù bản án có oan sai. Đấy là cách nhìn không đúng về tư pháp.
Chính trong ngành tòa án chạy thành tích bằng cách không hủy án hoặc để chắc ăn (không bị hủy án), tòa cấp dưới chạy lên tòa cấp trên xin ý kiến trước khi xét xử thì còn gì là độc lập trong hoạt động xét xử nữa”. 
Đại biểu Trần Du Lịch (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét