Thêm đường nghìn tỷ vừa
khánh thành đã... lún, nứt
Cập nhật lúc 09:44
(Tin tức thời sự) -
Chỉ sau ngày khánh thành 1 tuần (ngày 18/5), tuyến Quốc lộ 18 (đoạn Uông
Bí-Hạ Long - Quảng Ninh) đã có biểu hiện xuống cấp, lún và nứt.
Đây là dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ
18 do Công ty Cổ phần BOT Đại Dương làm chủ đầu tư.
Trên tuyến đường nghìn tỷ này đang bị
hỏng hóc trên từng cây số. Đoạn đường dài gần 9km từ khu Đồn Điền, phường Hà
Khẩu, thành phố Hạ Long đến khu 2, phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, có hiện
tượng lún ở phần đường phía ngoài dành cho xe trọng tải lớn. Xe trọng tải lớn
đi qua tạo thành những rãnh dài.
Hiện tượng lún, vỡ mặt nhựa thấy rõ nhất
tại một số điểm trên đoạn đi qua tổ 91 khu Đồn Điền. Có những đoạn lún so với
mặt đường từ 3-6cm, kéo dài 3-5m.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Giám đốc Sở
GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong quá trình đầu tư xây dựng cải tạo đường
Quốc lộ 18 Uông Bí-Hạ Long, Sở đã thường xuyên kiểm tra giám sát, tuy nhiên
thời gian vừa qua đã xuất hiện một số chỗ hư hỏng, sở đã phát hiện kịp thời
và sẽ báo cáo lên Bộ GTVT để yêu cầu chủ đầu tư tiến hành sửa chữa khắc phục
đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Vào ngày 1/6, trạm thu phí Quốc lộ 18 Uông Bí-Hạ Long sẽ
được đưa vào sử dụng với mức phí từ 30.000 đến 160.000 đồng/lượt, với thời
hạn dài 22 năm. Một câu hỏi lớn phải đặt ra, với chất lượng đường quốc lộ mới
khánh thành đã xuống cấp, có đáng để người dân phải chịu mức phí khá cao như hiện
nay hay không? Hay sẽ đổ lỗi cho xe quá tải làm hỏng đường?
Trong khi đó, hàng loạt các tuyến đường
cao tốc cũng chịu chung số phận, với số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng
nhưng đều nhanh chóng hư hỏng sau khi đưa vào sử dụng.
Được đánh giá là dự án chiến lược về
quy hoạch phát triển giao thông đô thị của TP HCM, đại lộ Đông Tây được đầu
tư xây dựng với tổng số vốn lên đến hơn 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ vài
tháng sau khi đưa vào sử dụng để giảm tải cho liên tỉnh lộ 25B, mặt đường
phía quận 2 từ giao lộ Đồng Văn Cống - đại lộ Đông Tây đến cầu vượt Cát Lái
bắt đầu xuất hiện tình trạng sụt, lún, nhiều chỗ bị nứt.
Trong đó nặng nhất là đoạn từ giao lộ
đại lộ Đông Tây - Liên tỉnh lộ 25B đến giao lộ đại lộ Đông Tây - Lương Định Của.
Khoảng 800 m đường bị lún hẳn xuống theo lằn bánh xe, bê tông nhựa bị trồi
lên, gợn sóng, ôtô chạy bị dằn xóc mạnh, có đoạn bị lún sâu hơn 10 cm.
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương cũng có tổng vốn gần 10.000
tỷ đồng, được khởi công từ cuối năm 2004, tổng chiều dài 62 km. Chỉ 4 tháng
sau khi được thông xe, đường dành cho ôtô với tốc độ tối đa đến 100 km đã
xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, nền đường bị lún.
Nghiêm trọng nhất là đoạn từ nút giao Trần Đại Nghĩa đến
cầu Kênh 7 có độ lún trên 14 mm/tháng. Kết quả khảo sát của Ban An toàn giao
thông tỉnh Long An tháng 10/2011 cho hay, đoạn qua tỉnh Long An có đến 500
"ổ" các loại, chưa kể vô số hư hỏng khác trên đường dẫn dài 22 km ở
hai đầu TP HCM và Tiền Giang.
Hay cho đến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh
Bình với tổng số vốn đầu tư lên đến 9000 tỷ, mới đưa vào hoạt động đã phải vá
víu nham nhở.
Thế nhưng, hiện nay người dân đang
phải chịu hơn 10 loại phí đường bộ khi tham gia giao thông. Bộ GTVT cũng nói
rõ mục đích của quỹ này là bảo trì công trình đường bộ, quản lý công trình
đường bộ.
Hơn nữa, thời gian qua, Bộ GTVT đã
triển khai kế hoạch kiểm soát xe trọng tải trên toàn quốc, với mục đích để
giao thông đường bộ an toàn hơn, hiệu quả hơn.
Thậm chí, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho
biết: "Xe quá tải gây tác hại rất lớn, thực chất làm hệ thống cầu đường
xuống cấp nhanh, trong khi đó, nguồn lực đầu tư của cái này quá lớn. Nguồn
lực ở đây là nguồn lực gì, chúng ta cứ gọi là nguồn lực của nhà nước chứ thực
ra nó là nguồn lực của dân".
Trong khi đó, GS.TS Đặng Đình Đào, Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội, cho biết:
“Nguyên nhân dẫn đến hỏng đường chỉ một phần là do quá tải, còn một khía cạnh
khác chất lượng đường xá, cơ sở hạ tầng Logistics liên quan đến vận tải quá
yếu, chất lượng không bảo đảm”.
Theo ông Thọ thì khi thực hiện việc
siết chặt xe quá tải, các cơ quan quản lý Nhà nước đã dự đoán được xu hướng
tất yếu giá các loại hàng hóa liên quan tới vận tải sẽ tăng lên, tác động tới
túi tiền của người dân.
Theo đó từ đầu tháng 4 đến nay, các
doanh nghiệp vận tải đã tăng cước vận chuyển kéo theo giá thành sản phẩm bị
đội lên cao.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty
Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cho biết, nay giá cước vận chuyển bị đội lên 60
– 100%, chắc việc bán hàng sẽ chậm hơn.
Cũng thực hiện việc vận chuyển xi măng Nghi
Sơn cho dự án trọng điểm cầu Nhật Tân (Hà Nội), bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc
Công ty cổ phần Kinh doanh vật liệu xây dựng Hà Nội cho hay, trước đây, giá
cước vận chuyển xi măng Nghi Sơn từ Thanh Hóa đến cầu Nhật Tân khoảng 250.000
đồng/tấn. Với việc phải chở đúng tải giá cước phải thay đổi, tăng lên mức
khoảng 550.000 – 600.000 đồng/tấn.
“Đứng trước bài toán đánh đổi, dĩ nhiên
người dân sẽ phải lựa chọn: chấp nhận túi tiền vơi đi; nói không với xe quá
tải phá đường. Bởi, nếu cứ để đường tiếp tục bị phá nát thì thiệt hại về vật
chất, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân sẽ còn lớn hơn rất nhiều”, ông
Thọ diễn giải.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định, hệ thống
đường cao tốc mới xây xong đã hỏng, những công trình đang thi công, chưa
nghiệm thu, chưa đánh giá mà đã bị hỏng thì không đổ cho xe quá tải
được, nhưng nó vẫn là một phần nguyên nhân.
(Theo Đất Việt)
Thái Linh
|
Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét