Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đập nhà, tìm thấy sách cổ ghi rõ chủ quyền Hoàng Sa

Cập nhật lúc 20:36
 “Cuốn sách này được xác định là tài liệu gốc ở triều Nguyễn. Một phần nội dung trong đó ghi rõ, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là địa phận quốc nội”, chủ nhân Mạnh nói.
Hay tin gia đình anh Văn Như Mạnh (39 tuổi, ở khu phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, Thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) đang lưu giữ một cuốn sách cổ đề cập đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khá nhiều người dân đã tìm đến để được tận mắt chứng kiến.

Truyền giữ qua bốn thế hệ
Anh Mạnh cho biết, cuốn sách này tên là Khải đồng thuyết ước, đã được các nhà khoa học khẳng định là tài liệu gốc đầu tiên ở triều Nguyễn, thời Tự Đức. “Đây là tài liệu gốc, chất liệu thật, do tiến sĩ Ngô Thế Vinh viết trong những năm 1841 – 1853. Sau này, nó được sao chép ra thành nhiều bản tương tự”, anh Mạnh khẳng định.


“Đây là bản tài liệu gốc, chất liệu thật, do tiến sĩ Ngô Thế Vinh viết trong những năm 1841 – 1853. Sau này, nó bị sao chép ra thành nhiều bản tương tự”, anh Mạnh khẳng định.

Theo lời anh Mạnh, cuốn sách này được gia đình anh lưu giữ qua bốn thế hệ, do cụ Văn Đình Dẹ (cố nội anh Mạnh) đưa về từ trong triều Nguyễn. Hơn nửa đời làm nghề gõ đầu trẻ, dạy học cho các con quan trong triều, tuổi già, bệnh nặng khiến cụ Dẹ không thể tiếp tục công việc của mình nên được vua cho về quê đoàn tụ với gia đình. “Trước ngày về quê dưỡng bệnh, cố Dẹ đã được vua ban tặng cuốn sách đưa về quê làm kỷ niệm”, anh Mạnh kể.
Sau khi cụ Dẹ qua đời, cuốn sách Khải đồng thuyết ước cũng không còn được nhắc đến. Cách đây 3 năm, trong lúc đang phá nhà cũ để xây dựng lại, anh Mạnh tình cờ phát hiện ra nó đang nằm trong góc tủ. “Dù trải qua nhiều thập kỷ nằm yên trong tủ, tập tài liệu này vẫn không hề bị hư hỏng, mỗi con chữ như còn tươi nguyên nét mực”, anh Mạnh nói.
Là người rất cẩn thận và ham thích sưu tầm vật cổ, anh Mạnh đưa nó ra lau chùi, phơi khô. Lật từng trang giấy ra xem, chủ nhân cuốn sách ngạc nhiên khi nhìn thấy một số trang đề cập đến chủ quyền biển đảo.
Với vốn kiến thức Hán nôm khá toàn diện, anh Mạnh dần dần đọc hiểu được tất cả nội dung viết bên trong cuốn sách. “Tình cờ gặp anh Tô Ngọc Giáp, lúc bấy giờ là Trưởng ban Thanh tra Đảng Thị xã Sầm Sơn, tôi đã đem nội dung cuốn sách kể lại. Trước khi báo cáo lên thị ủy, vị trưởng ban này dặn dò phải giữ cẩn thẩn vì rất có khả năng nó là tài sản quý giá giúp ta chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, anh Mạnh nhớ lại.


Trong bản đồ có ghi chú về quần đảo Hoàng Sa với ba chữ: Hoàng Sa Chử, có nghĩa là Bãi (hay quần đảo) Hoàng Sa.

Không lâu sau đó, các cơ quan chức năng đã tổ chức tới gặp gia đình anh Mạnh để nghiên cứu, đánh giá nội dung cuốn sách. “Buổi làm việc có sự tham dự của bà Phạm Thị Thùy Vinh, Viện phó Viện Hán nôm Việt Nam. Tất cả đều khẳng định cuốn sách là tài sản quốc gia, trong đó ghi rõ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, chủ nhân cuốn sách cho hay.
Khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Chủ nhân cuốn sách giới thiệu, Khải đồng thuyết ước dùng để dạy trẻ em bắt đầu học vỡ lòng, viết bằng chữ Hán nôm. Sách dạy về nhiều môn, dựa trên quan điểm tam tài (thiên, địa, nhân), dạy đại khái từ thiên văn, địa lý, rồi đến nhân sự…, nghĩa là bao gồm các tri thức trong vũ trụ.
Sách viết theo lối văn tứ tự có vần, mỗi câu có 4 chữ, 4 câu hai vần, các thanh bằng, thanh trắc thay đổi nhịp nhàng nhằm giúp người mới học đọc thuận miệng, dễ học thuộc lòng.
Anh Mạnh kể tiếp, tại trang 9, trang 10 có vẽ bản đồ địa quốc, khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.


“Trong lúc tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, tôi công khai cuốn sách để mong góp phần cùng cả nước khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, anh Mạnh chia sẻ.

“Trên bản đồ ghi vị trí của các tỉnh và các ngọn núi lớn từ cửa Nam Quan đến Biên Hòa, Vĩnh Long, sau đó là những ghi chú số phủ, huyện, tổng, xã, phường, ấp, giáp, thuộc của từng tỉnh. Phần ngoài biển đối diện với địa phận của Thừa Thiên và Quảng Nam trong bản đồ có ghi chú về quần đảo Hoàng Sa với ba chữ: Hoàng Sa Chử, có nghĩa là Bãi (hay quần đảo) Hoàng Sa”, chủ nhân cuốn sách cho biết.
Cầm cuốn Khải đồng thuyết ước dày 37 trang trên tay, anh Mạnh tâm sự, gia đình sẵn sàng hiến tặng nó cho Nhà nước. “Trong lúc tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, tôi công khai cuốn sách để mong góp phần cùng cả nước khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, anh Mạnh chia sẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét