Báo hàng đầu Hàn
Quốc viết bài “Kiêu hãnh Việt Nam”
Cập nhật lúc 10:23
(Dân trí) -
Mới đây, một bài viết có tựa đề “Kiêu hãnh Việt Nam” giới thiệu về văn hóa đất
Việt đã được đăng tải trên tờ báo hàng đầu của Hàn Quốc.
Viện Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul
hiện đang tổ chức một cuộc trưng bày triển lãm những món đồ cổ có từ thời kỳ
Đồ Đồng ở Việt Nam.
Mới đây, trang tin Korea Times cũng đã đăng tải bài viết
giới thiệu về những cổ vật này với tiêu đề “Kiêu hãnh Việt Nam”.
Trong đợt trưng bày này, những cổ vật đồ đồng của Việt Nam chính là điểm nhấn quan trọng, với gian
trưng bày mang tiêu đề “Nền văn minh cổ xưa của Việt Nam: Buổi
bình minh ở sông Hồng”.
Tại cuộc trưng bày này, nền văn minh có từ thời kỳ xa xưa
của Việt Nam
được giới thiệu rất ấn tượng. Đây là kết quả của công cuộc hợp tác giữa những
viện bảo tàng hàng đầu của hai nước.
Ông Lee Sang-mi, giám đốc Viện bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc
cho hay: “Chúng tôi đã tích cực hợp tác với Viện bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt
Nam.
Những cuộc triển lãm giới thiệu cổ vật thời kỳ Đồ Đồng ở Việt Nam là rất
hiếm. Những cổ vật này cho thấy kỹ thuật chế tác đồ đồng điêu luyện ở khu vực
Đông Nam Á từ cách đây 2.500 năm”.
Triển lãm đã giới thiệu nền văn hóa Đông Sơn của Việt Nam, một nền văn
hóa đặc sắc, phát triển dọc lưu vực con sông Hồng ở miền Bắc.
Kỹ thuật chế tác đồ đồng điêu luyện của các thợ thủ công
Việt Nam trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn là niềm tự hào của nền văn hóa Việt. Những
kỹ thuật này khi đó không chỉ trải rộng khắp Việt Nam mà còn có sự ảnh hưởng sâu
rộng đến nhiều nước khác thuộc khu vực Đông Á.
Khoảng 380 món đồ gia dụng bằng đồng, bao gồm cả nông cụ
và đồ trang sức sẽ được trưng bày đến hết tháng 6. Trong số này đặc biệt có
14 trống đồng là điểm nhấn của cuộc trưng bày.
Hình ảnh chiếc trống đồng đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Quốc
gia Hàn Quốc. Đây là một hiện vật điển hình cho sự khéo léo của thợ thủ công Việt
Nam
xưa kia.
Giám đốc Lee nhận định: “Những chiếc trống đồng được coi
là biểu tượng của nền văn hóa thời kỳ Đồ Đồng tại Việt Nam, đặc biệt khi đem
so sánh với những món đồ đồng được chế tạo tại bán đảo Hàn Quốc ở cùng thời kỳ
này, trong khi Hàn Quốc chỉ đúc kiếm đồng, gương đồng, nhạc cụ đồng, thợ thủ
công Việt Nam đã đạt tới một bước phát triển cao khi chế tạo ra những chiếc
trống đồng khổ lớn rất khó để sản xuất, đòi hỏi phải có những kỹ năng chế tác
điêu luyện”.
Những chiếc trống đồng có đường kính 50-70 cm có nhiều giá
trị nghệ thuật bởi trên mặt trống có những họa tiết được chạm khắc rất tinh
xảo. Dựa trên những họa tiết đa dạng trên mặt trống khắc họa cảnh lễ hội, cảnh
làm nông nghiệp hay cảnh làm việc nhà…, người làm công tác nghiên cứu có thể
hiểu hơn về đời sống của các cư dân cổ.
Những con dao được đúc từ thời kỳ Đồ Đồng của Việt Nam
Những con dao được chế tác trong thời kỳ Đồ Đồng của Việt Nam với chuôi
dao khắc hình nam hoặc nữ cũng là những dữ liệu quan trọng để hiểu về cách ăn
mặc của các cư dân cổ thời đó. Chuôi dao hình nam cho thấy nam giới thời kỳ
này đóng khố, đeo vòng tay khổ lớn và đeo cả khuyên tai. Chuôi dao hình nữ
cho thấy phụ nữ mặc những chiếc váy gọn gàng và đeo nhiều kiểu vòng cổ khác
nhau.
Viện bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc khẳng định đây không phải
là một sự kiện riêng lẻ mà nằm trong chuỗi những hợp tác nghiên cứu lâu dài
về lịch sử - khảo cổ giữa các viện bảo tàng của cả hai nước, Việt- Hàn.
Bích Ngọc
Theo Korea Times
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét