Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Ông Thắng nói đúng “một tý” mà mất ghế!

 Cập nhật lúc 08:27                  
(Dân trí) - Câu chuyện tăng vốn tới 339 triệu USD tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã làm “nóng” cuộc tiếp xúc cử tri của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 3/5 vừa qua. Nhiều cử tri đã bày tỏ sự băn khoăn, bức xúc và mong muốn Quốc hội cần vào cuộc xem xét kỹ và có biện pháp xử lý đối với những dự án dễ dàng tăng vốn đầu tư.

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

“Chúng tôi cho rằng đó là những dự án vi phạm cần phải được xử lý”. Ông Nguyễn Kim Sơn, cử tri phường Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) nói.

Những ý kiến của cử tri đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Chúng tôi xin nghiêm túc tiếp thu, phản ánh với Quốc hội và cũng có trách nhiệm của mình trong xem xét giải quyết”.

Đọc tin này, chợt nhớ đến một bài báo rất hay trên Việt Nam Nét ngày 27/4 của tác giả Hoàng Xuân có tiêu đề “Tăng mấy trăm triệu đô: Nói 'một tý' cũng... đúng!”.

Bằng giọng hài hước, tác giả Hoàng Xuân đã liệt kê hàng loạt các dự án tăng vốn:

“Dự án đường 5 kéo dài trên địa bàn quận Long Biên và huyện Đông Anh tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.500 tỷ đồng. Ba năm sau điều chỉnh lên gần 6.700 tỷ đồng, chỉ tăng hơn có... 3.100 tỷ.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội do Pháp, ADB và Ngân hàng Đầu tư châu Âu đồng tài trợ, dự kiến ban đầu là 783 triệu euro, điều chỉnh lên 1,275 tỷ euro, tăng 492 triệu euro.
Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tổng chiều dài 56 km, dự toán ban đầu hơn 3.700 tỷ đồng năm 2004, đến 2010 điều chỉnh lên gần 9.000 tỷ, tăng hơn 5.000 tỷ đồng.
Năm 2012, dự án cải tạo sông Tích tăng tổng mức đầu tư từ 1.600 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, điều chỉnh từ 19.000 tỷ lên 51.000 tỷ đồng.
Dự án đường vành đai I, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục tăng từ 3.400 tỷ lên 5.500 tỷ đồng.
Dự án cầu Nhật Tân phê duyệt 2006 đến 2009 khởi công đội thêm hơn 6.000 tỷ đồng.
Ở Hưng Yên, dự án củng cố nâng cấp đê tả sông Hồng 48 km, dự toán ban đầu năm 2009 hơn 1.500 tỷ đồng, sang năm sau tăng thêm 1.200 tỷ đồng.
Ở TP HCM, năm 2008, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên từ 17.400 tỷ ban đầu (2007) đến 2012 điều chỉnh lên hơn 47.300 tỷ, tăng khoảng 30.000 tỷ đồng.
Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè theo kế hoạch hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2008, nhưng phải gia hạn đến hết năm 2011, tăng từ 200 triệu USD lên 320 triệu USD.
Công trình bờ kè sông Cần Thơ 10km, tổng mức đầu tư năm 2007 hơn 711 tỷ đồng, khởi công vào tháng 5/2010, tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng”.
Đọc những thông tin trên không còn thấy “giật mình” bởi cái con số 339 triệu USD của Dự án Cát Linh – Hà Đông từng làm “sửng sốt” nữa bởi so với các dự án kể trên (nếu đúng như bài báo viết) nó chỉ đáng là “một tý” như lời ông Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng.
Giờ đây, sự “ngạc nhiên và sửng sốt” dành cho câu hỏi khác. Đó là tại sao lại có nhiều dự án tăng vốn như vậy và tại sao lại tăng với tỉ lệ cao đến như thế? Có gì “ẩn khuất” sau những việc “đội giá” này?
Đành rằng người xưa có câu: “Cưới vợ thì ra, làm nhà thì tốn” thì cái sự “tốn” ấy có chăng cũng chỉ dăm bẩy phần trăm hoặc hơn một chút là cùng.
Đằng này, hầu như tất cả các dự án đều tăng và tỉ lệ thì không phải là phần trăm mà gấp hai, gấp ba lần dự toán ban đầu.
Trong khi đó, mỗi dự án đều phải qua rất nhiều khâu tư vấn, thẩm tra, thẩm định của nhiều cơ quan chuyên ngành và khi “đội giá” thì cũng phải qua tất cả các cơ quan trên.
Vậy giờ đây khi công trình “đội giá”, họ chẳng lẽ “vô can”?
Dư luận hoàn toàn còn có thể đặt nghi vấn xung quanh sự “đội giá” này bởi cái mà dân gian gọi là “hoa hồng” phụ thuộc vào phần trăm tăng vốn? 
(Theo Dân trí) Bùi Hoàng Tám
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét