Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Hệ quả của tăng tỷ giá

15:10

Tái diễn tâm lý găm trữ USD

- Giá USD tăng khiến nhiều người có tiền sẽ chuyển sang mua USD, người có USD sẽ giữ, không bán ra để chờ đợi giá tăng, kích thích nhu cầu về ngoại tệ tăng và gây bất lợi cho tỷ giá.
Nhu cầu về ngoại tệ - chủ yếu là USD - đang có xu hướng tăng lên. Chính vì thế, giá USD trên thị trường tự do đang rục rịch tăng. Cụ thể, tỷ giá USD trên thị trường tự do tại Hà Nội sáng ngày 1/7 niêm yết ở mức 21.380 đồng/USD mua vào và 21.430 đồng bán ra, tăng 30 đồng mua vào và giảm 20 đồng bán ra so với chiều ngày 28/6.
Tại một số ngân hàng thương mại, tỷ giá USD được niêm yết phổ biến ở mức từ 21.110 -21.140 đồng/USD (bán ra - mua vào) và 21.220-21.230 đồng/USD, tăng từ 5 -20 đồng/USD so với chiều ngày 28/6.
5 lý do khiến cầu về USD tăng
Nguyên nhân khiến các dự báo cho rằng nhu cầu về USD đang có xu hướng tăng lên là bởi lý do sau:
Thứ nhất, hiện đang là mùa du lịch, người dân đi nước ngoài tăng và nhu cầu về ngoại tệ - trong đó có USD - tăng lên.
Thứ hai, chuẩn bị bước vào mùa du học, các gia đình có con em đi du học sẽ cần ngoại tệ để đáp ứng cho các chi phí học tập, sinh sống tại nước ngoài, cũng làm cho nhu cầu về ngoại tệ tăng. 
Thứ ba, do lãi suất huy động tiền đồng năm 2012 tại các ngân hàng cao, khiến nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài và các cá nhân đã huy động vốn bằng USD chuyển về Việt Nam quy đổi ra tiền đồng, đem gửi ngân hàng lấy lãi. Với mức lãi suất huy động tiền đồng đầu năm 2012 khoảng 10%/ năm, trong khi vay USD ở nước ngoài chỉ 1%/năm, cộng chi phí như thu xếp vốn, chênh lệch tỷ giá... tính ra chỉ ở mức 4%/năm thì gửi tiền ở Việt Nam được cho là hấp dẫn và thu lợi lớn. Chính vì vậy, đã có một lượng lớn USD chuyển về Việt Nam thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tuy không có con số thống kê chính thức, nhưng ước tính số USD chuyển về Việt Nam gửi tiết kiệm lấy lãi, thông qua kênh kiều hối vào khoảng 1 tỷ USD trong năm 2012. Nay đến thời điểm phải thanh toán thì các nhà đầu tư lại rút tiền đồng ra, mua USD để trả nợ.
Thứ tư, do lãi suất huy động tiền đồng đến nay đã giảm mạnh, tính ra gửi tiết kiệm còn hấp dẫn, nên các nhà đầu tư cũng đang trong xu hướng rút tiền đồng, chuyển ra USD tìm kênh đầu tư khác.
Cuối cùng, từ 1/7/2013 các ngân hàng không còn được huy động vốn bằng vàng. Khách hàng gửi vàng vào ngân hàng thay vì được hưởng suất thì phải trả phí. Điều này cũng khiến cho nhiều khách hàng bán vàng chuyển sang ngoại tệ để gửi ngân hàng... Đó là những lý do khiến nhu cầu về ngoại tệ, nhất là USD, đang có xu hướng tăng lên.
 USD, ngoại tệ, lãi suất, chuyển tiền, xuất khẩu, ngân hàng, tỷ giá, nhu cầu, tiền đồng, huy động.
Tái diễn tâm lý găm trữ USD
Trong lúc này thì Ngân hàng Nhà nước lại vừa quyết định điều chỉnh nới tỷ giá tiền đồng so với USD tăng thêm 1%, điều này có thể làm giảm chút ít về nhu cầu, nhưng lại tạo ra tâm lý đầu cơ USD. Nhiều người có tiền sẽ chuyển sang mua USD, người có USD sẽ giữ, không bán ra để chờ đợi giá tăng, kích thích nhu cầu về ngoại tệ tăng và gây bất lợi cho tỷ giá.
Đấy là chưa kể tỷ giá tăng đang tác động đến nợ nước ngoài của nhiều DN. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ nước ngoài 99.260 tỷ đồng do vay đầu tư nhà máy điện. Trong đó có một số vốn không nhỏ vay bằng USD. Với tỷ giá tăng 1% khiến cho nợ bằng USD tăng thêm 1% và gây áp lực khiến cho giá điện tăng. Khi giá điện tăng thì tác động tới nhiều lĩnh vực sản xuất.
Xăng dầu cũng vậy, luôn cần một lượng ngoại tệ lớn, mỗi tháng lên tới 500 triệu USD để nhập khẩu, với tỷ giá tăng 1%, thì giá xăng dầu sẽ tăng thêm 1%.
Ngoài ra, một loạt các mặt hàng thiết yếu khác như dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, sữa, hoá chất, thuốc trừ sâu... trong nước chưa sản xuất được, đều phải nhập khẩu với số lượng lớn. Khi tỷ giá tăng dẫn đến giá thành các mặt hàng này cũng sẽ tăng.
Các phân tích chỉ ra rằng, không ai phủ định quy luật "đồng tiền giảm giá sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu" nhưng cần phải lưu ý rằng bản thân tỷ giá riêng lẻ không quyết định cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Tỷ giá hối đoái chỉ là một yếu tố. Hàng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc không quá nhiều vào tỷ giá hối đoái. Đây là kết quả của các công trình nghiên cứu về sự tác động của tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu ở nước ta thời gian qua. Hàng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như thị trường, công nghệ, tiếp thị và uy tín của nhà sản xuất...
Bên cạnh đó, xét về cơ cấu thì đến nay các mặt hàng như điện thoại di động, điện tử máy tính, dệt may, da giày... có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, nhưng những mặt hàng này lại chủ yếu chỉ gia công tại Việt Nam, hầu hết linh phụ kiện đều phải nhập khẩu vì vậy khi tỷ giá tăng sẽ làm đội giá các sản phẩm này lên và gây khó khăn cho cạnh tranh trong xuất khẩu.
(Theo VietNamnet) Trần Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét