Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

10:55

Vụ bún “tẩm độc”: Cơ quan chức năng đã biết qua báo chí!


TT - Đó là tâm trạng của người dân TP.HCM trước công bố của Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng VN) về việc bún tươi, bánh canh, bánh phở... có chất làm trắng huỳnh quang (tinopal).


Điểm bán bún trên đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp chiều 24-7)
- Ảnh: Tự Trung
Trong khi người dân đang rất lo ngại bởi bún tươi, bánh canh, phở... là món ăn phổ biến hằng ngày bị nhiễm độc tố thì các siêu thị lại tỏ ra bức xúc trước công bố của Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng, còn Sở Công thương TP - cơ quan có trách nhiệm về quản lý nhà nước - vẫn chưa có kết luận gì và chỉ biết sự việc qua báo chí.
Siêu thị phàn nàn
Đồng Nai: phát hiện cơ sở sản xuất bánh phở chứa chất tinopal
Ngày 24-7, đội quản lý thị trường số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh phở Kim Trang (khu phố 1, P.Tân Biên, TP Biên Hòa) do bà Nguyễn Thị Kim Trang làm chủ, phát hiện cơ sở này sản xuất bánh phở dùng chất tẩy trắng tinopal.
Theo đội quản lý thị trường số 1, tại thời điểm kiểm tra có ba nhân viên đang sản xuất và 300kg bánh phở thành phẩm, 4kg chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kiểm tra nhanh tại hiện trường cho kết quả dương tính với chất tẩy trắng gốc sunfite, đồng thời khi chiếu đèn cực tím để tìm chất tinopal cũng phát hiện nhiều đốm sáng chất huỳnh quang trong bánh phở. Đội đã lấy mẫu mang đi xét nghiệm và niêm phong tạm giữ toàn bộ số bánh phở trên.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Trang chỉ xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời không chứng minh được số hóa chất tẩy trắng trên.
TTXVN
Chiều 24-7, bà Phạm Thị Kim Hiếu - chủ cơ sở sản xuất Bàu Cát (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhà cung cấp mặt hàng bún tươi cho siêu thị Co.op Mart và Big C (nơi bị công bố có bún tươi, bánh canh, bánh hỏi... có chất độc hại) - cho biết cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận của Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm cũng thường xuyên được đem đi kiểm nghiệm định kỳ, từ trước đến nay chưa từng phát hiện độc chất. “Chúng tôi luôn sản xuất theo đúng quy trình, quy định, nói sản phẩm của chúng tôi sử dụng tinopal trong sản phẩm là không đúng” - bà Hiếu bức xúc. Đến thời điểm này, cơ sở Bàu Cát vẫn cung cấp hàng cho các hệ thống siêu thị và các chợ lẻ để bán cho người tiêu dùng, nhưng sản lượng giảm 30% so với vài ngày trước.
Trong khi đó, đại diện hệ thống Co.op Mart cho hay trong các ngày 17-6 và 9-7, đơn vị này lấy mẫu ngẫu nhiên sản phẩm bún bò, bún tươi... của các cơ sở Bàu Cát, Kiều Trang (nhà phân phối Thu Hương), Cát Tường đem đi kiểm nghiệm tại Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, các kết quả đều cho thấy không phát hiện chất tinopal trong những sản phẩm vừa nêu.
Tương tự, bà Dương Thị Quỳnh Trang - giám đốc đối ngoại hệ thống Big C - cho biết các sản phẩm bún tươi, bánh canh, bánh ướt bán tại hệ thống được nhập về từ nhà cung cấp Trung Kiên, bánh hỏi từ nhà cung cấp Tam Nông. Theo quy định của Big C, nhà cung cấp phải có giấy cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả kiểm nghiệm vi sinh và kết quả kiểm nghiệm hàn the âm tính. Đối với mặt hàng bún, đầu tháng 7 Big C có kiểm nghiệm định kỳ chất tinopal, không phát hiện chất này trong sản phẩm.
Ông Nguyễn Thành Nhân - phó tổng giám đốc Saigon Co.op - nói: “Về mặt nguyên tắc, lấy mẫu kiểm nghiệm cần phải được thực hiện chặt chẽ và có sự chứng kiến của các bên liên quan, đằng này chúng tôi hoàn toàn không được biết”. Theo ông Nhân, một số đơn vị tự lấy mẫu rồi đem đi kiểm định, việc này nên xem là nghiên cứu riêng. Sau khi có kết quả, các đơn vị này cũng nên ngồi lại với các nhà sản xuất, nhà phân phối có sản phẩm phát hiện chất độc hại để cùng nhau xem xét trước khi công bố rộng rãi.
“Chúng tôi chỉ biết qua báo chí”
Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nói như trên và cho biết trong hôm nay (25-7), Sở Công thương cùng Sở Y tế TP.HCM, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng họp bàn về việc công bố thông tin về một số loại thực phẩm như bún, bánh canh, bánh phở... có chất tinopal. Bà Đào nói: “Đến nay, toàn bộ thông tin sở nhận được đều qua kênh báo chí. Sở Công thương và Sở Y tế muốn làm việc trực tiếp với Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng để biết rõ hơn quy trình lấy mẫu cũng như thông tin kết quả một cách chính xác.
Từ trước đến nay, đối với mặt hàng này, khi quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý chỉ quan tâm đến hàn the và chất phụ gia formol chứ không để ý việc kiểm định đến chất làm trắng huỳnh quang. Trong vụ việc vừa qua, khi có thông tin về chất tinopal, sở đã lập các đoàn thanh tra để kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh canh, bún... Hiện Sở Công thương đang phối hợp với Sở Y tế triển khai cho quận huyện thống kê các cơ sở sản xuất về bún, bánh phở, bánh canh, đồng thời kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở này”.
Bà Đào cho biết qua thông tin của báo chí, theo công bố của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng thì một số sản phẩm bày bán tại siêu thị cũng có nhiễm hóa chất khiến người tiêu dùng rất hoang mang. Ngay trong sáng 24-7, Sở Công thương đã làm việc với Saigon Co.op, đơn vị cũng cung cấp được kết quả kiểm nghiệm không có độc tố đối với mặt hàng bún của ba nhà cung cấp của siêu thị, đại diện Saigon Co.op có phản ứng khá gay gắt trước kết quả kiểm tra của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng. Riêng đại diện siêu thị Maximark cho biết đã ngừng kinh doanh sản phẩm trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm, siêu thị Big C tự đi kiểm nghiệm các sản phẩm trước đó. “Chúng tôi chỉ có kết luận cuối cùng sau khi làm việc trực tiếp với Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng trong sáng nay” - bà Đào nhấn mạnh.
Theo bà Đào, hiện trên địa bàn TP có khoảng 400 cơ sở sản xuất sản phẩm bột và tinh chế từ bột như bún, bánh canh, bánh phở..., trong đó khoảng 100 cơ sở sản xuất bún chủ yếu ở ngoại thành như Tân Phú, Gò Vấp, Củ Chi, Thủ Đức... Việc quản lý các cơ sở này vừa được phân cấp về sở nên trong buổi làm việc chiều 24-7, sở phải giao các quận huyện đi kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất bún, bánh canh... trên địa bàn tự đi kiểm định về chất làm trắng. Các cơ sở này cũng ký cam kết với cơ quan quản lý không sử dụng chất cấm.
Chịu trách nhiệm với những gì đã công bố
Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN khẳng định như vậy. Tin từ hội này cho biết hội là tổ chức được luật pháp cho phép điều tra, công bố những vấn đề liên quan đến người tiêu dùng hiện nay ở VN. Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng là cơ quan trực thuộc của hội, theo điều lệ hoạt động thì trung tâm này được phép điều tra, công bố những vấn đề liên quan đến người tiêu dùng, đồng thời chịu trách nhiệm với những gì công bố.
Hội này cũng cho biết nơi mua mẫu, cách lấy mẫu, phương pháp làm không phải là điều tra chất lượng lô hàng mà lấy mẫu như một người dân bình thường mua hàng ở bất cứ chỗ nào bán, có địa chỉ mua hàng, mua thời gian nào, có hóa đơn bán hàng và có chứng cứ lưu hồ sơ. Lâu nay hội vẫn làm như vậy và công bố để cảnh báo cho người tiêu dùng. Còn nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là làm sáng tỏ những gì mà Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cảnh báo để bảo vệ sức khỏe người dân.
Xung quanh ý kiến việc lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra, giám sát chất lượng phải có đại diện của người cung cấp thực phẩm, có niêm phong mẫu... mới đảm bảo tính pháp lý và khách quan, thông tin từ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cho rằng nhiều tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở các nước cũng thực hiện việc lấy mẫu giám sát giống như hội và không cần thiết phải có đại diện của bên cung cấp vì việc lấy mẫu có đầy đủ chứng cứ như nói trên.
Liên quan đến vụ việc, ngày 24-7 bà Phạm Thị Ngọc - phó phòng công tác thanh tra Cục An toàn thực phẩm - cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, phòng công tác thanh tra bắt đầu đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm và các dụng cụ vật liệu bao gói thực phẩm tại bốn địa phương là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Đây là những địa phương có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm. Theo kế hoạch, đoàn sẽ thanh tra sáu cơ sở tại TP.HCM trong ba ngày 23, 24 và 25-7.
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, tại TP hiện có 148 cơ sở sản xuất và kinh doanh phụ gia thực phẩm đang hoạt động và tập trung chủ yếu ở Q.5. Từ đầu năm đến giữa tháng 7-2013, chi cục đã kiểm tra, thanh tra được 82 cơ sở và phát hiện 26 cơ sở vi phạm, với các lỗi chủ yếu là không đảm bảo an toàn về điều kiện vệ sinh kho bảo quản, kinh doanh phụ gia công nghiệp chung với phụ gia thực phẩm, thực hiện ghi nhãn phụ gia thực phẩm sản xuất kinh doanh không đúng theo nội dung đã công bố...
* Anh Nguyễn Văn Tình (lò bún Hiền Thành, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức):
Buôn bán sụt giảm
Cả gia đình tôi, từ ba mẹ đến anh em đều mở lò bún. Mấy hôm nay, cả mấy anh em tôi đứng ngồi không yên vì tình hình buôn bán sụt giảm ghê quá. Ngày thường bỏ mối 2-3 tấn, giờ có ngày giảm còn không tới một nửa so với trước. Chúng tôi không biết kêu ai, mình làm ăn đàng hoàng, có giấy phép, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, vậy mà cứ mỗi khi có tin gì không tốt lại điêu đứng. Tôi từng chứng kiến trong một đám cưới người ta sợ bún đến mức thấy đĩa bún là nhăn mặt xua tay đòi đổi sang mì. Theo tôi, các mẫu bún lấy kiểm tra có độc là bún của ai, cơ sở nào, phải vạch mặt chỉ tên nơi sản xuất. Cứ nói chung chung như thế này thì chúng tôi không sống nổi.
* Chị Hoàng Thị Hằng (nhân viên văn phòng, Q.Thủ Đức, TP.HCM):
Biết độc cũng phải ăn!
Tôi đang độc thân, bạn chung phòng giờ giấc mỗi đứa không giống nhau nên nấu ăn rất khó khăn, vì vậy tôi hầu như phải ăn bên ngoài cho tiện. Mỗi ngày, tôi thay đổi một món cho đỡ ngán nên bún, phở, bánh canh, hủ tiếu là thứ không thể thiếu trong thực đơn hằng ngày. Khi báo chí đưa tin về những loại thực phẩm này có chứa chất độc, tôi thấy hoang mang quá. Nấu cơm để ăn một mình thì cũng khó, nhiều khi biết những loại đồ ăn có chất này chất kia gây hại sức khỏe, tôi cũng nhắm mắt ăn cho qua bữa. Bạn bè tôi thường hay đùa nhau “ăn cũng chết, không ăn cũng chết, thôi thà chết độc còn hơn chết đói”. Nói vậy để cười với nhau chứ bản thân tôi thấy rất lo lắng trước tình hình thực phẩm chứa chất độc tràn lan như hiện nay.
* Chị Nguyễn Thị Hiền (giáo viên, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):
Chẳng biết mua thực phẩm ở đâu thì an toàn
Tôi đang mang bầu tháng thứ sáu, vợ chồng tôi thỉnh thoảng cũng hay ăn sáng với các món chế biến từ bột gạo như bún, phở. Nhưng bây giờ nghe nói những loại này nhiễm độc thì tôi lo lắng quá, nhất là lo cho em bé trong bụng không biết có ảnh hưởng gì từ các chất này không? Nhịn những món này chắc cũng chỉ được thời gian chứ làm sao nhịn được cả đời. Nói thật là tôi thấy mệt mỏi. Trước đây, tôi tin tưởng đồ ăn mua ở siêu thị lắm, nhưng giờ mấy thức ăn lấy mẫu ở siêu thị cũng chứa chất cấm thì những người nội trợ như chúng tôi chẳng biết mua ở đâu nữa.
* Chị Phan Thị Lương (nhân viên văn phòng, Q.9):
Thay bún bằng mì gói
Cả nhà tôi rất thích ăn bún, nhất là con trai hơn 1 tuổi của tôi thì rất khoái khẩu các món bún, phở. Tôi thường tìm đến một lò làm bún gần nhà để mua, có khi vào siêu thị mua loại bún có nhãn mác hẳn hoi về nấu cho con ăn. Thế nhưng bây giờ khi báo chí nói có những mẫu bún từ lò đến siêu thị đều chứa chất gây hại cho sức khỏe, khiến tôi rất hoang mang. Cả tuần nay tôi không dám để cả nhà ăn bún nữa, con trai phải ăn mì gói cho đỡ thèm. Tôi rất mong cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn, chứ cứ thế này thì người dân như chúng tôi luôn phải sống trong căng thẳng bởi thực phẩm mất an toàn.
(Theo TTO) N.NGA - M.HOA - N.KHẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét