Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

 09:08

Vì sao chưa tự do hóa lãi suất?
 
(Thời báo Kinh Doanh) - Nhiều quan điểm cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang từng bước tiến tới tự do hóa lãi suất. Liên tiếp 2 phép thử lần lượt được NHNN thực hiện là: bỏ trần lãi suất đối với kỳ hạn trên 1 năm, và mới đây là bỏ trần đối với kỳ hạn trên 6 tháng...
Sau các quyết định trên, thị trường đã không xuất hiện sự xáo trộn nào, cũng như không có cuộc chạy đua nâng lãi suất giữa các ngân hàng như giai đoạn năm 2011. Như vậy, phép thử đã thành công, song NHNN vẫn sẽ duy trì trần lãi suất ít nhất là đến cuối năm nay. 
Chờ hiệu ứng của VAMC 
Theo quan điểm này, sở dĩ NHNN vẫn chưa bỏ trần là vì trong ngắn hạn, trần lãi suất được sử dụng với vai trò định hướng các thành viên tham gia thị trường vốn trong việc cơ cấu nguồn vốn và xây dựng lãi suất cho các kỳ hạn khác nhau. Nhất là lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại và các thị trường có liên quan chặt chẽ đến lãi suất là thị trường ngoại hối và vàng vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. 
Quan trọng hơn, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ khai trương hoạt động vào ngày 25/7, nên NHNN cần thêm thời gian để thấy rõ hơn tác động của công ty này đến việc cải thiện hơn nữa thanh khoản của hệ thống ngân hàng. 
Ngày 23/7, Bộ Tài chính đã ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với VAMC. Một vài điểm của dự thảo cho thấy tác động tích cực đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, theo Khoản 1 và 2, Điều 7 của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, VAMC chỉ được dùng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và sử dụng các nguồn vốn hợp pháp để mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường. 
Tăng trưởng tín dụng và lãi suất cho vay 
Dự thảo còn cho phép VAMC có thể được đầu tư dưới hình thức: gửi tiền tại các TCTD trong nước; Tham gia góp vốn, mua cổ phần để cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay theo quy định tại Điểm C, Khoản 1, Điều 12 và Khoản 4, Điều 16 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP; Sửa chữa, nâng cấp tài sản đảm bảo đã được VAMC thu nợ theo quy định tại Điểm D, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 53/2013/NĐ-CP; VAMC được sử dụng vốn để đầu tư, cung cấp tài chính cho khách hàng vay để xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh theo quy định tại Khoản 3, Điều 17 Nghị định 53/2013/NĐ-CP. 
Trước khi hiệu ứng của VAMC trở nên rõ rệt, giới chuyên gia nhận định lãi suất không còn dư địa để giảm tiếp, mặc dù trong tuần đầu tháng 7, một số ngân hàng quốc doanh đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ 1 tháng xuống 5%, thấp hơn mức trần quy định của NHNN 2%. 
Theo bà Trần Thị Hà My - chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt, có nhiều lý do khiến NHNN không tiếp tục cắt giảm các lãi suất điều hành. Trước hết là lạm phát có khả năng sẽ tăng trở lại trong tháng 7 do tác động từ việc tăng giá của các mặt hàng xăng dầu và giá thực phẩm cũng đã tăng trở lại. Nếu lãi suất tiếp tục giảm sẽ thu hẹp khoảng cách lãi suất tiền gửi giữa VND - USD và gây áp lực lên tỷ giá. 
Bà My cho rằng động thái giảm lãi suất trên thị trường mở của NHNN ngày 19/7 chỉ là biện pháp tình thế nhằm hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống do hệ quả của việc NHNN phát hành tín phiếu trước đó (~35.000 tỷ đồng) để hạn chế tình trạng đầu cơ của các ngân hàng liên quan đến tỷ giá. "Còn việc các ngân hàng tiến hành giảm mạnh lãi suất huy động xuất phát từ mong muốn cắt giảm chi phí", bà My nhận định. 
Lãi suất bao nhiêu là hợp lý? 
Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy các khoản vay có mức lãi suất cho vay dưới 10% chiếm khoảng 14% trên tổng dư nợ của ngành ngân hàng, từ 10 - 13%/năm chiếm xấp xỉ trên 50%, từ 13 - 15% chiếm khoảng 24%, trên 15% chiếm khoảng 12%. 
Nếu phân loại theo lĩnh vực, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 7 - 9%/năm, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực kinh doanh khác là 9 - 10,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn khoảng 11 - 13%/năm. 
Giới chuyên gia cho rằng mặc dù lãi suất huy động không giảm, thậm chí có thể tăng nhẹ, nhưng dựa trên kỳ vọng lạm phát cả năm và bối cảnh của nền kinh tế hiện tại, mức lãi suất cho vay trung và dài hạn hợp lý sẽ vào khoảng 9 - 11%/năm, thấp hơn mức hiện tại khoảng 2%. 
"Lãi suất cho vay tiếp tục giảm là khả thi, tuy nhiên về mặt thời điểm thì một đợt giảm lãi suất mạnh và đồng đều chỉ có thể diễn ra vào quý cuối năm", bà My nhận định, và lý giải là do sự lệch pha giữa tốc độ giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Mặc dù lãi suất huy động đã giảm, nhưng mức giảm đáng kể nhất chủ yếu là ở các kỳ hạn 1 - 3 tháng, trong khi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lãi suất huy động vẫn đang xoay quanh mức từ 7 - 9%/năm. Việc giảm lãi suất cho vay luôn có một độ trễ nhất định so với giảm lãi suất huy động. 
Hiện tại, các ngân hàng đang tung ra khá nhiều gói hỗ trợ lãi suất, tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn thì mức lãi suất thấp chỉ được duy trì trong các tháng đầu, sau đó, người đi vay phải chấp nhận rủi ro lãi suất cao hơn. Trước tình trạng huy động nhiều và cho vay thấp, các gói hỗ trợ lãi suất trên chỉ có thể là biện pháp tức thời của các ngân hàng chứ chưa thực sự khẳng định xu hướng giảm lãi suất cho vay trong trung và dài hạn. 
Bà My cho rằng triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp trong 12 tháng tới có thể thấy rằng niềm tin kinh doanh đã cải thiện, tuy nhiên những khó khăn về nhu cầu tiêu thụ và tiếp cận nguồn vốn tài trợ dài hạn vẫn đang là lo ngại của đa số DN. Về cuối năm, nhu cầu vay vốn sẽ gia tăng và tiến trình giải quyết nợ xấu có những kết quả bước đầu rõ rệt hơn, từ đó, kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu đưa mặt bằng lãi suất cho vay về mức 9 - 11%/năm. 
(Theo TBKD) Huệ Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét