09:41
Người dân đang được dùng
món… cãi chày cãi cối!
Ông bà ta có một câu thành ngữ khá thú vị: “Miệng
nhà quan có gang có thép”. Câu thành ngữ đó ra đời trong thời quân chủ thế
nhưng không ngờ nó vẫn... đúng trong thời đại chúng ta, mới là lợi hại!
Nguyên lai là vào ngày 25.7, hai cơ quan chức năng là Sở Công Thương
và Sở Y tế TP.HCM họp để làm sáng tỏ thông tin các cơ sở sản xuất bún, bánh
canh, bánh hỏi, bánh phở có sử dụng chất huỳnh quang tinopal độc hại hay
không. Trọng tâm buổi họp là như vậy nhưng không đưa ra được kết luận nào.
Ngược lại, nội dung tranh luận sôi nổi lại là chuyện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ
người tiêu dùng (viết tắt là Hội TCBVNTD) có quyền lấy mẫu thử nghiệm và công
bố các sản phẩm này độc hại hay không.
Cũng nên nhắc lại, trước đó các cơ quan chức năng của tỉnh Tây
Ninh kiểm tra đồng loạt các lò bún và đưa ra nhận định có việc sử dụng chất
độc hại trong sản xuất bún. Tiếp theo đó, PV Báo Thanh Niên đã thâm nhập một
số lò bún trong thành phố và có một loạt bài viết về cách làm bún bẩn, bún
tái chế với đầy đủ hình ảnh trực quan về cách “sản xuất” rợn da gà này. Có
thể xem đây là hai tiền đề để nhiều cơ quan báo chí và đơn vị bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng lên tiếng báo động về việc sử dụng chất huỳnh quang công
nghiệp tinopal độc hại trong sản xuất các loại bún, bánh, phở…
Hội TCBVNTD đã lấy một số mẫu lẻ, trong đó có nhiều mẫu mua tại
các siêu thị, đưa đi xét nghiệm độc lập và công bố kết quả giám sát sáng
22.7. Nội dung công bố khẳng định 80% mẫu có chất tinopal, đặc biệt ở siêu
thị có 75% mẫu có chất tinopal. Như vậy, chất tinopal có trong thực phẩm bún,
bánh, phở… là rõ ràng; siêu thị có nhập hàng này vào bán buôn cũng là rõ ràng.
Đương nhiên, một kết luận như vậy khó được hai sở hữu quan hoan
hô, lại còn bị các vị lãnh đạo siêu thị nồng nhiệt và tích cực phản ứng. Siêu
thị bảo lấy mẫu nhỏ lẻ để kiểm nghiệm là không đáng tin vậy. Sở Công Thương
cho rằng việc lấy mẫu và công bố kết quả thử nghiệm của Hội TCBVNTD là không
đúng pháp luật. Suy rộng ra, quan điểm của Sở là chỉ khi nào Sở lấy mẫu và
công bố kết luận thì việc làm ấy mới phù hợp pháp luật, bởi chỉ có Sở mới có
chức năng làm điều ấy.
Có thật vậy không? Hội TCBVNTD VN lấy mẫu xét nghiệm và công bố
kết quả thử nghiệm là hoàn toàn phù hợp với quy định tại điều 28 luật Bảo vệ
người tiêu dùng. Tiếc thay, một sở to đùng như Sở Công thương lại không nắm
rõ được điều ấy. Và điều mà mọi người vẫn có thể nhớ là Hội
TCBVNTD là một tổ chức hội đoàn, không có chức năng quản lý nhà
nước nên việc công bố kết quả của họ là độc lập, miễn là có giá trị cảnh báo
đúng và trúng đối với người tiêu dùng. Tất nhiên, tốt hơn hết là họ nên gửi
kết quả thử nghiệm và kết luận của mình qua hai sở hữu quan để “quý sở”
nghiên cứu.
Báo chí cũng không làm thay cơ quan chức năng hữu quan. Đáng lẽ
khi đọc loạt bài về sản xuất bún bẩn trên Báo Thanh Niên, hai sở hữu quan nên
lập tức đi tìm hiểu thực tế và thể hiện vai trò quản lý nhà nước của mình.
Bây giờ, mọi việc đã được công bố rồi, thực tế dùng chất tinopal trong sản
xuất bún, bánh, phở là tràn lan thì quay ngược bắt bẻ thẩm quyền công bố của
Hội TCBVNTD là việc làm khá hài hước. Đúng là “quan” thì nói ra có gang có
thép, dù là nói… trật pháp luật!
Chuyện các vị siêu thị lên ti vi hay tham gia cuộc họp lên tiếng
cùng cãi vã cũng là một chuyện hài hước. Niềm tin của người tiêu dùng đặt vào
siêu thị khá lớn. Nhưng cá tầm nhập lậu độc hại, trái cây Trung Quốc có chất
độc hại đã từng ngang nhiên được bày bán trong siêu thị. Bây giờ siêu thị bày
bán bún, bánh canh, phở… có chất tinopal là điều có thật. Đáng lẽ quý vị nên
nhận lỗi với người tiêu dùng thì ngược lại lại làm một điều đáng tiếc là lên
ti vi và tham gia họp cãi chày cãi cối.
Cho hay, những phát hiện có trách nhiệm, những kết luận đúng và
khách quan nhiều khi lại không được sự đồng thuận của cơ quan chức năng. Điều
đáng tiếc là những tư duy bảo thủ về thẩm quyền vẫn nặng nề, không thoát ra
được khỏi quỹ đạo bao cấp!
(Theo Thanh niên) Vũ Đức Sao Biển
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét