Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

14:35

Cần có cái nhìn khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam

QĐND - Ngay sau khi giành được độc lập (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, vấn đề có tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam là: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng và Nhà nước Việt Nam thể hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Quan tâm đến công tác tôn giáo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung và đời sống của đồng bào các tôn giáo nói riêng là một trong những nguyên tắc lãnh đạo, quản lý xã hội và điều hành đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 đã khẳng định quyền của người dân Việt Nam: “Mọi công dân Việt có quyền tự do tín ngưỡng” (Chương II, mục B). Điều 80 Hiến pháp 1980 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 được bổ sung rõ hơn: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền nhân thân cơ bản của công dân cũng được đề cập trong Bộ luật Dân sự, được bảo vệ bằng pháp luật và được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng ở mức độ cao hơn, hoàn thiện hơn. Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 26/1999/NĐ-CP, ngày 19-4-1999 về các hoạt động tôn giáo đã được thay thế bằng Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18-6-2004 và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 29-6-2004. Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời là một minh chứng khẳng định nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thực tế, những chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo không phải chỉ được khẳng định ở Hiến pháp, pháp luật hay trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng mà được thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày.
Các số liệu được đưa ra tại cuộc tọa đàm về tự do tôn giáo được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức ngày 20-6-2013 ở Oa-sinh-tơn cho thấy, nhận thức và hoạt động tôn giáo tại Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn trong vòng 20 năm qua. Đời sống tôn giáo ở Việt Nam chưa bao giờ sôi động như hiện nay và đang phát triển theo chiều hướng tích cực, tạo ra sự ổn định trong xã hội. Số người theo tôn giáo đã tăng từ 22 triệu lên 25 triệu người trong vòng 2 năm, trong khi số tôn giáo được công nhận đã tăng từ 6 lên 13 trong vòng 8 năm. Rất nhiều tôn giáo có đại diện trong Mặt trận Tổ quốc và Quốc hội, góp phần củng cố chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Cũng tại cuộc tọa đàm này, Tiến sĩ Cơ-rít Xây-plơ, Chủ tịch Viện Can dự toàn cầu (IGE), một tổ chức phi chính phủ Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam đã đánh giá cao những tiến triển về tự do tôn giáo tại Việt Nam: “Tại khu vực Tây Bắc, đã có hơn 300 nhà thờ được đăng ký và con số này tại Tây Nguyên là hơn 2000. Ngay trong tuần này, một chủng viện Tin lành đã lần đầu tiên được đăng ký tại Việt Nam. Lần đầu tiên kể từ năm 1975, Chính phủ Việt Nam sẽ tài trợ 150.000USD cho công tác nghiên cứu về vấn đề tôn giáo và pháp quyền. Chúng tôi đồng hành với những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang thực hiện. Nếu không có những quyết định tích cực của Việt Nam thì chúng tôi sẽ không thể hoạt động tại đây”.
Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ (năm 2011), Việt Nam có hơn 25 triệu tín đồ (chiếm hơn 1/4 dân số), trong đó Phật giáo khoảng 10 triệu người, Công giáo 6,1 triệu, Cao đài 2,4 triệu, Hòa hảo 1,2 triệu, Tin lành 1,5 triệu và Hồi giáo khoảng 100.000. Nếu kể các hành vi thờ cúng tổ tiên, thành hoàng, vua Hùng… thì hầu hết người Việt có tâm linh tôn giáo. Song điều quan trọng là, mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam đều diễn ra bình thường, không gặp bất cứ sự cản trở nào. Những ngày lễ của các tôn giáo được tổ chức trọng thể theo đúng nghi thức tôn giáo, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng vào chính sách tôn giáo và pháp luật của Nhà nước Việt Nam, đồng thời bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận tại Điều 18 Tuyên ngôn nhân quyền toàn thế giới năm 1948 và được phát triển đầy đủ hơn trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc. Điều 18, khoản 3 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị nói về quyền tự do tôn giáo đã xác định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Như vậy, theo quan điểm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, mặc dù là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có giới hạn. Sự giới hạn đó là cần thiết nếu việc thực hiện quyền này xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng hoặc quyền và tự do cơ bản của người khác. Nói cách khác, ở tất cả các nước, các loại hình tổ chức tôn giáo đều được tự do hoạt động nhưng phải trong giới hạn của Hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi hoạt động tôn giáo gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức và các quyền của người khác… đều bị cấm và nghiêm trị theo pháp luật. Vì vậy, những kẻ lợi dụng tôn giáo để trục lợi cá nhân, thực hiện những hành động chống chính quyền, gây mất ổn định trật tự xã hội thì phải bị xử lý thỏa đáng.
Chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, trong những năm qua, hoạt động tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vẫn còn một số thiếu sót ở một vài địa phương, trong một số vụ việc cụ thể. Thế nhưng, về cơ bản, lãnh đạo các chức sắc tôn giáo tại Việt Nam và đông đảo những người có lương tri trên thế giới đến thăm Việt Nam đều thừa nhận những thành tựu to lớn của nước ta trên lĩnh vực tôn giáo.
Có thể kể đến đánh giá của Thượng nghị sĩ Mỹ Gim-oép-bơ (Jim Webb) sau chuyến thăm Việt Nam năm 2009 rằng: Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể, song không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991 đến nay. Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Va-ti-căng Ba-lê-xtre-rô trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 2-2012) đã ghi nhận: Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và đảm bảo tự do tôn giáo của người dân. Ngay cả Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2012 của Bộ Ngoại giao Mỹ (công bố ngày 20-5-2013), phần đánh giá về Việt Nam cũng phải ghi nhận: “Đã có những dấu hiệu cải thiện, như cấp phép đăng ký cho các giáo đoàn mới, cho phép mở rộng các hoạt động từ thiện và cho phép tổ chức các buổi lễ tôn giáo quy mô lớn với trên 100.000 người tham dự”...
Vì vậy, có thể nói việc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua cái gọi là “Dự luật nhân quyền Việt Nam” (HR 1897) ngày 28-6-2013, do hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ét Roi-xơ (Ed Royce) và Cơ-rít Xmit (Chris Smith) khởi xướng là một việc làm đáng tiếc, tạo ra sự ảnh hưởng không tốt cho quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.
(Theo QĐND) Đại tá, Thạc sĩ VŨ HỒNG KHANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét