Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Diễn biến mới vụ Snowden:

14:15

 Sợ Mỹ, Tổng thống Ecuador “lật kèo” Snowden?

 (NLĐO) - Sau những tuyên bố ủng hộ ban đầu, giờ đây Tổng thống Ecuador Rafael Correa nói rằng giấy thông hành cấp cho Edward Snowden, người tiết lộ các chương trình do thám mật của Mỹ, là “không đúng thẩm quyền” và tuyên bố “người thổi còi” là vấn đề của Nga.

Trả lời phỏng vấn tờ Guardian (Anh) ngày 1-7, ông Correa khẳng định Ecuador hiện không xem xét yêu cầu tị nạn của Snowden và chưa bao giờ có ý định hỗ trợ anh này bay từ Hồng Kông đến Moscow - Nga. “Đó là một sơ suất của chúng tôi” - ông Correa nói thêm.

Khi được hỏi về khả năng cựu nhân viên CIA đến được Ecuador hay không, ông Correa “đá trái bóng” về phía Nga: “Trường hợp của Snowden rất phức tạp nhưng lúc này anh ta đang ở trên lãnh thổ Nga và quyết định thuộc về giới chức Nga”.

Guardian tiếp tục hỏi tổng thống Ecuador có định gặp Snowden không, ông trả lời: “Không cần thiết. Anh ta là người rất phức tạp. Nói đúng ra thì anh ta đã có hành vi gián điệp vào một lúc nào đó”.


Tổng thống Ecuador đang tìm cách tránh xa vụ Snowden. Ảnh: AP

Cuộc phỏng vấn được thực hiện trước khi lá thư Snowden gửi cho ông Correa được công bố nhưng lại xuất hiện trên mặt báo sau đó. Do vậy, những lời lẽ Snowden viết trong thư bỗng trở nên lạc lõng.

“Tôi bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc trước những nguyên tắc của ngài và chân thành cảm ơn chính phủ ngài đã xem xét đề nghị tị nạn của tôi. Không có nhiều lãnh đạo trên thế giới dám mạo hiểm đại diện cho nhân quyền để đứng ra bảo vệ một cá nhân trước chính phủ hùng mạnh nhất trên trái đất. Và sự dũng cảm của Ecuador là một hình mẫu của thế giới” - Snowden viết.

Theo Snowden, sở dĩ anh bay được đến Moscow hôm 22-6 là nhờ một giấy thông hành tạm thời do ông Fidel Narvaez, lãnh sự Ecuador ở London - Anh, cấp. “Nếu không có giấy tờ đó, tôi đã không dám đánh liều lên máy bay. Nhờ có sự ủng hộ liên tục của chính phủ ngài, tôi vẫn còn tự do và có thể tiết lộ các thông tin hữu ích cho lợi ích chung” - Snowden nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tổng thống Ecuador khẳng định giấy thông hành tạm thời trên đã bị hủy bỏ 5 ngày sau đó và đây là một “sai lầm ngớ ngẩn”. “Thời điểm đó rất nhạy cảm. Ngoại trưởng của chúng tôi đang công du châu Á. Thứ trưởng Ngoại giao lại ở Czech, còn đại sứ tại Mỹ đi công cán Ý. Giấy thông hành đó được ban hành mà không có giá trị, không đúng thẩm quyền, thậm chí chúng tôi cũng không biết” - ông Correa trần tình.

Qua những gì tổng thống Ecuador giãi bày, có thể người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã tác động vào quyết định trên. Ông Correa nói: “Assange đang ở tại đại sứ quán của chúng tôi ở London, lại là bạn của lãnh sự Narvaez. Ông ta đánh thức ông Narvaez lúc 4 giờ sáng, nói là Snowden sắp bị bắt và ông Narvaez đã hành sự thiếu suy xét”.

Theo Guardian, ông Correa tìm cách “né” Snowden sau cuộc điện đàm với phó tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần rồi. Tuy nhiên, tình hình đã có diễn biến mới khi Nga lên tiếng xác nhận đã nhận được đơn xin tị nạn của Snowden hôm 1-7.
Hải Ngọc (Theo Guardian)

Snowden tiết lộ thêm bí mật về việc nghe trộm của Mỹ

 Snowden vừa tiết lộ danh sách 38 Đại sứ quán và Lãnh sự quán của nước ngoài đặt tại Mỹ bị NSA giám sát.
Văn bản mới được Edward Snowden tiết lộ cho biết, Mỹ đã theo dõi hàng chục Đại sứ quán và cơ quan đại diện của các đối thủ cũng như đồng minh trên đất Mỹ để nắm bắt rõ hơn các bất đồng trong chính sách của các quốc gia.
Tài liệu bị rò rỉ tiết lộ danh sách 38 Đại sứ quán và Lãnh sự quán của nước ngoài đặt tại Mỹ được đặt vào “mục tiêu” của sự giám sát nói trên.
Theo bản danh sách này, không chỉ có các đối thủ của Mỹ bị đặt trong danh sách “mục tiêu” mà còn có cả những đồng minh như EU cùng với các đại sứ quán Pháp, Italy, Hy Lạp, Nhật Bản, Mehico, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông.
Tình báo Mỹ đã sử dụng những kỹ thuật gián điệp công nghệ cao để nghe lén các cuộc điện thoại cũng như kiểm soát thư tín và hệ thống cáp viễn thông.
Các hoạt động do thám đối với hàng chục Đại sứ quán và các hoạt động bí mật khác tại Mỹ được đặt dưới các tên mã như “Perdido”, “Blackfoot”, “Wabash” và “Powell”.
Hoạt động theo dõi văn phòng EU tại Liên Hợp Quốc được đặt tên mã là "Perdido". Việc thu thập dữ liệu được thực hiện qua cấy ghép, hoặc cài lỗi đặt bên trong thiết các thiết bị điện tử, hay thực hiện sao chép bí mật trên ổ cứng của máy tính bị do thám.
Tên mã “Blackfoot” được sử dụng trong một hoạt động chống lại các nhiệm vụ của Pháp tại Liên Hợp Quốc và tên mã “Wabash” là tên mã theo dõi các hoạt động của đại sứ quán Pháp ở Washington.
Đại sứ quán Italy tại Washington cũng đã được coi là mục tiêu và có tên mã là “Bruneau” và “Hemlock”.
Việc theo dõi đối với Hy Lạp tại Liên Hợp Quốc được đặt tên là “Powell” và các hoạt động do thám đại sứ quán của quốc gia này được gọi là “Klondyke”.
Tuy nhiên vẫn chưa rõ NSA đã tiến hành các hoạt động tình báo này một cách độc lập hay phối hợp với FBI hay CIA.
Phản ứng trước những thông tin mới bị rò rỉ nói trên, Tổng thống Pháp Francois Hollande yêu cầu Mỹ phải chấm dứt ngay hoạt động này, trong khi Đức cho biết "hành vi đối xử như thời chiến tranh lạnh" như vậy là "không thể chấp nhận được".
Snowden rời Mỹ đến Hong Kong vào tháng 5/2013 và hiện được cho là vẫn còn trong khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo tại Moscow trong khi chờ Ecuador xem xét yêu cầu tị nạn của mình. Mỹ đã buộc Snowden vào tội hoạt động gián điệp và đang cố gắng để dẫn độ anh./.
CTV Cường Trần/VOV online (Theo RT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét