Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

 09:46

Trở lại thiên phóng sự “Ma thuật của một Đại tá Công an”: 
Thanh tra Bộ Công an có bao che, ngụy biện?

Sau khi Báo Người cao tuổi đăng loạt bài điều tra “Ma thuật của một Đại tá Công an”, Đại tá Hoàng Đăng Lộc, Trưởng phòng Thanh tra Tổng cục Xây dựng Lực lượng, đồng thời là Phó Trưởng đoàn cùng Trung tá Dương Đình Sơn, Thanh tra Bộ Công an đã có buổi làm việc mang tính trao đổi với Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi về nội dung các bài báo.
Ông Lộc thừa nhận Thanh tra Bộ Công an đã nhận được công văn của Báo Người cao tuổi, song vì vụ việc phức tạp, do vậy, đến tại thời điểm đó, Thanh tra Bộ chưa có kết luận gì về những sai phạm của Đại tá Trần Văn Vệ. Ông Lộc đề nghị Báo Người cao tuổi cung cấp tài liệu để đoàn xác minh có cơ sở kết luận. Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi khẳng định quan điểm của Báo là thông tin khách quan, trung thực, bảo đảm chính xác. Nếu Thanh tra Bộ Công an cho rằng bài báo có nội dung chưa chính xác thì Báo sẽ xác minh, nếu viết sai thì Báo cải chính, xin lỗi theo quy định của Luật Báo chí. Quan điểm của Báo là ông Vệ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xác minh nếu vi phạm pháp luật phải được xử lí! Thế nhưng sau buổi làm việc đó (thậm chí cho đến thời điểm này) Thanh tra Bộ Công an cũng không có văn bản hồi âm trả lời Báo Người cao tuổi, buộc Báo tiếp tục cho đăng tải một loạt bài để làm sáng tỏ sự thật. Tiếp sau đó, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Xây dựng Lực lượng (Tổng cục III) Bộ Công an có buổi làm việc với Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi, đề nghị Báo tạm ngừng đăng tải để Bộ Công an có giải pháp xử lí. Thế nhưng, Đại tá Trần Văn Vệ không bị xử lí gì mà sau gần 2 năm còn được phong hàm Thiếu tướng, khiến dư luận xã hội tỏ ra hoài nghi về tính trung thực, khách quan, tuân thủ pháp luật của Thanh tra Bộ Công an.
Với trách nhiệm công dân, nhà báo Nguyễn Trọng Thắng đã có báo cáo phản ánh về những sai phạm của Đại tá Trần Văn Vệ gửi Bộ trưởng Bộ Công an, với hàm ý để Bộ xem xét xử lí nội bộ, bảo đảm danh dự, uy tín của ngành. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn làm việc với đoàn xác minh, cán bộ Thanh tra bộc lộ có dấu hiệu bao che cho những sai phạm của Đại tá Trần Văn Vệ. Điều đó được thể hiện khi Báo Người cao tuổi có văn bản số 189/TL-BNCT ngày 8/10/2010 trả lời đơn khiếu nại gửi đến cơ quan Tổng cục nhưng ông Vệ đã ngạo mạn từ chối không nhận.
Sau hàng chục ngày rong ruổi ở tỉnh Thái Bình, ngày 29/10/2010 Đoàn xác minh Thanh tra Bộ Công an mới có văn bản số 1056/V24 (P2) thông báo kết luận giải quyết đơn trình báo do Đại tá Nguyễn Văn Lưu, Phó Chánh Thanh tra Bộ kí. Kết luận thừa nhận “trong 13 sự việc đơn nêu đều là những vụ việc có thật. Trong đó có 11 vụ việc đơn nêu không đúng bản chất sự việc, mang tính suy diễn cá nhân và gán ghép trách nhiệm không đúng cho ông Vệ. Còn có 2 việc đơn nêu đúng một phần và có thiếu sót, sai phạm nhưng không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của ông Vệ. Gồm: Việc bà Bùi Thị Kim Liên (vợ ông Vệ) giả mạo hồ sơ để hưởng lương hưu khi mới 33 tuổi là thuộc trách nhiệm của bà Liên, Xí nghiệp Cơ khí Giao thông Thái Bình và Sở Giao thông Vận tải Thái Bình. Tuy nhiên, ông Vệ là chồng bà Liên, có biết việc bà Liên nghỉ hưu năm 1993 (khi mới 33 tuổi) là không đủ điều kiện nhưng vẫn để bà Liên lĩnh lương hưu nhiều năm rồi mới đề nghị truy thu nộp cho Nhà nước là thiếu sót, khuyết điểm. Việc bà Liên xin truy nộp tiền đóng phí BHXH từ tháng 1/2002 đến 6/2007 với số tiền 17.922.000 đồng bởi bà Liên là lao động của Công ty Hoàng Phát và Công ty Hải Bình là đúng quy định của BHXH Việt Nam”. Quả là trớ trêu, trong khi đó bản chất thật của vụ việc ở Thái Bình thì lại khác. Sự thật là cuối năm 2006, ông Vệ dùng quyền uy vô cớ thu hồi giấy phép xuất bản tập “Điểm trắng” của nhà báo Nguyễn Trọng Thắng, do NXB Hội Nhà văn cấp. Cũng tại thời điểm này, ông Thắng tiếp nhận được tin tố giác của quần chúng về hành vi man trá giả mạo hồ sơ nghỉ hưu của bà Liên. Khi biết bị bại lộ, ông Vệ đành phải cậy nhờ bạn hữu có quyền uy ở Thái Bình thương lượng để trả lại giấy phép xuất bản tập sách cho ông Thắng và đề nghị ông Thắng bỏ qua cho việc của vợ ông. Sau buổi ông Vệ đối thoại trực diện với ông Thắng trước Tết dương lịch 2007, tưởng mọi chuyện đã qua đi, nào ngờ ngày 21/1/2007 Đặng Đình Liêm, Kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Thái Bình tổ chức mưu sát ông Nguyễn Trọng Thắng không thành, còn giở thói côn đồ đánh trọng thương ông Thắng. Vụ việc không thể chối bỏ được buộc ông Vệ phải khởi tố vụ án nhưng vẫn lo ngại ông Thắng sẽ nghi can ông Vệ có dính líu đến vụ mưu sát này. Bởi thế đến ngày 6/7/2007, ông Vệ đã trực tiếp can thiệp với lãnh đạo BHXH tỉnh Thái Bình để bà Liên nộp lại khoản tiền hưu man trá đã lĩnh, nhằm phủi tay trách nhiệm của ông. 
Văn bản thể hiện sự ngạo mạn, cửa quyền vi phạm Luật Báo chí của Phó Chánh
Thanh tra Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Văn Lưu.
Lẽ ra biết sai mà sửa thì mọi việc đã khép lại, nào ngờ từ sau ngày bà Liên nộp lại tiền gian lận, ông Thắng và gia đình rơi vào tình trạng căng thẳng bởi các hành vi khủng bố, đe nạt, đơn thư mạo danh, nặc danh vu khống, kẻ xấu rình rập ngày đêm. Trắng trợn hơn bọn xấu còn ghép hình vợ ông Thắng quan hệ bất chính bắn vào điện thoại, nhằm phá vỡ hạnh phúc gia đình ông. Những hành vi đó có phải do ông Vệ dàn dựng hay không thì chưa có đủ bằng chứng xác lập, nhưng việc ông Vệ công khai bảo vệ cho ông Trịnh Trung Thông và những kẻ tham nhũng tại Hội VHNT Thái Bình là có thật. Đó là miếng đòn cuối cùng nhằm hất đẩy ông Thắng ra khỏi vị thế của người cầm bút, trong khi ông Thắng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội, Trưởng Chi hội Văn học phụ trách 60 nhà văn ở Thái Bình. Sau này khi vỡ lở ra, mới hay, để rảnh tay cho ông Vệ có cơ hội chạy về Bộ Công an mà bản thân và gia đình ông Thắng đã phải đương đầu với những trò “ma thuật” của ông Vệ. Bởi ở Thái Bình ông Thắng là người nắm bắt đầy đủ những hành tung và sai phạm của ông Vệ. Nhưng với bản lĩnh nghề nghiệp, ông Thắng đã vượt lên những bất hạnh giáng xuống gia đình, tiếp tục điều tra phơi bày sự thật. Không ngờ, khi tiếp tục lật lại hồ sơ về hưu man trá của bà Liên đã phát hiện ra vợ chồng ông Vệ lại tiếp tục lừa đảo Nhà nước, biến tướng truy nộp tiền BHXH để rồi tiếp tục được hưởng chế độ hưu cho bà Liên khi có cơ hội. Trong thực tế, bà Bùi Thị Kim Liên không có một ngày lao động ở Công ty Trường Phát và Công ty Hải Bình mà suốt ngày chỉ quanh quẩn nhà bếp, người dân ở phường Quang Trung ai cũng biết. Thế mà kết luận của Đoàn xác minh Thanh tra lại thừa nhận hành vi man trá đó là đúng thì còn có ai tin được không? Trong khi đó, những kẻ giả mạo hồ sơ giống như bà Liên thì bị ông Vệ khởi tố, bắt bớ. Phải chăng bà Liên là vợ của Giám đốc Công an tỉnh thì được miễn trừ, được quyền năng làm trái quy định của pháp luật?
Tại văn bản số 4358/BHXH-CSXH, ngày 7/10/2010 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trả lời Tòa án khẳng định: “Việc lập hồ sơ truy đóng và gửi đóng bảo hiểm xã hội là hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Các hành vi vi phạm này phải được làm rõ để xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lí vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Trong kết luận thanh tra, ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng đoàn còn ngụy biện cho ông Vệ, rằng: “không có việc ông Trần Văn Vệ làm giả chứng minh thư nhân dân cho bà Bùi Thị Kim Liên sinh năm 1949 để hưởng chế độ hưu trí”. Thử hỏi Cơ quan BHXH căn cứ vào cơ sở pháp lí nào để cấp phát lương hưu cho bà Liên (nếu không có chứng minh thư)? Đó là kết luận, trái pháp luật, bao che cho hành vi sai trái.
Trong 11 vấn đề xác minh kết luận đều không lí giải cụ thể song vội công khai xác nhận: “Không đúng bản chất sự việc, mang tính suy diễn cá nhân và gán ghép
Tội phạm tham nhũng Trịnh Trung 
Thông, cựu Chủ tịch Hội VHNT 
Thái Bình từng được ông Vệ bao 
đỡ phải lĩnh án 3 năm tù. Hiện nay 
còn câu kết với nhau làm đơn tố 
cáo vu khống nhà báo Nguyễn Trọng
 Thắng gửi nhiều cơ quan chức năng 
của Trung ương.
trách nhiệm cho ông Vệ”. Điều này Đoàn xác minh Thanh tra Bộ Công an cố tình bao che cho những sai phạm về trách nhiệm của ông Vệ. Trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và quy định của pháp luật đã xác lập người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra tại tổ chức, đơn vị, địa phương mình quản lí. Là Giám đốc Công an quản lí trật tự an ninh chính trị như ông Vệ lại để mặc cho tội phạm hoành hành, bỏ lọt tội phạm, phá phách rừng ngập mặn, thi công công trình kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng, tệ nạn xã hội, tham nhũng tràn lan… như 11 vấn đề đã nêu chẳng lẽ ông Vệ không phải chịu liên đới trách nhiệm? Rõ ràng, đó chỉ là quan điểm riêng của Đoàn xác minh chứ không phải là quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an? Vụ án tham nhũng gần 600 triệu đồng tại Hội VHNT Thái Bình, tội phạm Trịnh Trung Thông phải lĩnh 3 năm án tù là một minh chứng phản ánh đúng bản chất vụ việc. Nếu ông Vệ không chuyển về Bộ Công an thì vụ án này chắc chắn “chìm xuồng”.
Có điều từ ngày ông Trần Văn Vệ chuyển đi, Thái Bình trở lại yên bình, hầu như không còn các băng nhóm tội phạm nghênh ngang vác đao, vác kiếm sát phạt lẫn nhau, đòi nợ thuê như trước. Tệ nạn nghiện hút, mại dâm giảm hẳn.
Có thể đoàn xác minh Thanh tra Bộ Công an đã lạm dụng quyền uy để ngụy biện khuất lấp hành tung giả mạo hồ sơ hưu trí cho vợ ông Vệ và những “ma thuật” của ông Vệ, nhưng không lí giải bao biện nổi bà Bùi Thị Kim Liên, trá hình trong Đoàn doanh nhân tháp tùng Phó Chủ tịch nước đi thăm Hoa Kỳ vào năm 2009 mà chính ông Vệ là người trực tiếp dàn dựng. Người đàn bà quanh năm làm nội trợ bỗng hóa thành “nữ doanh nhân” sang trọng tháp tùng Phó Chủ tịch nước sang thăm Hoa Kỳ?
Với trách nhiệm do Bộ Công an giao phó, Đoàn xác minh Thanh tra chẳng những không làm tròn trách nhiệm “cán cân công lí” mà còn có dấu hiệu bao che cho ông Vệ. Họ còn ra công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu cơ quan báo chí ngừng đăng tải các bài viết về ông Vệ. Đã gần 3 năm, Thanh tra Bộ Công an vẫn im lặng, không trả lời báo chí trong khi Thiếu tướng Trần Văn Vệ hằng ngày xảo biện, tiếp tục làm “ma thuật”. Trong kết luận, Đại tá Nguyễn Văn Lưu, Trưởng đoàn còn đe nạt tác giả và cơ quan báo chí: “Ngoài việc viết đơn gửi Bộ Công an, ông còn viết bài “Ma thuật của một Đại tá Công an” gửi đăng Báo Người cao tuổi với nội dung tố cáo đồng chí Vệ làm giả chứng minh nhân dân cho vợ là chị Liên, với tài liệu thiếu chính xác và chưa được xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đồng chí Trần Văn Vệ và cả ngành Công an. Việc làm của ông là vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản. Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp xử lí đối với các cơ quan, cá nhân đã cho đăng bài báo thiếu chính xác nêu trên theo quy định”.
Đáng tiếc, trước những bằng chứng và lí luận xác đáng của Báo Người cao tuổi, nhà báo Nguyễn Trọng Thắng trong buổi đối thoại tại Trụ sở Công an tỉnh Thái Bình, Thiếu tướng Nguyễn Thế Báu, Chánh Thanh tra Bộ Công an (nay đã về hưu) mềm mỏng vỗ về chia tay nhà báo: “Thôi, bác là đàn anh, bác rộng lượng tha thứ cho chú Vệ”.
Về tình người, về cá nhân quả lời khuyên giải của ông Báu là nhân ái, nhưng đối với Đảng ta, chế độ ta, nhân dân ta thì không thể tha thứ cho loại cán bộ thoái hóa biến chất “leo cao, chui sâu” vào bộ máy công quyền như trường hợp tướng Trần Văn Vệ.


(Theo Báo Người cao tuổi) Kim Phú Hà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét