Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

18:45

Bị “chạm nọc” hai sở cùng siêu thị giẫy nẩy như… phải vôi

Cuôc họp giữa hai sở Công Thương, Y tế với Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng về điều tra bún chứa chất phát quang tinopal đã trở thành diễn đàn phản đối kết quả đã công bố. Tại đây, các siêu thị đã quyết liệt phản đối kết quả này.

Sau khi thông tin về bún, bánh canh, bánh phở có chứa chất tinopal gây hại cho người tiêu dùng, sáng 25/7, Sở Công Thương phối hợp với sở Y tế TP.HCM họp bàn cùng với Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng về vấn đề này. Tuy vậy trong cuộc họp này đại diện đơn vị cung cấp thông tin về các mẫu kiểm nghiệm là Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng không có mặt.
Đại diện doanh nghiệp bán lẻ, Sở Công Thương, Sở Y tế TP.HCM đều không đồng tình với quy trình làm việc lấy mẫu kiểm nghiệm của trung tâm này. Phía DN cho rằng họ hoàn toàn bất ngờ khi các kết quả mẫu kiểm nghiệm được công bố là là mẫu được lấy từ siêu thị của mình. Trong khi đó phía Sở Công thương cho rằng vẫn chưa nhận được báo cáo về kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm này trước khi công bố thông tin. Việc nêu đích danh các đơn vị kinh doanh có mẫu kiểm nghiệm dương tính với tinopal cũng khiến DN phẫn nộ.
bún, hóa chất, phản đối
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op phản ứng: “Quy trình lấy mẫu kiểm nghiệm của Trung tâm là thiếu tính minh bạch. Hiện tại vẫn chưa thể xác định được mẫu đã kiểm nghiệm đó có phải là mẫu được lấy từ Co.op Mart hay không?. Về mặt nguyên tắc, lấy mẫu kiểm nghiệm cần phải được thực hiện chặt chẽ và có sự chứng kiến của các bên liên quan. Đặc biệt là phải có sự xác nhận của đơn vị kinh doanh và niêm phong mẫu. Thêm một đơn vị thứ ba vào quản lý chất lượng hàng hóa là điều khuyến khích, nhưng đơn phương công bố gây hoang mang cho thị trường cần phải xem lại”.
Trong khi đó bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: “ Người tiêu dùng đã hoang mang về các mặt hàng thực phẩm này. Tuy vậy trước khi công bố thông tin Sở Công Thương không nhận được thông tin phối hợp từ Trung tâm nghiên cứu người tiêu dùng về kết quả các mẫu kiểm nghiệm. Theo nguyên tắc hội chỉ có chức năng giám sát, khi công bố thông tin phải xin phép cơ quan quản lý. Hiện nay thông tin vẫn vẫn trong quá trình xem xét làm rõ nhưng tâm lý người tiêu dùng dã bị xáo trộn”
“Việc cung cấp đích danh các DN có sản phẩm chứa độc tố cần phải thông báo với cơ quan chức năng. Một số đơn vị tự lấy mẫu rồi đem đi kiểm định, việc này nên xem là nghiên cứu riêng. Sau khi có kết quả, các đơn vị này cũng nên ngồi lại với các nhà sản xuất, nhà phân phối có sản phẩm phát hiện chất độc hại để cùng nhau xem xét trước khi công bố rộng rãi.” Bà Đào cho biết thêm
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM: “Phương pháp lấy mẫu, phương pháp kiểm nghiệm theo quy trình nào, chúng tôi chưa nắm được. Những sản phẩm bị nhiễm xuất phát từ cơ sở sản xuất cho nên phải tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, lấy mẫu xét nghiệm. Theo tôi chỉ có thể quản chặt nhà sản xuất, vì chỉ nhà sản xuất mới biết họ bỏ chất gì vào, chất lượng sản phẩm ra sao. Cơ quan quản lý cũng mù mờ không biết cơ sở bỏ gì vào thì người dân cũng khó lòng biết được.
Hiện tại trên địa bàn TP.HCM có hơn 400 cơ sở sản xuất bùn, bánh canh, bánh phở đang được Sở công thương chỉ đạo các quận, huyện tăng cường kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm. Đầu tuần tới Sở Công Thương phối hợp với Sở Y tế TP.HCM sẽ tổ chức họp mặt các nhà sản xuất, tiểu thương và đơn vị kinh doanh để thông tin về các cơ sở vi phạm cũng như các cơ sở đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng này. Đồng thời, đưa ra những giải pháp để trấn an người tiêu dùng và những cơ sở sản xuất chân chính.
(Theo VietNamnet) Nam Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét