10:38
Tìm mộ liệt sĩ Hoàng Văn Thụ nhờ ngoại cảm qua lời kể của nhà nghiên cứu
Nhân ngày lễ tri ân các thương binh liệt sĩ, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, về vấn đề người có khả năng ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ.
Thưa ông, được biết Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người (Liên hiệp các hội khoa hoạc kỹ thuật Việt Nam) đã tham gia tìm kiếm được rất nhiều mộ liệt sĩ. Xin ông nói rõ hơn về hoạt động này?
Trước đây, tôi có tham gia Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Trung tâm này chính thức ra đời năm 1998 do GS. Ngô Đạt Tam làm Giám đốc, sau đó đến GS. VS Đào Vọng Đức, kế tiếp là GS.TSKH Phan Anh.
Năm 2012, một bộ phận trung tâm trong đó có tôi chuyển sang thành lập Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người (NC&UDTNCN). Viện mới có chức năng khác Trung tâm đó là vừa nghiên cứu vừa ứng dụng và đặt trụ sở tại Hà Nội, khi cần vẫn mở chi nhánh tại các địa phương theo Quyết định 760/QĐ- LHHVN của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam ký ngày 14/11/2012. Viện trưởng là GS.VS Phạm Minh Hạc (Nguyên UVTƯ Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo).
Như vậy là ở Việt Nam có 3 đơn vị nghiên cứu về tiềm năng con người và có liên quan đến tìm mộ liệt sĩ. Thứ nhất là tổ chức UIA do ông Vũ Thế Khanh làm giám đốc ở số 1 Đông Tác. Thứ 2 là Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người do GS.VS Đào Vọng Đức làm giám đốc. Thứ 3, Viện NC&UDTNCN của chúng tôi đặt tại số 2, ngõ 40, Linh Lang.
Như vậy, những điều tôi nói về hoạt động tìm mộ liệt sĩ sẽ bao gồm thời gian tôi còn làm ở Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và thời gian hiện nay là Viện NC&UDTNCN. Theo phân công, tôi là Viện phó kiêm Chủ nhiệm bộ môn Khoa học thông tin dự báo. Tôi đang nghiên cứu 2 đề tài: Các hình thức giao tiếp với thế giới tâm linh và Chụp ảnh người âm.
Ông có thể nói về con số thành công, tỉ lệ thành công từ việc tìm mộ liệt sĩ của nhà ngoại cảm hay không?
Ở Viện NC&UDTNCN, phụ trách mảng nghiên cứu này là TS. Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác. Tôi không nghiên cứu trực tiếp để xác định định lượng là bao nhiêu phần trăm thành công nhưng ở 2 đề tài mà tôi nghiên cứu, tôi là người nghiên cứ định tính. Nghĩa là tôi đi xác thực những thông tin, những câu chuyện cụ thể.
Vậy trong quá trình xác thực câu chuyện tìm kiếm mộ liệt sĩ, ông có thể kể một vài câu chuyện mà ông được biết hay chứng kiến về hoạt động này?
Cách đây không lâu, trong lần thực nghiệm với chị Vũ Thị Hòa (Yên Bái), tôi là người được chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Hoàng Văn Thụ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Khi đoàn chúng tôi còn ở cách xa nơi liệt sĩ hy sinh, chị Vũ Thị Hòa đã dùng “thấu thị” nhìn từ xa xác định được vị trí chôn cất liệt sĩ và mô tả hiện trạng thực tế khi chưa đến nơi.
Chị Hòa mô tả: Liệt sĩ chết vì sốt rét trong khi đang truyền dịch, khi chết được chôn ở gốc cây to, sau đó phát rừng làm lương rẫy, cây đã bị đốn hạ. Hiện nay, phần mộ nằm dưới gốc cây sắn cao 30 cm. Vị trí mộ sâu 25 cm. Trong mộ phần còn một lọ thủy tinh màu vàng bẹt, sứt cạnh đáy. Dưới đáy chai có ký hiệu sắp 3 hàng theo tứ tự: 0- 2 1 5- DA.30 (số 1 hàng thứ 2 có khuyên tròn vòng quanh). Kỷ vật thứ 2 là một ống lõi xi-lanh bằng thủy tinh. Kỷ vật thứ 3 là ống truyền dịch có bầu bằng nhựa dẹt vẫn còn nguyên. Chính tôi đã ghi hình và yêu cầu chị Hòa ghi lại chi tiết những kỷ vật có thể tìm thấy và vẽ lại hình dáng ống dịch truyền vào sổ của tôi. Chị Hòa còn dùng vật đo lại kích thước ảo của chiếc lọ để làm đối chứng.
Đúng theo ngày giờ quy định, gia đình liệt sĩ, tôi và chị Hòa đến thực địa tìm mộ liệt sĩ. Chị Hòa chỉ chỗ đào, chỉ vài chục phút chúng tôi đã thấy mảnh tăng (áo mưa che trên võng của người lính). Chiếc tăng còn khá nguyên vẹn quấn xác liệt sĩ. Cũng không khó khăn gì khi chúng tôi tìm thấy những di vật y như miêu tả trước khi đến của chị Hòa. Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của rất nhiều người và thân nhân liệt sĩ.
Video tìm thấy mộ liệt sĩ Hoàng Văn Thụ có sự thực nghiệm của ông Nguyễn Phúc Giác Hải:
Ngoài ra, thực tế có 3 câu chuyện khác mà rất nhiều người biết như chuyện tìm thấy mộ của nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh do nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chỉ dẫn phù hợp thông tin của các nhà ngoại cảm khác. Trường hợp thứ 2, tìm thấy mộ học giả Nguyễn Văn Tố, nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên do nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng chỉ dẫn từ xa. Trường hợp thứ 3, tìm thấy mộ liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, vợ nhà thơ Dương Hương Ly do nhà ngoại cảm ẩn danh chỉ dẫn. Ở trường hợp thứ 3, những kỷ vật, thông tin còn lại khiến mọi người ngỡ ngàng như chiếc cặp tóc lau đi vẫn còn chữ: “Tặng chị Xuân Quý”...
(Theo Infonet) Hồng Chuyên
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét