Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Nghịch lý khó thay đổi

15:40

Phát triển trí tuệ với giá... trên trời

 Với giá cao ngất và lợi nhuận khổng lồ như hiện nay, những người giàu liệu có khi nào nhìn xa ra 30-40 năm nữa, khi phát hiện thế hệ sinh ra hôm nay, lớn lên, tại sao không thể bằng xứ người.
Lâu lắm tôi chẳng có dịp nghe Đài tiếng nói Việt Nam (VOV). Hôm nay đi tìm và so sánh giá sữa trên thế giới, bỗng tìm được trang web của VOV với mẩu tin "Giá sữa VN cao nhất thế giới" đăng hồi tháng 5.
Trong bài có đoạn: "Trong 7 năm trở lại đây, giá sữa tại Việt Nam đã 30 lần xin tăng giá, trở thành nước có mức giá cao nhất thế giới với 1,4 USD/1 lít, trong khi châu Âu, và châu Mỹ trung bình chỉ là 0,5 - 0,9 USD/lít, Trung Quốc là 1,1 USD/lít".
Kiểm tra thông tin về thống kê giá sữa toàn quốc của Hoa Kỳ, trung bình khoảng 3,4 USD/gallon, nghĩa là khoảng 0,9 USD/lít sữa tươi.
So sánh giá sữa tại VN và Mỹ thật khập khiễng, bởi mức GDP bình quân năm 2012 của VN là 1.527 USD/người/năm, trong khi đó tại Mỹ là 49.922.
Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của Mỹ gấp 30 lần VN, trong khi giá sữa bên ta cao hơn bên Mỹ 1,5 lần. Đó là điều bất hợp lý mà cho dù giải thích kiểu gì cũng khó lọt tai.
Tuần trước, một học trò cũ vừa đưa gia đình sang Mỹ du lịch và thăm họ hàng. Em là một trong những học sinh xuất sắc nhất về IT, hiện đang làm cho Petro Vietnam tại Algeria. Nước này có bình quân thu nhập 5.693 USD/người/năm, cao gấp 4 lần Việt Nam.
Hàn huyên một hồi, hỏi về cuộc sống bên đó thế nào, em nói, bên đó dân còn nghèo, nhưng nhà nước lại trợ giá cho mấy thứ quan trọng, trong đó có bánh mỳ và sữa.
Em cho biết, mỗi lần về nước đều mang theo vài vali sữa Algeria để làm quà cho các cháu. Đến nỗi hải quan xứ sa mạc này hỏi, anh có "elephant baby" ư (ý nói con cái to như voi mới dùng hết ngần ấy sữa).
 giá sữa, phát triển trí não, GDP, Mỹ, Việt Nam, thế hệ trẻ, xây dựng đất nước
Giá sữa của Việt Nam cao gấp rưỡi Mỹ. Ảnh minh họa

Để công bằng, hãy dựa vào trang web Cost of living (giá cả đời sống) của từng quốc gia. Theo đó thì giá sữa tại VN khoảng khoảng 1,4 USD/lít, tại Mỹ là 1 USD và Algeria là khoảng 0,5 USD, rẻ hơn Mỹ.
Dựa theo mức GDP bình quân, một người Mỹ có thể mua được 50.000 lít sữa/năm, người Algerie mua được 12 ngàn lít, trong khi người Việt chỉ mua được 1.000 lít/năm.
Nhiều nhà sản xuất và nhập khẩu sữa giải thích rằng, giá sữa VN chưa phải cao nhất khu vực khi so với Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Malaysia. Họ quên một điều, GDP bình quân của các nước này gấp nhiều lần nước ta. Nước nghèo mà giá gì cũng cao chót vót.
Thôi thì giá xăng, giá điện, giá nhà, giá xe cao cũng đành chịu, bởi có ảnh hưởng cũng là đến người lớn. Nhưng giá sữa cao sẽ "đánh" luôn vào chiều cao và bộ não của thế hệ tương lai.
Giữa tháng 6 mới đây, tờ Tiền Phong online đưa tin về Chương trình Sữa học đường cho hay, VN vẫn còn nằm trong danh sách 16 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi cao nhất thế giới. Ước tính năm 2010, nước ta có khoảng 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Trong vòng 15 năm từ 1985 - 2000, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng 1,5cm. Hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn. Chiều cao trung bình của nữ là 153cm, kém so với chuẩn là 10,7cm. Một trong những nguyên nhân gây ra thống kê khó vui này là do trẻ em thiếu sữa.
Tại Mỹ, những gia đình thu nhập dưới 28.000 USD/năm mà có trẻ em sẽ được phát phiếu sữa miễn phí, mỗi em một tuần được 1 gallon (gần 4 lít) ở lứa tuổi dưới 12.
Bên Algeria, nhà nước trợ giá sữa nên mới có giá 0,5 USD/lít. Nếu chịu khó tìm kiếm thông tin, sẽ còn nhiều quốc gia khác đã, đang và sẽ trợ giá sữa cho trẻ em.
Xây dựng đất nước có nhiều cách, có thể tạo những con tàu cao tốc, đường hàng chục làn xe, xây nhà cao chót vót, mở rộng thủ đô với những lý tưởng trời mây. Nhưng tất cả những chuyện đó sẽ thành viển vông nếu trẻ em thiếu sữa, bởi thế hệ đó sẽ bị ảnh hưởng về dinh dưỡng, nhất là trí não kém phát triển, làm sao thành người chủ tương lai.
Mấy tuần trước, một anh bạn thời sinh viên ở Warsaw, từ Ba Lan sang thăm con đang học bên Mỹ, cũng ghé qua nhà. Nghe nói, anh là người giúp nhập sữa bột từ Ba Lan về Việt Nam.
Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh giá sữa ở Việt Nam. Anh bạn từng nói với những người nhập và sản xuất sữa tại Việt Nam rằng, muốn thu lợi nhuận thế nào thì thu, nhưng hãy để con trẻ được hưởng giá sữa rẻ.
Với giá cao ngất và lợi nhuận khổng lồ như hiện nay, những người giàu liệu có khi nào nhìn xa ra 30-40 năm nữa, khi phát hiện thế hệ sinh ra hôm nay, lớn lên, tại sao không thể bằng xứ người.
Một trong những nguyên nhân gây ra, rất có thể là do giá sữa quá cao đã thui chột IQ của nước Việt trong tương lai. Liệu có ai hối hận vì để đồng tiền lấn át cả tương lai dân tộc?
Nghĩ kỹ sẽ thấy, người bạn học sau 40 năm mới gặp, và em học trò cũ của trường ĐH Thăng Long cách đây 20 năm, đều có những trăn trở đáng suy nghĩ về giá sữa.
Đọc một quảng cáo sữa thấy "rao": "Được chứng minh hỗ trợ phát triển trí não trẻ". Nhưng với giá 25 USD một hộp (tương đương 500.000 VNĐ) thì hỏi rằng bao giờ những đứa trẻ ở quê mới biết được hương vị của sữa ngoại nhập.
Mong các đại gia buôn bán sữa và những nhà quản lý nghĩ về nước Việt sau vài thập kỷ.
Không được hỗ trợ phát triển về não và chiều cao, thế hệ tương lai khó làm chủ được đất nước thời hội nhập, thì những gì các vị tích góp hôm nay chưa chắc đã vững bền.
(Theo TuanVietNamnet) Hiệu Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét