09:40
Tầm và tâm
Dân Việt - Lịch trình, chuyến bay... đã được bố trí kín lịch. Do vậy, bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không thể bố trí thời gian đi thăm các gia đình có cháu bé bị tử vong. Ở các nước văn minh, không bộ trưởng nào ngồi yên được trên chiếc ghế khi có một sự cố như vậy...
Theo bà Tiến, trong chuyến công tác tại Quảng Trị bà còn làm việc với địa phương này về nhiều nội dung công việc khác - tờ Khám phá dẫn lời giải thích từ phía Bộ Y tế. Đó là lời giải thích vì sao Bộ trưởng Bộ Y tế không thăm gia đình 3 trẻ tử vong vì tiêm vaccin.
Ai cũng biết làm tới hàm bộ trưởng thì trăm công nghìn việc. Nhưng việc gì quan trọng hơn cái chết của 3 trẻ sơ sinh do tiêm vaccin? Vụ tử vong này là việc quá lớn của ngành y tế và của quốc gia. Nỗi đau không thể bù đắp của những gia đình 3 cháu bé bị tử vong sau khi tiêm vắc – xin tại bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa.
Để giải quyết hậu quả của vụ này sẽ có nhiều cơ quan của ngành y tế, nhưng trách nhiệm cao nhất chính là bà bộ trưởng. Đây không chỉ là công việc mà là lương tâm, là trí tuệ, là tấm lòng, là nhiệt huyết. Ở các nước văn minh, không bộ trưởng nào ngồi yên được trên chiếc ghế khi có một sự cố chết người xảy ra tương tự như vụ này.
Người dân Quảng Trị và cộng đồng mạng lên tiếng rằng, không hiểu vì sao đã đến Quảng Trị, có mặt ngay sau cái chết của các cháu bé, vậy mà bà Tiến không đến thăm gia đình các cháu, động viên cha mẹ các cháu một chút để họ được an ủi, ấm lòng. Trong lịch làm việc dù đã được sắp đặt, nhưng với quyền của một bộ trưởng, chuyện đổi lịch để ưu tiên cho việc có ý nghĩa hơn, cần thiết hơn là trong tầm tay. Vấn đề là sự lựa chọn. Chọn đi thăm nghĩa trang, có mặt ở buổi động thổ hay chọn đi đến gia đình của các cháu bé vừa tử vong sau khi tiêm vaccin? Có thể ai đó cho rằng đi thăm gia đình của các nạn nhân không phải là trách nhiệm của bộ trưởng, vì bộ trưởng phải dành thời giờ giải quyết công việc quan trọng. Nhưng chính sự lựa chọn một thái độ ứng xử đúng đạo lý, hợp lòng dân, mới nói lên cái tâm và cái tầm của một chính khách. Người ta thường hay nói lãnh đạo phải có tầm và phải có tâm. Ý rằng có người có tầm nhưng không có tâm và ngược lại người có tâm lại không có tầm. Nhưng thực ra, cái tâm và cái tầm thường đi đôi với nhau. Cái tầm sinh ra cái tâm, cái tâm nâng cái tầm. Tâm tầm thường mong chi có tầm cao.
(Theo Dân Việt) Chân Tâm
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét