11:05
Bún, bánh ướt:
Không chỉ có chất tẩy trắng mà còn…
Không chỉ sử dụng chất tẩy trắng, một số cơ sở
sản xuất bún, bánh canh, bánh ướt… còn sử dụng các chất bảo quản, chống
mốc, chất tạo mùi…
Như
Báo Người Lao Động ngày 23-7 đã đưa tin, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về
tiêu dùng (CESCON) thuộc Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa
công bố kết quả kiểm tra các mẫu bún, bánh cuốn… bán tại TP HCM, phát hiện
rất nhiều mẫu chứa độc chất Tinopal.
Bún tươi, bánh ướt... bày bán tràn lan tại các chợ ở TP HCM.
Ảnh: HỒNG THÚY
Đủ loại phụ gia độc hại
Ông Đỗ Ngọc
Chính, Phó Giám đốc CESCON, cho biết gần đây, qua thông tin báo chí phát hiện
nhiều vụ sản xuất, kinh doanh bún tươi chứa độc tố nên CESCON quyết định lấy
mẫu kiểm tra. Do không có kinh phí nên CESCON tập trung kiểm tra số lượng mẫu
giới hạn và chỉ kiểm tra 2 chất Tinopal và hàn the. Theo đó, từ ngày 15 đến
25-6, CESCON lấy 30 mẫu khảo sát 6 loại thực phẩm là bún, bánh canh, bánh
hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt mua ngẫu nhiên tại 3 siêu thị và 5 chợ
trên địa bàn TP HCM. Kết quả, không có mẫu nào chứa hàn the nhưng hầu hết các
mẫu đều dính Tinopal. Có 5/6 loại thực phẩm với tổng số 24/30 mẫu khảo sát có
chứa Tinopal. Trong đó, 5/9 mẫu bún (56%), 4/4 mẫu bánh ướt (100%), 5/5 mẫu
bánh hỏi (100%), 3/4 mẫu bánh phở (75%), 7/7 mẫu bánh canh (100%) có chứa
Tinopal. Đặc biệt, trong 8 mẫu lấy ở 3 siêu thị đã có 6 mẫu chứa Tinopal.
Công bố của
CESCON khiến nhiều người lo ngại nhưng hiện tượng sử dụng Tinopal (còn gọi là
chất tẩy trắng huỳnh quang) đã diễn ra từ nhiều năm nay. Năm 2006, Công ty
TNHH XS TM DV Nguyễn Bính (chủ thương hiệu bún tươi Thủ Đức) đã “gõ cửa” cầu
cứu các cơ quan chức năng vì thương hiệu bún Thủ Đức bị nhiều cơ sở làm nhái,
giả và đa phần các cơ sở này sử dụng nguyên liệu là bột khoai mì tươi, bột
lọc để làm bún và dùng nhiều hóa chất - trong đó có Tinopal - để làm trắng,
tạo dai sợi bún.
Gần đây, các
đoàn kiểm tra liên ngành cũng phát hiện nhiều vụ sử dụng hóa chất độc hại
trong sản xuất bún. Đơn cử, đầu tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện
một số cơ sở sản xuất bún ở quận 8, TP HCM và thị xã Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh)
sử dụng hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc để sản xuất, tái chế bún bán ra
thị trường. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh
thực phẩm Sở Y tế TP HCM, cho biết qua kết quả lấy mẫu sản phẩm thực phẩm
bán ở các chợ, chi cục phát hiện các mẫu bún tươi có chứa các chất Tinopal,
axít oxalic là các chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng
trong thực phẩm; chất tẩy trắng Na2SO3, chất bảo quản natri benzoat có hàm
lượng cao vượt mức cho phép... Tuy nhiên, vì lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị
trường nên chi cục không truy nguyên được nguồn gốc sản xuất.
Theo một doanh
nghiệp sản xuất sản phẩm từ tinh bột tại TP HCM, ngoài các hóa chất kể trên,
một số cơ sở sản xuất bún, bánh canh, bánh ướt… còn sử dụng các loại bột
chống mốc, chất tạo mùi, formol… Các chất này được bán phổ biến tại chợ đầu
mối Kim Biên (quận 5) và rao bán đầy trên các website mua hàng qua mạng.
Cần siết lại khâu quản lý
Theo ông Đỗ
Ngọc Chính, điểm bất ngờ nhất trong kết quả xét nghiệm mẫu lần này là cả 3
siêu thị được chọn lấy mẫu đều có sản phẩm chứa Tinopal. Lâu nay, siêu thị
được xem là nơi mua sắm tin cậy vì có điều kiện quản lý, kiểm soát chất lượng
tốt hơn nhưng qua vụ việc này cho thấy vấn đề kiểm soát chất lượng thực phẩm
tươi tại các siêu thị chưa thật sự tốt. “Các siêu thị cần phải xem lại cung
cách quản lý nhập hàng, chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa bán
tại siêu thị, đặc biệt là thực phẩm tươi” - ông Đỗ Ngọc Chính nói.
Vấn đề đặt ra
là tình trạng các mặt hàng bún, bánh phở, bánh ướt… chứa chất độc hại đã kéo
dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được kiểm soát một cách triệt để. Sau mỗi đợt
kiểm tra, tình trạng dùng hóa chất độc hại có phần lắng xuống nhưng chỉ một
thời gian ngắn lại bùng phát trở lại. Điều này cho thấy các cơ quan chức
năng chưa có biện pháp hoặc chưa chú trọng kiểm tra, kiểm soát hiệu quả và
mức chế tài chưa đủ mạnh để răn đe nhà sản xuất.
Theo Luật An
toàn thực phẩm (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) và Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Bộ Công
Thương, Bộ Y tế là 2 đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các mặt
hàng kể trên... Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Ngọc Đào,
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết đã chỉ đạo phòng kinh tế các
quận, huyện tập trung danh sách các cơ sở sản xuất bún tươi, bánh canh, bánh
ướt trên địa bàn TP HCM. Thời gian tới, sở sẽ làm việc với các cơ sở sản xuất
và phối hợp với Sở Y tế, phòng kinh tế các quận, huyện kiểm tra an toàn thực
phẩm đối với những mặt hàng này; xử lý kiên quyết các cơ sở vi phạm và đăng
tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, sẽ tiến hành hậu kiểm
tại các điểm bán ở chợ, siêu thị.
(Theo Người Lao
động) THANH NHÂN
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét