07:26
Vụ rửa tiền
|
Cảnh sát |
Lỗ hổng pháp lý về tiền điện tử
Thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc, lãnh đạo NHNN
trên cho biết, dù bốn ngân hàng liên quan là Vietcombank, Vietinbank, ACB và
Đông Á công khai trên báo chí không có bất cứ hoạt động gì dính dáng tới Liberty
Reserve (LR), tuy nhiên do tính chất nghiêm trọng của sự việc, NHNN vẫn yêu
cầu tất cả phải báo cáo một cách cụ thể bằng văn bản. Đặc biệt, phải rà soát
lại toàn bộ trên hệ thống các khách hàng để xác định xem có bất cứ sự liên
quan nào tới hoạt động của mạng lưới rửa tiền toàn cầu này không. “Đầu tuần
tới chúng tôi sẽ có thông báo công khai tới dư luận về sự việc này”, lãnh đạo
trên khẳng định.
Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay, việc LR đóng cửa đã gây
ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng mạng của Việt Nam . Thậm chí có nhiều cá nhân tham
gia cả vài nghìn USD trong tài khoản, nhưng đều bị kẹt lại mà không thể rút
ra.
Cá nhân thiệt hại không nhỏ, nhưng thiệt hại lớn nhất phải
kể đến những dịch vụ trung gian chuyển tiền. Bởi với cộng
đồng mạng, tiền LR đã trở thành một loại tiền điện tử quá thông dụng, nó được
mua bán, trao đổi ra các loại tiền khác thông qua một loạt các trang web như:
Exchangezone.com, Exchangezone.vn, mualr.com… Thông thường, các trang web
trao đổi LR thường có tới vài chục nghìn USD trong tài khoản, và khi LR đóng
cửa đột ngột thì những dịch vụ này cũng mất trắng. “Exchanger là nhóm người
trung gian giúp những khách hàng muốn chuyển đổi qua lại các loại tiền điện
tử sang LR và ngược lại. Ví dụ A muốn chuyển PP (tiền điện tử của Paypal)
sang LR và B muốn từ LR sang PP, thì các exchanger này dùng các trang web như
exchangezone.com, mualr.com thực hiện. A sẽ gửi PP cho exchangezone.com, rồi
exchangezone.com gửi PP sang cho B”, một thành viên tên Huệ trên diễn đàn cho
biết. Hiểu một cách nôm na, theo Huệ, đây là những tay “cò” tiền chuyên hoạt
động trên mạng, buôn bán kinh doanh tiền tệ điện tử, mua rẻ bán đắt. Ví dụ
mua LR với giá 19.500 đồng “ăn” 1, bán ra giá 20.000 đồng, hoặc giúp khách
hàng trao đổi giữa các loại tiền điện tử và qua đó thu một phần phí nhỏ.
Mặc dù sự việc vẫn còn đang được phía Bộ Công an, cũng như
NHNN điều tra, nhưng bước đầu có thể thấy, những thiệt hại mà mạng lưới thanh
toán này gây ra cho cộng đồng mạng tại Việt Nam không hề nhỏ. Trả lời câu hỏi:
Thiệt hại này liệu có ai, cơ quan nào đứng ra bảo vệ lợi ích hay không, một
lãnh đạo NHNN cho biết: “Tất cả các kênh thanh toán hiện nay trên mạng có
liên quan đến loại tiền điện tử LR, qua rà soát đều không có đăng ký và hoạt
động bất hợp pháp. Vì vậy, những người tham gia hoạt động này hiện khó có thể
lấy lại tiền, vì hiện tại chưa có đủ căn cứ, cũng như địa chỉ cụ thể để quy
trách nhiệm, hay đền bù thiệt hại”.
Qua sự việc này, đã cho thấy luật pháp về thương mại điện
tử còn kẽ hở lớn, khi chưa đặt ra được hành lang pháp lý cho hoạt động này,
cũng như cơ chế để bảo vệ người tham gia. “Hiện nay chúng tôi đang tích cực thu
thập thông tin, nghiên cứu để sớm trình đề án lên Thống đốc NHNN, để sau đó
trình Chính phủ”, lãnh đạo này cho biết.
Phá một vụ án liên quan đến Liberty
Reserve
Về phía Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự (C45) cũng vừa
chính thức cho biết đã kết luận điều tra vụ án kinh doanh trái phép tiền điện
tử LR. Đây là vụ án lần đầu tiên được xử lý tại Việt Nam, và theo các điều tra
viên, tiền LR có thể là “điểm cuối cùng” trong quá trình hoạt động phạm tội
từ: mua bán thông tin thẻ tín dụng, trộm cắp hàng hóa, tống tiền, làm thẻ tín
dụng giả, cá độ bóng đá... đều được các đối tượng thanh toán cho nhau bằng
tiền LR sau đó được đổi thành VND hoặc ngoại tệ.
Kết luận điều tra cho thấy, đối tượng Vũ Văn Lăng (Hải
Phòng) đã thành lập Công ty cổ phần Thịnh Vũ từ 2008, làm đại lý cho Ngân
hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Hải Phòng để chi trả kiều hối qua
hệ thống Western Union. Tuy nhiên, mục đích của Lăng không phải để kinh doanh
mà để có quyền chi trả ngoại tệ phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử LR. Lăng
đã sử dụng bản CMND của nhiều người lập hồ sơ khách hàng để nhận tiền của Western Union thông qua các đại lý chi trả tại Hải
Phòng. Lăng đã thu mua LR từ trong nước và nước ngoài sau đó bán cho người
nước ngoài để thu lợi, các giao dịch nói trên được thực hiện thông qua mạng internet.
Những người mua LR của Lăng trả tiền bằng cách gửi tiền về cho y thông qua
đại lý Western Union mà chính Công ty cổ phần Thịnh Vũ làm đại lý của dịch vụ
này.
Nhằm tạo uy tín trong việc mua bán LR, Vũ Văn Lăng đã đăng
ký thành lập công ty có trụ sở đặt tại Hồng Kông - Trung Quốc và thành lập
website www.privatechange.com để giao dịch, quảng cáo việc mua
bán tiền điện tử LR. Lăng thu mua LR từ các exchanger (người chuyên mua bán
LR) trong nước như mua của Nguyễn Đăng Khoa và Trần Thụy Huyền Hân tại www.exchanger.vn,
của Nguyễn Bình Bắc tại www.vietmaker.com và www.mmo4vn.com;
của Nguyễn Duy Trinh tại www.mualr.com; của Đặng Thế An tại www.egolgconver.com.
Ngoài ra Vũ Văn Lăng còn mua LR trên trang www.Ebaygold.com
của Trung Quốc. Tổng số tiền mà Vũ Văn Lăng đã mua LR của những đối tượng ở
Việt Nam là hơn 186 tỉ đồng được chuyển khoản thông qua các tài khoản ngân
hàng. Còn khi mua của người nước ngoài, Lăng cho chuyển tiền tại các tiệm
vàng Nhật Hạ, Hùng Lệ tại Hải Phòng và Diệu Hồng tại TP.HCM.
Từ vụ án này, theo các điều tra viên, việc kinh doanh tiền
LR có thể liên quan nhiều đến các hoạt động phạm tội về công nghệ cao, đặc
biệt là tội phạm “rửa tiền”. Tuy nhiên, hiện tại do pháp luật về chống rửa
tiền chưa quy định về loại tiền điện tử này, nên phía Bộ Công an mới chỉ xử lý
vụ án về hành vi kinh doanh trái phép theo bộ luật Hình sự.
(Theo
Thanh niên) Anh Vũ - Thái Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét