08:12
Sẽ lấy phiếu tín nhiệm từ Tổng bí thư trở xuống
- Trao đổi với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội chiều 28/6, Tổng bí thư cho
hay, sắp tới sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong TƯ Đảng, từ Tổng bí thư trở
xuống.
Nhiều
cử tri lão thành rất quan tâm và băn khoăn về việc QH lần đầu tiên lấy
phiếu tín nhiệm với 47 chức danh do mình bầu và phê chuẩn.
Ông
Trần Toại (phường Cống Vị) muốn nghe Tổng Bí thư đánh giá về bộ máy
hành pháp khi có nhiều tín nhiệm thấp đối với những bộ, ngành quan
trọng. "QH đã phân tích nguyên nhân của những trường hợp tín nhiệm thấp
đó chưa?", cử tri hỏi.
Ông Trần Việt Hoàn (phường Liễu Giai) nêu
thắc mắc của nhiều cử tri: Tại sao có ba mức tín nhiệm mà không phải hai
mức như truyền thống trước nay và thế giới?
Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng lưu ý cử tri phân biệt lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm: "Lấy
phiếu là để thăm dò tín nhiệm, là một cách để xem anh làm việc được lòng
dân, cử tri, ĐB chưa".
Tổng Bí thư cho rằng không chỉ ở QH mà các
cơ quan Đảng cũng phải làm việc này để "kịp thời chấn chỉnh, cảnh tỉnh,
cảnh báo, răn đe, ngăn chặn trước, phòng hơn chữa".
"Đây không
phải thủ thuật làm để cuối cùng hoà cả làng, dĩ hòa vi quý hay có tính
toán gì không trong sáng", Tổng Bí thư khẳng định. "Đây là một thông tin
để đánh giá cán bộ, không có tính chất quyết định nhưng rất quan
trọng".
Theo ông Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên cũng là vừa làm
vừa rút kinh nghiệm vì khó quá: "Thực ra chúng tôi cũng rất hồi hộp,
chưa nước nào đưa ra lấy phiếu tín nhiệm nhiều người như vậy, sắp tới
còn lấy ở Trung ương Đảng từ Tổng Bí thư trở xuống, các cấp ủy, HĐND
nữa".
Những câu hỏi hai hay ba mức, số lượng chức danh, lấy mỗi kỳ
hay hàng năm... đều được các ĐBQH thảo luận kỹ và chặt chẽ, ông Nguyễn
Phú Trọng giải trình với cử tri.
Tại sao những ngành chủ chốt có phiếu thấp, theo Tổng Bí thư, bản thân câu hỏi đã là câu trả lời.
"Vì
những ngành đó khó quá, cọ xát với công việc phức tạp quá, anh nào càng
hăng hái có khi lại càng sợ mất phiếu, không cẩn thận lại co lại, không
ai làm thì rất gay, hay lại đối phó, vận động, mua phiếu thì không
được", Tổng Bí thư phân tích. "Quan trọng là lấy phiếu có công tâm,
khách quan, trong sáng không".
"Nói vậy chứ, thử đặt mình trong
cuộc cũng suy nghĩ trăn trở lắm: tại sao đồng chí kia cao, mình thấp, để
tự rèn luyện, điều chỉnh để cải tiến tốt hơn trong công việc", ông
Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.
Biển Đông - không chủ quan
Cử
tri Trần Toại cũng trăn trở: tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp,
chủ yếu do phía Trung Quốc, nhưng phải chăng ta đang sao nhãng quốc
phòng, nhận thức nhẹ về kinh tế biển đảo, chậm xây dựng lực lượng hải
lục không quân tương xứng...
Tổng Bí thư trao đổi: Vấn đề Biển
Đông không chỉ là quan hệ giữa một hai nước mà liên quan nhiều nước, đến
an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên cả vùng biển và nhiều biển xa
hơn.
"Trường Sa không chỉ là giữa ta với Trung Quốc, mà liên quan 6
bên 4 nước", ông Nguyễn Phú Trọng nói. "Đây là vấn đề cụ thể nhưng lớn
và nhạy cảm, không xử lý tốt thì liên quan đến độc lập, chủ quyền quốc
gia, hòa bình ổn định để phát triển đất nước, cần hết sức bình tĩnh,
tỉnh táo, khôn ngoan".
Tổng Bí thư khẳng định không chủ quan với
Biển Đông: Trung ương Đảng có nghị quyết về chiến lược phát triển biển,
QH thông qua luật Biển, lập Ban chỉ đạo về Biển Đông, các diễn đàn quốc
tế ta đều có ý kiến, nêu quan điểm công khai, đàng hoàng...
"Với
tinh thần độc lập chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, chúng ta không bao
giờ xa rời nguyên tắc đó nhưng xử lý, giải quyết phải làm sao vẫn giữ
được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước", Tổng Bí thư
nói. "Nếu xảy ra xung đột thì hình dung đất nước sẽ thế nào, không cẩn
thận sẽ mắc vào những âm mưu không lành mạnh, không trong sáng, kích
động, chia rẽ".
Khuyến khích ý kiến khác nhau
Cử tri Nguyễn
Cao Đức (phường Điện Biên) thì băn khoăn: Trong nhiều vấn đề, vẫn còn ý
kiến chưa thống nhất giữa Chính phủ với các ĐB và các chuyên gia, cử tri
muốn hiểu rõ để có cái nhìn chính xác và niềm tin vững chắc.
Tổng
Bí thư cho rằng trên bất cứ vấn đề nào cũng có ý kiến khác nhau, thậm
chí gần như đối nghịch, do nhận thức, thông tin, cách nhìn, phương pháp
đánh giá.
"Hà Nội chúng ta bàn bất cứ việc gì cũng có ý kiến khác
nhau, lúc tôi mới về làm Bí thư, anh em còn nói vui 'việc gì không định
làm thì mang ra bàn'", ông Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.
Nhưng Tổng Bí
thư cho rằng qua đó sẽ cọ xát để tìm ra chân lý: Nếu người cầm quân tài
giỏi, biết lắng nghe, chắt lọc ý kiến đúng, tìm được tiếng nói đồng
thuận thì rất tốt.
"Đưa ra mà cứ răm rắp đồng tình thì dễ sai lắm", ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định nên khuyến khích những ý kiến khác nhau.
Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét