15:23
Đồ Sơn, đồ nhà và… đồ lạ
- Những vấn nạn, nguy cơ có thể vô hình trong mắt các vị lãnh đạo,
nhưng thực tế vẫn luôn nhức nhối ở đó, thậm chí ngấm ngầm tích tụ, phát
triển.
Sạch trơn “danh tiếng” Đồ Sơn
Chưa
đi chưa biết Đồ Sơn/ Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà. Đồ Sơn vốn nổi
tiếng là thiên đường khám phá “đồ lạ” đến mức đi cả vào thơ bút tre. Nổi
tiếng đến mức người nước ngoài còn biết (cũng có thể gọi là có “tầm”
quốc tế).
Ấy vậy mà chỉ một phát biểu mới đây của một lãnh đạo Cục
Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB- XH) đã phủ nhận sạch trơn “danh
tiếng” bấy lâu của Đồ Sơn. Tại một buổi tọa đàm, vị này cho hay: “Chúng
tôi đã nhiều lần chỉ đạo hai địa phương Đồ Sơn, Quất Lâm kiểm tra, đánh
giá về tệ nạn mại dâm. Tuy nhiên, kết quả báo cáo của các địa phương đều
khẳng định là không phát hiện có mại dâm”.
Trong chốc lát, Đồ Sơn
bỗng trở thành điểm đến của du lịch “an toàn”. Cứ theo đó thì các bà vợ
có thể hoàn toàn yên tâm thả các ông chồng vào chốn này mà chẳng sợ các
ông đi tìm “đồ lạ”, vì muốn tìm cũng không có.
Nhưng các bà vợ
bao giờ cũng thực tế, đầy hoài nghi, sao dễ dàng tin vào thông tin báo
cáo như một số lãnh đạo. Báo chí càng không cả tin là “đồ lạ” của vùng
biển này tự dưng mà thành tàng hình được.
Vậy
là, trước đó báo chí vốn đã hăm hở điều tra hoạt động mại dâm ở Đồ Sơn,
thì sau tuyên bố gây sốc kia, lòng hăm hở còn tăng lên bội phần. Tất
nhiên, mục đích không chỉ nhằm làm sáng tỏ, phơi bày sự thật (mà hẳn còn
vì đề tài này thu hút độc giả chẳng kém gì bản thân “đồ lạ”).
Và
cũng không khó khăn gì mà các nhà báo chụp được phố “đèn đỏ” ở vùng biển
này vẫn tấp nập như thường sau phát ngôn bất thường.
Hóa ra, “đồ
lạ” chỉ tàng hình đối với một số đối tượng, mà trong trường hợp này là
chính quyền địa phương và vị lãnh đạo ngành kia. Có tờ báo đã gọi đây là
cách nắm thực tế từ… phòng máy lạnh.
Vì thực tế từ phòng máy lạnh
nên vị lãnh đạo kia đã “bê” nguyên xi những gì có trong báo cáo ra
tuyên bố trước báo giới. Thay vì kiểm tra, xác minh, thay vì thái độ đối
mặt, giải quyết thực trạng, ông đã biến chức trách của mình đơn thuần
thành “cái loa” truyền đạt báo cáo.
Rất tiếc, cách hành xử này
không phải hi hữu. Còn nhớ, hồi tháng 7 năm ngoái, khi được phóng viên
hỏi về nạn chặt chém lộng hành ở địa phương, một lãnh đạo thị xã Sầm Sơn
(Thanh Hóa) đã đáp lại bằng câu hỏi ngược: “Các anh nói căn cứ vào đâu
thì cung cấp ra đây?”
Rồi câu chuyện tư lệnh của 2 ngành trống
dong cờ mở đi vi hành thị sát một chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, vốn có tiếng
là nơi cung cấp nhiều phụ gia độc hại. Nhưng không biết có phải vì sợ
vía lãnh đạo, mà phụ gia, thực phẩm bẩn đều “trốn sạch”.
Nổi tiếng
hơn nữa là câu chuyện chạy công chức 100 triệu đồng. Dù đây đã là
chuyện dư luận đã truyền nhau đến chán tai, nhưng nó chỉ thực sự nóng
khi được một lãnh đạo chính thức phát ngôn.
Tuy nhiên, kết quả thế
nào thì chúng ta đều đã biết. Tất cả điều tra chỉ dẫn đến kết luận là
không hề có chuyện chạy công chức. Cũng có ai chụp được ảnh nhận phong
bì “chạy” gửi bộ trưởng để mà lật ngược kết quả đâu.
Mới thấy, có
rất nhiều thứ vẫn bày ra trước mắt các thường dân, nhưng hóa ra lại rất
vô hình đối với các lãnh đạo, dẫn đến tình trạng ai cũng hiểu, chỉ vài
người không (chịu) hiểu. Chưa kể, trong không ít trường hợp, chính các
vị lãnh đạo lại là người chủ động tìm cách… “tàng hình hóa” những vấn đề
rất nóng.
Rùng mình “bom” nước, “bom” xăng
Một
câu chuyện tương tự khác, xảy ra vào trung tuần tháng 6, cũng bắt đầu
từ những nguy cơ, sai phạm vô hình (trong mắt lãnh đạo). Còn hậu quả là
cả một quả bom nước - thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ, Gia Lai) - vỡ
toác.
May mắn là vụ vỡ thủy điện không gây thiệt hại về người.
Nhưng khi kết quả điều tra được hé lộ, nhiều người không khỏi rùng mình
tự hỏi, liệu với cách quản lý thủy điện nhỏ như hiện nay, thì bao nhiêu
may mắn mới “đủ dùng”.
Điều tra ban đầu cho thấy chủ đầu tư đã có
nhiều sai phạm trong thi công, sai kỹ thuật và thiết kế. Ngoài ra, công
trình đã được tích nước dù chưa hề có báo cáo lên chính quyền.
Thủy
điện toác, cũng toác ra nhiều vấn đề về trách nhiệm. Suốt cả quá trình
duyệt dự án, thi công, Sở Công thương là nơi chịu trách nhiệm quản lý
công trình, nhưng lại chỉ nắm được hồ sơ thiết kế cơ sở. Còn chủ đầu tư
thủy điện này xây dựng theo thiết kế nào, chất lượng đến đâu… không cơ
quan nào nắm rõ.
Hiện
tượng đập thủy điện có dấu hiệu nứt nẻ đã được người dân phát hiện cả
tháng trời, nhưng cấp quản lý lại chỉ hoàn toàn vỡ lẽ khi đập đã… vỡ
toác. Trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Công thương Tỉnh Gia Lai đã “thật
thà” mà thừa nhận rằng: "Về xây dựng cơ bản thì anh chịu!", rằng trong
việc xây dựng đập thủy điện vừa và nhỏ, mà cụ thể là Ia Krêl 2, Sở này
chỉ quản lý, đôn đốc về tiến độ.
Tiến độ xây thì Sở quản, còn tiến
độ… vỡ thì hãy đợi đấy! Đến nỗi, có bài báo phải “thở dài” là có vẻ như
Sở Công thương hoàn toàn không biết gì về sự tồn tại 1 thủy điện Ia
Krêl 2 (!).
Cũng theo báo chí phản ánh, chỉ đến khi xảy ra sự cố,
các sở ngành liên quan được điều động, trong đó có Sở Xây dựng, thì giám
đốc sở này mới tỏ tường cái đập nằm ở đâu, dài ngắn thế nào.
Còn
nhớ, hồi cuối năm ngoái, vụ đổ sập thủy điện Đăk Mek 3 Kon Tum cũng
theo một kịch bản tương tự về thi công sai, về ém thông tin. Sau mỗi vụ
việc, các thủy điện lại được rà soát hàng loạt. Nhưng với tình hình này,
chẳng biết còn bao nhiêu “bom nước” vỡ, kinh nghiệm mới thực sự được
rút ra, trách nhiệm của cấp quản lý mới thực sự sáng tỏ.
Mà đâu chỉ có bom nước. Người dân còn phải sống với rất nhiều loại “bom” khác. Bom xăng chẳng hạn.
Đến
giờ hẳn nhiều người vẫn còn kinh hoàng vì vụ cháy cây xăng trên đường
Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Cũng lại sau khi sự việc xảy ra, những vi phạm
của cây xăng này mới được phát hiện.
Rồi tiếp đó là sự lên tiếng
của báo chí về những bất cập trong quản lý, quy hoạch cây xăng. Rồi lại
rà soát các cây xăng trên toàn thành phố… Nói chung, dù là “bom” lửa,
nhưng kịch bản cũng không khác “bom” nước là mấy. Những nguy cơ cứ nhởn
nhơ vô hình cho đến khi giáng xuống những tai họa hữu hình.
Vô hình, vô cảm và… vô vọng
Điều
nguy hiểm của những thứ, những vật “tàng hình” là về thực chất chúng
vẫn tồn tại. Một bảo bối như sơn tàng hình trong truyện Doremon chỉ làm
cho sự vật vô hình trước mắt chúng ta, chứ không thể khiến nó biến mất.
Những
vấn nạn, nguy cơ trong cuộc sống cũng vậy. Chúng có thể vô hình trong
mắt các vị lãnh đạo, nhưng sẽ luôn còn nhức nhối ở đó, thậm chí ngấm
ngầm tích tụ, phát triển thành khổng lồ.
Thái độ AQ, “tàng hình
hóa”, hay lờ đi những việc thuộc trách nhiệm cần giải quyết của người
lãnh đạo sẽ dẫn đến hậu quả mà đối tượng gánh chịu là người dân. Từ vô
hình đến vô cảm không xa, và khi những người đứng đầu trở nên vô cảm,
cũng là lúc người dân lâm vào… vô vọng.
(Theo TuanVietnamnet) Hải Tâm
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét