Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

11:27

 Không ngạc nhiên về chất lượng công chức

(Dân trí) - Thông tin từ Bộ Nội vụ, 30% công chức thi trượt trong đợt thi nâng ngạch từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp của các bộ, ngành. Trong đó, số người trượt phần nhiều rơi vào các lãnh đạo cơ quan.

 (Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Sở dĩ  lần thi này có tỉ lệ rớt cao là do áp dụng cách thi trực tuyến trên máy vi tính. Khác với trước đây, đã vác cặp đi thi là đỗ. So sánh hai cách thi, cho thấy càng minh bạch thì càng cho kết quả chính xác hơn về năng lực, trình độ của công chức, trong đó có lãnh đạo. Nếu tổ chức thi gắt gao hơn, trong đó phần thi tin học, ngoại ngữ nghiêm túc,  tỉ lệ rớt chắc chắn trên 30%. Căn cứ vào đâu để kết luận như vậy, xin thưa, cứ vào các cơ quan nhà nước khắc biết, không ít các vị lãnh đạo có bằng cấp rất cao, thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng lại lúng túng khi sử dụng máy tính và truy cập interrnet để làm việc, không viết được một câu tiếng Anh tử tế, có được bao nhiêu người tự viết được một bản báo cáo, một bài diễn văn đạt chất lượng, có ý tưởng, sâu sắc?  Cho nên, khi thi cử đàng hoàng, lãnh đạo thi rớt rất nhiều chẳng có gì phải ngạc nhiên.

Còn nhớ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.Hà Nội - Trương Trọng Dực từng phát biểu gây chấn động, "chạy công chức 100 triệu" là chuyện bình thường. Các kỳ thi phần lớn là chạy hơn là thi. Tất nhiên không ai dại dột tự khai ra là mình đã bỏ tiền mua điểm trong các kỳ thi công chức, nên lời nói của ông Dực không có gì làm bằng chứng. Tuy nhiên, ai cũng biết đó là một sự thật trong chuyện thi công chức hiện nay.

Chính vì nạn “sinh đồ ba quan” như vậy nên nền hành chính công có một bộ phận không nhỏ, tức là 30% thuộc loại “sáng vác ô đi tối vác về” mà dân còng lưng đóng thuế để nuôi báo cô họ, đây là sự bất công cần phải dẹp bỏ. Không chỉ xóa bất công, việc sàng lọc để loại trừ khỏi bộ máy những cán bộ công chức kém năng lực là biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của  cơ quan công quyền. Cải cách hành chính quan trọng nhất là cải cách con người, sau đó mới đến kỹ thuật. Con người kém, cho dù có áp dụng mô hình tiến tiến nhất trên thế giới, nền hành chính cũng mãi mãi lạc hậu.

Đã quá lâu, chọn người làm lãnh đạo ít xem các tiêu chí năng lực và trình độ làm trọng mà thiên về lý lịch hoặc con cha cháu ông hoặc thân quen. Cách tuyển dụng con người như vậy đã “đánh rớt” người tài không ít. Đã đến lúc trả lại sự công bằng trong cạnh tranh các chức vụ trong cơ quan nhà nước, lấy tài năng làm thước đo, lấy đạo đức làm nền tảng. Và tất nhiên, muốn chứng minh tài năng thì phải qua thi thố, thi thì phải công khai, minh bạch như cuộc thi công chức hình thức trực tuyến của Bộ Nội vụ diễn ra vào đầu tháng 1 vừa qua. Cần triển khai rộng cách tổ chức thi đó để từ nay không còn những cuộc thi vô bổ, tốn kém, những người hiền tài không được vào mà những kẻ kém tài lại lấy đó làm cơ hội thăng tiến.

Lê Chân Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét