Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

 10:28

Siêu hợp đồng 270 tỉ USD để Nga khống chế TQ?

(ĐVO) - Trung Quốc vừa kí kết một hiệp định mua dầu khí của Nga trị giá tới 270 tỉ USD trong 25 năm. Nga đang đẩy mạnh chuyển hướng chiến lược năng lượng

Siêu hợp đồng dầu khí lớn nhất trong lịch sử Nga, Trung
 
Theo tờ China Daily, tổng trữ lượng dầu mà Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc theo hiệp định là 365 triệu tấn. Theo ông Igor Sechin, giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí Rosneft thì dầu sẽ được chuyển giao cho Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống Đông Siberia – Thái Bình Dương. Hệ thống này sẽ được thiết kế để bơm dầu trực tiếp đến khu Mohe, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. 
 
Ông Igor Sechin của Rosneft tự hào cho biết rằng đây có thể là một trong những bản hợp đồng lớn nhất trong lịch sử, giữa hai nước Nga – Trung. 
Nga đẩy mạnh xuất khẩu đa dạng thị trường và đa dạng hình thức, không chỉ dựa vào hệ thống đường ống và khách hàng Châu Âu quen thuộc
Nga đẩy mạnh xuất khẩu đa dạng thị trường và đa dạng hình thức, không chỉ dựa vào hệ thống đường ống và khách hàng Châu Âu quen thuộc
Bản hiệp định bắt đầu được thương lượng từ chuyến thăm Moscow đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình và một bản hiệp định sơ bộ đã được kí kết vào tháng 3 năm nay.
Bà Liao Na, Phó chủ tịch công ty tư vấn năng lượng ICISCI Energy cho rằng: “Cả hai bên đều rất sẵn sàng đi đến thỏa thuận hợp đồng nếu giá cả thích hợp. Đây là thời điểm tốt để tiến hành kí kết, xét về giá dầu trên thế giới trong thời điểm hiện tại.”
Hiệp định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2013.
 
Những bước đi chiến lược của các cường quốc trong ván cờ năng lượng
 
Trung Quốc hiện đang là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. Bắc Kinh chỉ hối hả mua năng lượng để đảm bảo cho sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế mà không màng đến lợi nhuận.
 
Thống kê từ những bản hợp đồng cho thấy Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iraq. Điều này đã khiến một số nhà tài phiệt Mỹ lo lắng, nhưng Washington thì lại tỏ ra khá bàng quan với việc này.
 
“Chúng ta đã chi ra 1.500 tỉ USD, chúng ta mất đi hàng ngàn sinh mạng (trong cuộc chiến Iraq),… nhưng giờ thì Trung Quốc lại đang lấy hết dầu mỏ ở đó, mà chúng ta thì chẳng được gì…”, tỉ phú Donald Trump bức xúc trên kênh Fox News (Mỹ).
 
Nga đang cho thấy những chuyển hướng chiến lược trong thị trường dầu khí.
Nga đang cho thấy những chuyển hướng chiến lược trong thị trường dầu khí.

Tuy nhiên, tờ Business Insider đã đưa ra những lý do vì sao các nhà hoạch định chính sách Mỹ chẳng màng đến vấn đề mà tỉ phú Trump đang lo lắng: Trước hết, các tập đoàn dầu khí của Mỹ đã nắm toàn bộ các gói thầu phát triển ngành dầu mỏ của Iraq.
 
Thứ hai, Trung Quốc chỉ biết nhắm mắt mua dầu để đáp ứng nhu cầu của mình mà không màng đến lợi nhuận, trong khi luồng tiền khổng lồ này đã trôi vào túi của các tập đoàn của Mỹ.
 
Thứ ba, Mỹ đã kịp làm chủ nguồn dầu ở Iraq trước khi có sự xuất hiện của Trung Quốc, do đó, Mỹ hoàn toàn có thể làm chủ quyền cung cấp hay không cung cấp, đồng nghĩa với việc làm chủ nguồn năng lượng của Trung Quốc.
 
Thứ tư, Mỹ sẽ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào năm 2017 và là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới vào năm 2020, theo báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Giới phân tích nhận định việc Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới sẽ mang lại một lợi thế chiến lược cho Washington về mọi mặt.
 
Trong khi đó, Nga đang dần chuyển hướng chiến lược trong thị trường dầu khí, từ các đối tác Châu Âu truyền thống sang khu vực Châu Á. Bản siêu hợp đồng ký kết với Trung Quốc vừa qua đã thể hiện rất rõ nét bước đi chiến lược này của Nga. Hơn nữa, các quốc gia Châu Âu cũng đang dần tìm cách để “cai” nhập khẩu khí đốt từ Nga. Trong bối cảnh thế kỷ 21, việc phụ thuộc năng lượng sẽ kéo theo rất nhiều hệ quả khác mà các quốc gia Châu Âu đã sớm nhận định được. 
Những mỏ dầu đầy tiềm năng ở Bắc Cực đang là ưu tiên hàng đầu của rất nhiều quốc gia
Những mỏ dầu đầy tiềm năng ở Bắc Cực đang là ưu tiên hàng đầu của rất nhiều quốc gia

Tổng thống Nga Putin đã hối thúc tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của nước này phải cập nhật chiến lược cũng như tăng công suất sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để có thể xuất khẩu bằng đường biển.
 
Ông Putin phát biểu: “Ưu tiên hàng đầu của nước Nga là đảm bảo nguồn cung trong nước, và đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, nhằm chinh phục những thị trường tiềm năng và ít thách thức hơn như châu Á”.
 
Chưa dừng ở đó, các cường quốc này bắt đầu ăn đến miếng bánh Bắc Cực xa xôi. Cuối năm 2012, Tổng thống Putin đã chủ trì việc khởi động dự án khai thác khí đốt của Gazprom tại mỏ Bovanenkovo nằm trên bán đảo Yamal, một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới được phát hiện 40 năm trước ở vùng Bắc Cực.
 
Còn về phía Trung Quốc, tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC đang tiến hành đàm phán với Chính phủ Iceland về việc khai thác dầu khí trong vùng biển Bắc Cực.
 
Nếu thương lượng thành công, CNOOC sẽ nhận được quyền thăm dò địa chất và khai thác nguồn tài nguyên năng lượng trong vùng biển Iceland cùng với hãng Eykon Energy của Iceland.
 
Đỗ Minh tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét