07:38
UBND Quận 2 TPHCM:
“Chiêu cùn” đối phó với dân!
Tòa
tuyên hủy quyết định của ủy ban, sau đó không lâu, ủy ban lại ban hành quyết
định mới có nội dung y chang quyết định cũ.
Trên số hôm qua (ngày 28-6) PLTP có bài
“Cố tình “kháng lệnh” án tòa” phản ánh trường hợp
cơ quan bị kiện dùng chiêu đối phó với án tòa và hành doanh nghiệp đi kiện
kéo dài. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt. Tình trạng người bị
kiện sau khi bị tòa tuyên hủy quyết định sai rồi về ra quyết định mới dạng
“bình mới rượu cũ” để “đối phó với án tòa” không phải là hiếm. Câu chuyện
dưới đây là một minh chứng.
Trong quá trình đi kiện, bà Lê Thị Bảy luôn trang bị thêm kiến thức pháp luật từ báo chí. Ảnh: HY
Bó tay vì quận không thi hành án
Bà Lê Thị Bảy (ngụ phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM) là
người thắng kiện trong vụ yêu cầu tòa hủy quyết định bồi thường, hỗ trợ khi
thu hồi đất của UBND quận 2. Khu đất nhà bà Bảy bị thu hồi để phục vụ cho quy
hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Năm 2009, UBND quận 2 ra quyết định bồi
thường hỗ trợ và tái định cư cho bà tổng cộng hơn 300 triệu đồng. Theo quận, đất
của bà là đất vườn nên quận chỉ bồi thường 200.000 đồng/m2theo giá đất nông
nghiệp.
Cho rằng lẽ ra quận phải bồi thường theo giá đất ở, bà Bảy
khởi kiện ra TAND quận 2 yêu cầu hủy quyết định của UBND quận nhưng bị bác.
Bà kháng cáo và được TAND TP.HCM chấp nhận, xử hủy quyết định của quận 2. Tòa
cho rằng trong phần đất bị thu hồi của bà Bảy có một phần diện tích hơn 108
m2đất thuộc thửa đất với “mục đích để ở”.
Bản án phúc thẩm đã tuyên từ tháng 9-2012 nhưng đến nay đã
hơn nửa năm mà UBND quận 2 vẫn chưa chấp hành án. Quyết định cũ của ủy ban
vẫn còn sờ sờ ra đó, quyền lợi của bà vẫn chưa được xem xét. Tuy nhiên, điều
bà lo lắng nhất là sợ ủy ban quận lại vận dụng chiêu đối phó như trường hợp
của ông Lê Văn Danh, anh trai bà.
Thắng kiện cũng như không
Trường hợp anh trai của bà Bảy cũng chỉ được UBND quận bồi
thường tổng cộng hơn 255 triệu đồng với giá đất vườn thay vì đất ở. Năm 2011,
ông Danh cũng đi kiện, TAND quận 2 xử sơ thẩm bác yêu cầu của ông. Xử phúc
thẩm, TAND TP.HCM tuyên hủy quyết định của UBND quận 2 để quận kiểm tra, xác minh
lại phần đất ông Danh bị thu hồi có thuộc đối tượng được hỗ trợ thêm, từ đó
giải quyết lại việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho phù hợp.
Tháng 3-2012, UBND quận 2 thu hồi và hủy bỏ quyết định cũ
theo yêu cầu của tòa án. Ông Danh mừng rỡ vì công sức theo kiện bấy lâu của
mình giờ đã có kết quả.
Nhưng rồi sau đó không lâu ông Danh lại méo mặt khi nhận
được quyết định mới, cũng của UBND quận 2, về bồi thường, hỗ trợ và tái định
cư đối với ông. Quyết định mới này có đính kèm theo bảng chiết tính, nội dung
không sai một dấu phẩy so với bảng chiết tính cũ, kể cả… số hiệu văn bản.
“Toàn bộ nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho tôi y chang như
nội dung có trong quyết định cũ đã bị hủy. Vậy là gần hai năm trời đi kiện,
cuối cùng kết quả cũng như không” - ông Danh kêu trời.
“Thế ông có khởi kiện quyết định mới nữa không?” - chúng
tôi hỏi. Chần chừ hồi lâu, ông Danh trả lời ông cũng chưa biết nữa. “Tôi quá
mệt mỏi rồi. Bỏ thời gian hầu kiện, những mong khi thắng kiện trắng đen mọi
thứ rõ ràng. Không ngờ người ta lại hành xử kiểu này, chẳng khác nào ăn thua
đủ với dân. Nếu kiện lần nữa, biết đâu khi thua kiện, ông ủy ban lại “bổn cũ soạn
lại” thì sao? Chẳng lẽ pháp luật lại bó tay?” - ông Danh nói.
Phải có cơ chế thực hiện
“Chẳng lẽ pháp luật lại bó tay?”. Một kiểm sát viên VKS
TP.HCM cho biết về nguyên tắc, nếu cơ quan, cá nhân phải thi hành án (THA) mà
cố tình không chấp hành án hoặc ra quyết định mới trái ngược hoặc vô hiệu hóa
án tòa thì việc xử lý hành chính họ sẽ do cấp trên trực tiếp thực hiện. Và ở mức
độ nghiêm trọng hơn, nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ do cơ quan điều tra vào
cuộc để xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vị kiểm sát viên này cho biết trong Luật Tố tụng Hành
chính có Điều 247 quy định về việc xử lý vi phạm trong THA hành chính. “Đây
là một quy định mang tính răn đe vì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự cơ
quan, tổ chức, cá nhân phải THA mà cố ý không chấp hành bản án, quyết định
của tòa. Nhưng trên thực tế, chúng ta chưa có cơ chế để làm, ai là người xử lý
và đã có ai… dám làm đâu! Chính vì vậy mà việc THA hành chính hiện nay chưa
hiệu quả” - vị này nói.
Đồng tình, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm, Phó Viện
trưởng Viện Phúc thẩm III (VKSND Tối cao) nói cần sớm có hướng dẫn cụ thể,
chi tiết hóa điều luật này như việc xử lý thế nào, thẩm quyền xử phạt sao…,
có như thế điều luật mới phát huy tính hiệu quả trong thực tế không phải là
hiếm. Câu chuyện trên đây là một minh chứng.
(Theo
PL TP HCM, tựa của Kinh Bắc) Hoàng Yến
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét