Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

 11:21

 Công ty Trung Quốc làm dự án 40 tỷ USD đào thêm kênh cắt ngang Châu Mỹ

(Dân Việt) - Kênh đào Nicaragua là một dự án lớn mang tầm nhìn xa của Tổng thống Daniel Ortega, nhưng cũng làm cho các chuyên gia lo ngại về tính hiệu quả cũng như các tác động vào xã hội, môi trường...

Ngày 13.6, Quốc hội Nicaragua thông qua dự án xây dựng kênh đào qua lãnh thổ nước này, nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, nhằm cạnh tranh với kênh đào Panama ở cách đó hơn 1.200km.
Theo các nghiên cứu ban đầu, kênh đào sẽ dài 200km, chạy dọc theo các con sông từ bờ đông Nicaragua đến hồ Nicaragua rồi thêm hơn 10km nữa xuyên qua dải đất Rivas để nối với Thái Bình Dương. Dự án này sẽ do Công ty Đầu tư phát triển kênh đào Nicaragua (HKDN, có trụ sở tại Hong Kong nhưng khá vô danh) xây dựng, cùng một đường ống dẫn dầu, một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa, 2 cảng nước sâu, 2 sân bay và một loạt khu thương mại tự do.
Vị trí 2 kênh đào ở Panama và Nicaragua
Dự án có chi phí 40 tỷ USD, dự kiến khởi công từ năm 2015 và hoàn công sau trong 11 năm. Chính phủ Nicaragua dự kiến sẽ trao cho đối tác TQ quyền vận hành và khai thác kênh trong 50 năm, có thể gia hạn thêm 50 năm nữa. Trong 10 năm đầu, HKDN sẽ trả Nicaragua 10 triệu USD/năm, sau đó chia lợi nhuận cho nước này ở mức 1% và sẽ tăng dần về sau.
Động cơ địa chính trị?
Một số chuyên gia cho rằng với dự án này, TQ có động cơ địa-chính trị nhiều hơn là kinh tế. Roberto Troncoso, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Panama nói Bắc Kinh có thể khuyến khích một kênh đào mới để lập một lộ trình độc lập với kênh Panama: “Tiền bạc hoàn toàn vô nghĩa. Ở đây chúng ta nói về quyền bá chủ. TQ đang muốn trở thành một thế lực kinh tế thượng phong. Ai thống trị kinh doanh thì sẽ thống trị thế giới”.
Sau khi thời hạn khai thác kết thúc, toàn bộ cơ sở hạ tầng của kênh đào sẽ được bàn giao cho chính quyền Nicaragua. Theo những người ủng hộ, sau khi hoàn thành, kênh đào dài 200km này sẽ chiếm 4,5% khối lượng giao thương hàng hải toàn cầu, tạo ra 40.000 việc làm trong thời gian thi công và tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người của Nicaragua, đất nước thuộc nhóm quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ.
“Ảo tưởng về kinh tế hàng hải”
Tổng thống (TT) Ortega là người ủng hộ nhiệt thành của dự án này. Ông nói: “Nó sẽ giúp chúng ta chinh phục nốt sự độc lập” và người Trung Quốc sẽ giúp Nicaragua “chuyển mình” bằng cách thực hiện một giấc mơ từ nhiều thế kỷ nay của dân tộc: một con kênh xuyên đại dương, đem lại hàng chục ngàn việc làm cho người dân và kích cầu kinh tế, theo mô hình thịnh vượng từ kênh của láng giềng Panama.
Các đời TT trước, ông Ortega cũng từng lập các dự án về kênh đào Nicaragua, nói nó có hiệu quả kinh tế hơn kênh Panama vì nó có thể vận hành tàu có tải trọng lớn hơn. Nhưng thực tế là kênh Nicaragua dài hơn gấp 3 lần kênh Panama (80km), điều mà Jorge Quijano - quan chức phụ trách kênh Panama nói: “Chúng tôi có lợi thế cạnh tranh lớn hơn, địa thế của Nicaragua phức tạp hơn của chúng tôi”.
Nhưng việc quốc hội do Đảng Mặt trận Sandinista cánh tả của ông chiếm đa số bỏ phiếu thuận thông qua “chớp nhoáng” (61 phiếu thuận, 28 chống) khiến giới chuyên gia hàng hải nghi ngờ, cùng sự lo ngại của các nhà bảo vệ môi trường. Họ nêu dự án không có lộ trình đặc biệt cho con kênh và hầu như nhà đầu tư không có thông tin chi tiết về độ tin cậy về tài chính - kinh tế của dự án, phần hưởng của Nicaragua từ nguồn lợi nhận (nếu có) khá nhỏ.
Hiện có 6 tuyến lộ trình của con kênh được tính đến nhưng chưa rõ tuyến nào được chọn trong khi tác động về kinh tế, xã hội và môi trường cũng như các vấn đề hậu cần vẫn còn là những dấu hỏi lớn. Báo International Business Times dẫn lời chính khách đối lập Javier Vallejos: “Điều này giống như cầm đèn chạy trước ô tô”.
Một số ý kiến chỉ trích việc giao dự án khổng lồ này cho một đối tác nước ngoài ít được biết đến, trên hết là nỗi lo về hiệu quả của dự án. Các công ty Bắc Mỹ hiện tìm cách xây dựng xí nghiệp ở Mỹ và Mỹ La-tinh hơn là ở châu Á, nơi mức lương ngày càng tăng ở TQ khiến các công ty nước ngoài không còn ham đầu tư vào lục địa da vàng để sản xuất hàng hóa.
Cơn suy thoái kinh tế toàn cầu vài năm gần đây cũng khiến tàu bè “nằm ụ” nhiều (khoảng 5% tổng số đội tàu thế giới) và các chuyên gia nói sẽ còn nhiều tàu hàng sẽ được đóng xong trong vài năm tới, điều đó có nghĩa tỷ lệ tàu không được sử dụng có thể tăng lên hơn 20%.
Đào kênh, lấy đâu nước uống?
Bên cạnh đó, hiện tượng Trái đất ngày càng ấm dần lên, đến độ Bắc cực có thể trở thành một tuyến hàng hải ổn định hơn là vượt qua Trung Mỹ từ một con kênh. Chuyên gia tư vấn Eduardo Lugo nhận định: “Tính cạnh tranh của kênh đào Nicaragua có thể bị ảnh hưởng bởi chính tham vọng của họ. Sinh sau đẻ muộn và hành trình lại dài hơn nên để cạnh tranh và thu hút nhiều tàu bè, kênh đào mới phải rộng hơn, sâu hơn nên phải ngốn chi phí bảo trì lớn hơn và từ đó sẽ đội mức phí thu lên.
Theo kinh nghiệm và những nghiên cứu của tôi về khối lượng thương mại thế giới thì không có đủ lượng tàu bè lưu thông cần thiết để dự án này có thể lấy lại vốn chứ đừng nói là có lời”. Ngoài ra, các chuyên gia đang tranh luận liệu Nam Mỹ có cần 2 kênh đào hay không.
Các nhà bảo vệ môi trường nói con kênh chảy ngang hồ Nicaragua (còn có tên Cocibolca) là nguồn nước sinh hoạt chủ đạo của đất nước, nếu xây một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ thì nguồn nước lớn cần để đóng cửa kênh sẽ làm hồ bị kiệt nước thật lớn (dân sẽ không có nước uống, tưới tiêu) đồng thời tàn phá hệ sinh thái của hồ một cách nghiêm trọng.
Các chuyên gia hàng hải nói những nỗi lo ngại này là chính đáng, và kênh đào Nicaragua sẽ có thể trở thành một ví dụ về “ảo vọng tăng trưởng kinh tế” vào danh sách những tầm nhìn “dở dang” muốn thịnh vượng từ biển cả. Một ngày trước khi quốc hội thông qua dự án, các nhà bảo vệ môi trường cùng hoạt động xã hội cũng đã tổ chức những cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ vội vàng trao quyền đầu tư cho HKDN (cho đến nay chỉ hoạt động ở mảng viễn thông) mà không kêu gọi đấu thầu. Họ gửi thư ngỏ: “Nicaragua không phải để bán, là của toàn dân chứ không là tài sản riêng của Ortega và gia đình ông”.
TT Ortega và Chủ tịch HKDN Wang Jing
TT Ortega từng nắm quyền lực năm 1979, muốn hướng Nicaragua theo chủ nghĩa xã hội nên Mỹ “chống lưng” cho quân ly khai Contra toan lật đổ chính quyền trong thập niên 1980. Năm 1990 ông phải từ chức nhưng trở lại ngôi TT sau khi thắng cử năm 2006. Từ đó, vị lãnh đạo 67 tuổi này muốn trở thành TT vĩnh viễn, cử đảng viên Mặt trận Sandinista nắm các vị trí chủ chốt ở tòa án và các cơ quan bầu cử. Năm 2009, đảng này chiếm thế đa số ở Tòa án tối cao nên đã hủy bỏ quy định mỗi TT chỉ được làm 2 nhiệm kỳ (mỗi lần 5 năm), tạo điều kiện cho ông có thêm nhiệm kỳ thứ ba và đã tái đắc cử với 64% số phiếu, dù các đảng đối lập tố cáo có sự gian lận.
Chủ tịch Tập đoàn HKDN Wang Jing cũng là lãnh đạo một số công ty còn hoạt động hoặc đã giải thể. Wang là Giám đốc Công ty Viễn thông cấp trung Beijing Xinwei mà theo giới truyền thông TQ, công ty này là “con” của tập đoàn thiết bị viễn thông Datang (thuộc Nhà nước TQ) mà hồi năm 2010 đã bán cổ phần trong một chương trình “tái cấu trúc”. Theo báo giới TQ, trong 8 tháng đầu năm ngoái, Beijing Xinwei đạt lợi nhuận 650 triệu tệ (100 triệu USD).
Kênh đào Panama giúp giảm phân nửa thời gian đi lại giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, và đang chiếm 5% lưu lượng giao thương hàng hải toàn cầu. Panama đang tiến hành dự án mở rộng kênh đào với chi phí 5,2 tỷ USD, dự kiến hoàn tất trong năm 2014. Cơ quan quản lý thu phí dựa trên chiều dài tàu và theo tính toán mới nhất, tàu bè đi qua kênh Panama trả phí trung bình khoảng 54.000USD/lượt.
Theo Thế giới & Hội nhập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét