Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

14:43

Tội phạm lãng phí
 Các quan điểm trong các cuộc thảo luận về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi tại Quốc hội vừa qua là tâm điểm chú ý của dư luận. Sự tán đồng của mọi người ở đây là "Lãng phí hiện nay ở nước ta không kém gì với  tham nhũng nhưng chế tài, quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong luật không chặt chẽ”, như một đại biểu phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.
 
Những hành vi gây nên căn bệnh lãng phí được điều chỉnh
 bằng Bộ luật hình sự chính là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn
Ảnh: T.L
Thật sự, lãng phí trong lĩnh vực chi công đã tràn lan tại nhiều ngành, địa phương từ lâu nay rồi. Ai cũng biết nhưng con số thống kê thì hầu như chỉ khi nào vụ việc trở thành vụ án hình sự thì mới được nêu ra, khi đó hậu quả nặng nề do lãng phí cũng chỉ mới coi là một trong những chứng cứ buộc tội đối tượng có đồng thời nhiều hành vi phạm pháp. Sự lãng phí trong chi công là có thật và lớn, cần được xử lý bằng Bộ luật Hình sự như nhiều đại biểu dân cử nêu ý kiến.

Trong bối cảnh đang có cuộc thảo luận về quy phạm pháp luật nhằm đương đầu với bệnh lãng phí, thì một con số "sống” về lãng phí tại một số dự án thuộc Bộ Giao thông - Vận tải có thể được viện dẫn. Người đứng đầu Bộ này vừa công bố cắt giảm chi phí 15.000 tỉ đồng sau khi rà soát thiết kế kỹ thuật ba dự án đường cao tốc là Hà Nội - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành. Riêng Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cắt giảm 1.000 tỉ đồng do điều chỉnh 4km đường, đồng thời cắt giảm 3.000 tỉ đồng do tạm dừng các hạng mục phụ trợ chưa cần thiết. Điều đáng chú ý, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng việc cắt giảm kinh phí đối với ba dự án đều không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, vẫn đảm bảo tiêu chuẩn của đường cao tốc.Thông tin đơn giản, con số khô cứng nhưng có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Nhà nước phải co kéo mới có được đồng vốn cho đầu tư phát triển. Mới chỉ vài động tác, cố gắng động não, cơ quan có trách nhiệm nhìn thẳng vào thực tế là tiết kiệm được khoản tiền rất lớn. Với chủ trương tiết kiệm thì đây là khoản tiết kiệm đáng giá, có được từ tinh thần trách nhiệm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lãng phí, riêng trong một số trường hợp cụ thể ở lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải nhận định bệnh thích hoành tráng là một trong những nguyên nhân. Ông nhận định: "Có những cây cầu không cần dây văng, chả cần khẩu độ lớn nhất thế giới, nhất Đông Nam Á làm gì. Tiền chưa có nhưng mình thì cứ phải cầu dây văng khẩu độ lớn. Bộ Giao thông - Vận tải rà soát lại, giảm từ dây văng đến không văng đã là 600 tỉ đồng”. Việc quy trách nhiệm cho những người duyệt các dự án có dấu hiệu lãng phí đã thỏa đáng. Bởi một chữ ký không làm hết trách nhiệm của họ có thể tốn kém thêm nghìn tỉ đồng.

Thiết nghỉ, động thái chống lãng phí ở một số dự án giao thông cần được thực hiện ở các ngành, các địa phương khác. Nếu rà soát cả những việc khác như tổ chức lễ lạt, hội nghị, xây dựng công sở, mua sắm công... được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, chắc hẳn sẽ có rất nhiều tỉ đồng dôi ra và dần chấm dứt được tình trạng hoành tráng theo kiểu phù du. Lãng phí chi công luôn "hòa quyện” với các hành vi tham nhũng, đồng thời là biến thể của bệnh thành tích, ưa hoành tráng mà xa rời thiết thực. Có những công trình chưa thực sự cần vẫn vội làm to lớn hơn nhu cầu và năng lực thật sự. Phong trào xây cảng biển, sân bay, …rộ lên tại nhiều địa phương cần được giám sát kỹ về nguy cơ gây lãng phí. Chuyện "ngốn tiền xây  chợ rồi chỉ lác đác vài tiểu thương buôn bán” là bài học nhìn thấy ở nhiều nơi! Sự lãng phí còn xảy ra trong cả quỹ thời gian. Hàng trăm dự án quy hoạch treo hàng chục năm, xin giao đất xong cắm dùi để đó. Có sự lãng phí "ngay tình” do đua đòi mà ra. Mang tiền của công quỹ chi tiêu hoang phí là một dạng "mượn gió bẻ măng” để tham nhũng. Chuyện xây nhà vệ sinh trong trường học tại tỉnh Quảng Ngãi đang được nói tới (chi phí xây 600 triệu đồng/ nhà vệ sinh so với thực tế chỉ cần 80 triệu đồng ) là ví dụ cần được suy nghĩ về cái gì lẩn phía sau sự lãng phí.

Cho đến nay lãng phí chưa được đánh giá đúng bản chất của nó, mới chỉ coi là khuyết điểm được nhắc nhở, rút kinh nghiệm về quản lý. Có phải vì thế mà lãng phí ngày càng không giảm? Lãng phí rõ ràng xuất phát ngay từ cá nhân người đứng đầu, người duyệt đầu tư dự án do tắc trách hoặc do cố ý. Cần phải có chế tài xử lý nghiêm người đứng đầu nơi để xảy ra lãng phí và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đất nước còn nghèo, mọi hành vi lãng phí tiền của, thời gian và cả lòng tin, kéo lùi sự phát triển lành mạnh của xã hội đều chẳng khác gì tội phạm. Những hành vi gây nên căn bệnh lãng phí được điều chỉnh bằng Bộ luật hình sự chính là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn.
(Theo Đại đoàn kết)  Thư Trung
Chỉ mới rà soát 3 dự án mà đã giảm lãng phí được 15.000 tỷ đồng. Rà roát toàn bộ dự án của các Bộ, ngành, địa phương thì không rõ con số giảm lãng phí sẽ là bao nhiêu? Giá Bộ trưởng Thăng làm điều này sớm hơn thì hay biết mấy, chẳng cần đưa ra cái sáng kiến “Quỹ bảo trì đường bộ”, phí chồng phí gây dư luận bức xúc mà cũng chỉ thu về hơn 6.000 tỷ mỗi năm từ túi tiền người dân, doanh nghiệp. Cũng từ câu chuyện rà soát này mới thấy xưa nay các cơ quan duyệt dự án “phóng tay” mạnh như thế nào. Lại còn câu chuyện “điều chỉnh mức đầu tư dự án”, có cái tăng gần gấp đôi ban đầu mới thấy lãng phí thực sự là “quốc nạn”.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét