Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

08:50

 Kêu lỗ nhưng đua nhau xin kinh doanh xăng dầu

(ĐVO)- Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không tăng giá, giữ ổn định giá bán và sử dụng quỹ bình ổn từ 160 đồng tới 400 đồng/lít.

Tiếp tục trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Liên bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không tăng giá, giữ ổn định giá bán, mức trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các chủng loại xăng dầu như hiện hành.
 Liên bộ cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như sau: xăng sử dụng 400 đồng/lít, dầu hỏa sử dụng 290 đồng/lít, dầu diesel sử dụng 400 đồng/lít, dầu madut sử dụng 160 đồng/lít.
 Thời điểm thực hiện đối với mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bắt đầu áp dụng từ 0 giờ ngày 1/6.
Căn cứ đăng ký giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, trên cơ sở nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo quy định tại Nghị định 84, bao gồm thuế suất thuế nhập khẩu, mức trích quỹ bình ổn… thì chênh lệch giá cơ sở bình quân 30 ngày từ 30/4 đến 29/5 và giá bán các mặt hàng xăng dầu như sau: xăng A92 có giá bán hiện hành thấp hơn giá cơ sở là 399 đồng, dầu diesel chênh lệch 402 đồng, dầu hỏa 290 đồng, dầu madut 156 đồng.
Mới đây, một lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết sau khi trừ tất cả các khoản thuế, phí...,các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang có lãi khoảng 270 đồng/lít xăng, 290 đồng/lít dầu hỏa và 130 đồng/kg dầu FO.
Nếu cộng thêm lợi nhuận định mức, các DN đầu mối đang có lãi 430-590 đồng/lít, tùy từng mặt hàng.
Kêu lỗ vẫn nhiều DN mới thành lập
TS Lê Đăng Doanh cũng tỏ ra ngạc nhiên: ‘Trong khi Chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 19% xuống còn 18% và giá bình quân mặt hàng này của thế giới đã giảm thì không hiểu doanh nghiệp lỗ kiểu gì?’. Theo ông Doanh, từ trước đến nay, chuyện lỗ - lãi của DN xăng dầu thường không rõ ràng và không kiểm chứng được nên việc đánh giá lỗ - lãi cũng khó bởi không có đủ căn cứ. “Kêu lỗ thì phải chỉ rõ lỗ ở đâu, khi nào. Không thể cứ kêu lỗ để tăng giá” - TS Lê Đăng Doanh nói.
Trước đó Bộ Tài Chính ra thông tư tăng thuế xăng từ 16% lên 19% và dầu từ 13% lên 17%, nâng mức thuế phí người tiêu dùng phải trả là 8400đ/l. Đến ngày 23/5, khi mức thuế xăng được điều chỉnh giảm xuống 1%, tức là giảm mức thuế phí người tiêu dùng phải “cõng” xuống còn 7300đ.
Tiếp nhận động thái này, doanh nghiệp đầu mối thay vì giảm giá cho người tiêu dùng thì lại sử dụng bài quen thuộc: tăng chiết khấu cho các đại lý nhập xăng. Doanh nghiệp đầu mối nới chiết khấu cho các đại lý xăng dầu bán lẻ từ 650đ-950đ/l.
Giá xăng bán lẻ vẫn không hề nhúc nhích. Giá bán lẻ xăng dầu tại thời điểm điều chỉnh thuế vẫn ở 23.330 đồng/lít đối với xăng Ron A 92, 23.850 đồng đối với xăng Ron A95.
Lợi nhuận từ việc giảm thuế xăng đang chui vào túi doanh nghiệp thêm 900đ/l xăng.
Có một điều trái ngược, trong khi DN liên tục kêu lỗ, than khổ, chịu đau nhưng ngày càng nhiều DN xin giấy phép kinh doanh xăng dầu từ Bộ Công Thương? Thành viên kinh doanh xăng dầu từ con số 11 tăng lên 13, rồi 17. Mới đây Bộ Công thương cấp thêm 4 giấy phép kinh doanh cho Công ty CP Xăng dầu và dịch vụ hàng hải STS (TP.HCM), Công ty CP thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (Hậu Giang), Công ty CP xăng dầu Thái Sơn (TP.HCM), và Công ty CP dầu khí Đông Phương (TP.HCM). Giấy phép cho các DN này có hiệu lực đến năm 2018.
Một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về thị trường xăng dầu thẳng thắn trao đổi, thời gian qua dư luận xã hội luôn khó chịu với cách điều hành thị trường xăng dầu. Xăng dầu lỗ lãi như thế nào người dân không rõ. Bản thân DN cũng luôn có hai cuốn sổ. Giá nhập khác giá khai báo hải quan. Cơ quan quản lý chưa thực hiện đầy đủ vai trò của mình việc quản lý giá một trong những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh.
Vị này dẫn chứng, giá bình quân 30 ngày đến 29-5 là 110.97 USD thùng (mức thuế suất 18%) DN than lỗ 500 đồng. Ngược trở lại thời điểm 1 tháng, giá bình quân 30 ngày đến 26-4 là 119.29 USD thùng (thuế suất nhập khẩu 16%) DN không lỗ. Vị này cho rằng, phần chênh thuế hoàn toàn bù được phần chênh với giá cơ sở giữa hai thời điểm. Từ đó đi đến kết luận, DN xăng dầu không lỗ.

Vị chuyên gia này nói thêm, với chức năng quản lý nhà nước về giá, cơ quan giá Bộ Tài chính phải có trách nhiệm phối hợp với Hải quan kiểm tra, kiểm soát từng ngày nhập hàng của một số DN đầu mối là biết ngay giải đáp của DN có tương thích, phù hợp không. Im lặng hay là không biết ? Điều này đã làm cho DN hưởng lợi cao, còn thiệt hại dành cho người tiêu dùng.
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc
Nếu cứ vì lợi nhuận của riêng của ngành xăng dầu thì chẳng khác gì bức tử dần dần cả nền kinh tế và bần cùng hóa người nghèo. Một khi DN Nhà nước đã không còn trách nhiệm trụ đỡ nền kinh tế thì nên cho các công ty xăng dầu nước ngoài vào cạnh tranh bình đẳng để đem lại công bằng cho người tiêu dùng.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét