Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012


14:45
Nứt vòm hầm đường bộ Hải Vân là hiện tượng đáng lo ngại?


Ngày 1.11, sau khi có thông tin xuất hiện nhiều vết nứt trên vòm, thành hầm đường bộ Hải Vân của một số báo mạng, lập tức đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy vậy, thực tế có đáng lo ngại?...

Đây là hầm đường bộ đầu tiên ở VN, đảm bảo lưu thông tuyến huyết mạch Bắc - Nam của đất nước, với lưu lượng 4.500 - 5.000 lượt ôtô/ngày đêm. Vì vậy, lo lắng về sự an toàn của hành khách là hiển nhiên.

Từ kiến nghị đầy tính nghiêm trọng...

Phó GĐ Khu quản lý đường bộ 5 - Cục Đường bộ VN- ông Phan Thái cho biết, hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào khai thác từ tháng 6.2005. Sau một thời gian vận hành, đã xuất hiện một số hư hỏng trên kết cấu bêtông của hầm, dạng nứt ngang trên vòm và thành hầm. 

Sau khi kiểm tra, Khu QLĐB 5 đã có văn bản báo cáo Cục Đường bộ. Theo đó, có nói rõ hiện tượng nứt ngang, dọc đường hầm gây thấm và dột nước xuống mặt đường xe chạy. Ban QLDA 85 và các nhà thầu đã cho sửa chữa theo trách nhiệm bảo hành bằng biện pháp bơm keo cường độ cao vào các khe nứt. Tuy nhiên, hiệu quả không cao. Đến nay, các vết nứt này đã phát sinh ở những vị trí khác, nước vẫn thấm dột ở trên đỉnh vòm hầm.

Báo cáo này cũng nhấn mạnh: “Hiện tượng các vết nứt này đang có nguy cơ phát sinh và phát triển theo đa phương, chiều dài vết nứt từ 1- 7m, rộng hơn 1mm”. 

Đặc biệt, trên suốt chiều dài đường hầm xuất hiện nhiều vết nứt trong kết cấu bêtông cốt thép theo phương ngang, dọc và xiên hai bên thành hầm. Bề rộng các vị trí nứt này 1-2mm, cá biệt có nơi nứt sâu 5mm... Do điều kiện kiểm tra hạn chế, các vết nứt này chỉ được kiểm tra bằng mắt thường, vì vậy việc phát sinh và phát triển của các vết nứt phải được tiếp tục theo dõi; đồng thời, kiến nghị Cục Đường bộ kiểm tra, lập dự án khắc phục, sửa chữa...

Theo ông Thái, sau khi nhận được báo cáo, Cục Đường bộ đã cử các chuyên gia chuyên ngành kiểm tra cụ thể, nhưng từ đầu năm 2012 đến nay vẫn chưa có kết luận.

Sự hiểu lệch thông tin

Trong khi đó, báo cáo của đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành hầm đường bộ 5 là Cty Hamadeco (thuộc Cục Đường bộ VN- từ 1.11.2012 trở thành Cty con của Cienco5) thì cho rằng, hiện tượng nứt trên vòm và thành hầm đường bộ Hải Vân là hết sức bình thường.

PGĐ Cty Hamadeco - ông Cao Bá Giang - cho biết, hầm đường bộ Hải Vân là công trình đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ NATM (New Austrian Tunnelling Method) của Áo.
Theo công nghệ đào hầm mới này, thì chính đá granite gốc xung quanh vòm hầm đã liên kết, ổn định tạo thành kết cấu chịu lực, đỡ hầm. Sau khi đánh mìn, đào hầm, sự cân bằng nguyên thuỷ hiện có trong khối đá sẽ tắt dao động (do đánh mìn) trong vòng 120-150 ngày, để chuyển sang dạng cân bằng mới, thứ cấp và ổn định, chịu lực. Phương pháp NATM hiện nay đã trở nên thịnh hành trong ngành xây dựng hầm đường bộ, đường thuỷ, đường sắt trên thế giới. 

Chính vì thế, vòm bêtông ở hầm đường bộ Hải Vân chỉ là lớp áo trang trí, chống thấm và giấu thiết bị vận hành. Nói cách khác là khối vòm bêtông (không có cốt thép) hiện trên hầm không phải là kết cấu chịu lực của hầm. Vì vậy, việc nứt chân chim là hiện tượng nứt kỹ thuật, được cho phép và nó không hề ảnh hưởng đến việc hoạt động bình thường của hầm Hải Vân hiện nay. 

Hầm đường bộ Hải Vân được thiết kế đảm bảo lưu lượng cho 15.000 lưu lượng xe/ngày đêm (đến năm 2020), nhưng công suất khai thác hiện nay chỉ có 50%. Công trình được 5 giải thưởng lớn của quốc tế, trong đó có 3 giải thưởng lớn về chất lượng và hiệu quả cho đến thời điểm này. 

Vì vậy, những thông tin sai lệch, không rõ ràng, nâng tính nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý hành khách và người điều khiển phương tiện giao thông qua hầm. Ông Giang khẳng định, đây là công trình trọng điểm quốc gia, được kiểm tra hằng ngày, kiểm tra nâng cao định kỳ và kiểm tra sâu đột xuất nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối. Vì vậy, không nên lo ngại cho hiện tượng nứt trên vòm hầm hiện nay.
Theo Báo Lao động



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét