Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012


16:45

Triển vọng kinh tế 2013 sẽ sáng sủa hơn

 

Đây là nhận định của các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012 ngày 23.11 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Cơ quan Hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ) tổ chức.
Theo đó, tại hội thảo, các đại biểu dự báo sẽ có nhiều yếu tố có thể tác động làm gia tăng lạm phát trong năm 2013, nhưng ở mức độ không lớn. Hoạt động sản xuất đang có xu hướng gia tăng. Thêm vào đó, việc xuất khẩu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái là một tín hiệu tích cực cho năm tới.
Những dấu hiệu trên chứng tỏ đang có dấu hiệu phục hồi, giúp đẩy mạnh việc cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cần xem năm 2013 là năm bản lề cho những năm kế tiếp nên cần tập trung duy trì ổn định vĩ mô, giữ tăng trưởng ổn định. 

Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - tình hình kinh tế-xã hội trong 10 tháng qua đã tăng trưởng chậm lại so với nhiều năm, dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 5,2%. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chậm, chỉ số công nghiệp chỉ tăng 4,8% (bằng 1/2 so với các năm trước), chỉ số tồn kho trên 20%. 

Nguyên nhân quan trọng, theo TS Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - là do lượng hàng tồn kho công nghiệp, đặc biệt của các lĩnh vực sản xuất có liên quan đến lĩnh vực BĐS - xây dựng như ximăng, sắt thép, gạch ngói, VLXD đang tăng cao mà đến nay vẫn chưa có giải pháp đủ mạnh để thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực này.

TS Hà Huy Tuấn cho rằng, do vậy một trong những “chìa khóa” giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2013 là phải đẩy nhanh việc giải phóng hàng tồn kho các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực xây dựng bằng giải pháp mở rộng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nguồn vốn có được từ việc phát hành trái phiếu công trình. Qua đó sẽ đẩy mạnh cầu đầu tư cũng như cầu tiêu dùng, góp phần nâng cao tổng cầu của nền kinh tế, đẩy nhanh tiến trình hồi phục tăng trưởng trong năm 2013 và thời gian tiếp theo.
 (Theo VnEconomy) Phạm Huệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét