12:48
Tham nhũng ngay trong lực lượng chống tham nhũng?
SGTT.VN - Đó là nghi vấn của phó chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp Lê
Thị Nga khi phát biểu trước Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm chiều
1.11
Bà Nga dẫn nhận định, các vụ án trật tự trị an càng kéo dài,
càng mở rộng điều tra thì càng phát hiện nhiều đối tượng, chứng cứ được củng
cố chặt chẽ hơn nhưng án tham nhũng thì ngược lại: càng kéo dài thời gian xử
lý thì càng thu hẹp đối tượng, tài liệu chứng cứ bị mất, bị thay đổi theo
hướng có lợi cho đối tượng phạm tội, sau đó không xử lý được. Ví dụ tiêu biểu
được bà Nga dẫn ra là vụ việc Võ Nhật Duy (công ty cao su Sơn La) bị cáo buộc
nhận hối lộ 300 triệu đồng nhưng do sơ suất của điều tra viên nên biên bản
phạm tội quả tang không đủ căn cứ pháp lý. Theo bà, đây là điều “không thể
chấp nhận được” vì là lỗi sơ đẳng mà ngay đến điều tra viên cấp huyện còn ít
mắc phải chứ nói gì đến cơ quan điều tra cấp Trung ương. “Tình trạng này nói
lên điều gì, đó là dấu hiệu tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng? Đề
nghị bộ trưởng Công an, chánh án Toà án tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát
tối cao trả lời”, bà Nga bức xúc.
Dẫn lại ví dụ vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn, bà Nga đồng tình
với đề nghị áp dụng biện pháp điều tra bí mật với tội phạm tham nhũng của bộ
trưởng Công an Trần Đại Quang. Vì theo bà, nếu thủ tục điều tra tiến hành như
bình thường thì khả năng đối tượng tham nhũng – vốn có chức quyền – sẽ tận
dụng lợi thế đó để xoá dấu vết, tiêu huỷ vật chứng, thậm chí biến mất sau khi
bị phát hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên “nếu trao quyền mà thiếu cơ chế kiểm
soát thì khả năng lạm dụng có thể xảy ra nên phải xác định nguyên tắc, điều
kiện chặt chẽ, đối tượng để áp dụng”, bà Nga lưu ý.
Đối với lực lượng thanh tra, bà Nga cho rằng, để đảm bảo
phát huy hiệu quả của thanh tra trong phòng chống tham nhũng và khắc phục
việc quá lệ thuộc của ngành thanh tra vào chủ thể quản lý, năm 2010 Quốc hội
đã sửa đổi luật Thanh tra theo hướng đảm bảo sự độc lập cần thiết của hoạt
động thanh tra, tuy nhiên thực tế nhiều vụ việc thanh tra không tuân thủ
nghiêm, như các cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ thực hiện tại Vinashin
và ngân hàng Phát triển. Cụ thể các vi phạm, theo đại biểu này, là thời hạn
ra kết luận thanh tra (có vụ vi phạm gấp mười lần thời hạn cho phép); người
ra kết luận thanh tra có xu hướng phụ thuộc chủ thể quản lý; trưởng đoàn
thanh tra chưa thực hiện trách nhiệm kiến nghị của mình, góp phần dẫn đến
người có thẩm quyền thuyên chuyển công tác đối tượng thanh tra (như trong vụ
việc ở Vinalines); nội dung kết luận thanh tra không xác định đầy đủ trách
nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm dẫn đến trách nhiệm chỉ có lãnh đạo
doanh nghiệp chứ không hề thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Soi công thức được quốc tế thừa nhận: (tham nhũng = độc quyền
+ bưng bít thông tin – trách nhiệm giải trình) vào thực tiễn của Việt Nam
trong công khai kết luận thanh tra, bà Nga nói: Có bốn hình thức công bố kết
luận thanh tra nhưng thường người ra quyết định thanh tra lại chọn hình thức
có phạm vi hẹp nhất, dẫn đến, ngay đại biểu Quốc hội như bà muốn tiếp cận kết
luận còn khó nói chi công chúng. “Việc hạn chế công chúng tiếp cận kết luận
thanh tra đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chống tham nhũng”, bà Nga bày tỏ.
Hay như vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong chống tham nhũng, theo bà là
chưa được đề cao, địa vị còn nửa vời, bà Nga nói; kiểm toán là công cụ để
Quốc hội giám sát Chính phủ nhưng đây không phải là cơ quan của Quốc hội cũng
không phải cơ quan của Chính phủ, tổng kiểm toán Quốc hội muốn bầu cũng phải
có sự thống nhất của Thủ tướng. Kết luận kiểm toán chưa có giá trị bắt buộc
thi hành, chưa bao giờ tổng kiểm toán báo cáo báo tình hình ngân sách hàng năm
trước Quốc hội… làm giảm hiệu quả phát hiện tham nhũng, nhất là trong chi
ngân sách và đầu tư công.
(Theo Sài Gòn tiếp thị) Chí Hiếu lược ghi
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét